Anh Chu và vợ đều là người Trung Quốc, biết nhau qua lời giới thiệu của một người bạn. Ngay từ lần gặp đầu tiên, cả hai đã ưng ý và có tình cảm với nhau. Không lâu sau đó, hai người tiến tới hôn nhân và lên kế hoạch có con ngay vì anh Chu và vợ đều không còn trẻ.
Cuộc sống của vợ chồng anh sau cưới rất êm ấm, không hề nảy sinh mâu thuẫn như nhiều cặp vợ chồng khác. Anh Chu đi làm xa nhà, công việc cũng vô cùng bận rộn nhưng luôn cố gắng sắp xếp công việc để về thăm vợ ít nhất 1 lần mỗi tuần.
Vợ anh Chu có tin vui sau 6 tháng đám cưới, thai kỳ rất suôn sẻ. Ngày vợ chuyển dạ, anh Chu đang làm việc ở tỉnh khác nhưng vẫn kịp bắt chuyến bay về để đưa vợ đi sinh. Em bé chào đời trong niềm hân hoan của cả gia đình, nhất là vợ chồng anh Chu.
Quyết định đi giám định ADN với con khiến anh Chu phải hối hận tột cùng. Ảnh minh hoạ
Vậy nhưng, tới khi bé được 5 tuổi, anh Chu bất ngờ phát hiện con trai trông không giống mình, cũng không quá giống vợ, thay vào đó lại ngày càng giống ông nội y như đúc. Anh bắt đầu sinh nghi khi nghĩ lại khoảng thời gian qua, ở nhà chỉ còn vợ và bố chồng đã già vì anh đi làm xa, lâu mới về.
Anh Chu càng nghĩ càng khó hiểu. Nỗi nghi ngờ trong lòng ngày một lớn tới mức anh Chu quyết định đi làm giám định cha con ở 3 bệnh viện khác nhau nhưng không nói cho gia đình biết. Kết quả trả về đều kết luận anh Chu và con trai có quan hệ máu mủ. Anh Chu càng yên tâm hơn khi nghe bác sĩ giải thích rằng trẻ con giống những người lớn tuổi trong nhà là điều bình thường.
Tuy nhiên, anh không biết sóng gió gia đình sắp ập tới. Một lần, vợ anh Chu vô tình nhìn thấy bản kết quả xét nghiệm ADN liền nổi giận đùng đùng, tìm chồng để hỏi cho ra lẽ. Biết được mọi chuyện, người vợ càng giận giữ hơn và cũng đau lòng khi người chồng "đầu ấp tay gối" lại không tin tưởng chị.
Người vợ tổn thương trong lòng, cảm thấy nhân cách bị xúc phạm, đồng thời thấy anh Chu không đủ tư cách làm chồng. Do đó, chị quyết định dọn đồ về nhà ngoại, chỉ để lại cho chồng lá đơn ly hôn.
Nhiều người biết chuyện không khỏi thương thay cho anh Chu vì chỉ từ một mối nghi ngờ vô căn cứ, không chịu thẳng thắn nói chuyện với vợ mà dẫn đến cái kết gia đình tan nát.
Nghệ thuật 'nói thẳng' giữa vợ chồng
Có một thực tế rất đáng buồn là nhiều cặp vợ chồng vì không bao giờ đối diện với vấn đề gặp phải hàng ngày một cách thẳng thắn, mà chỉ nghi ngờ rồi nói vòng vòng, nói bóng nói gió, nói xa nói gần.
Điều đó dẫn đến có những cuộc hôn nhân kéo dài nhiều năm nhưng vợ chồng cứ hục hặc những chuyện không đâu vào đâu.
Nhưng nói thẳng thắn vào những vấn đề hai vợ chồng đang gặp phải như thế nào cho đúng cách cũng là một nghệ thuật. Nói thẳng thắn khác hẳn với sự sỗ sàng, nói bỗ vào mặt, nặng nề và gây tổn thương người bạn đời của mình.
Ảnh minh hoạ
Điều quan trọng nhất để giữ hòa khí trong gia đình là cả hai bên vợ và chồng đều phải học cách kiểm soát các cảm xúc của mình trong mọi trường hợp. Khi có con cái thì điều này còn quan trọng hơn nữa. Trong các cuộc trò chuyện, đặc biệt là khi "động chạm" đến những vấn đề nhạy cảm như tiền bạc, nghi ngờ về kẻ thứ ba.. thì việc kiểm soát cảm xúc phải tốt.
Trong lúc trò chuyện khi thấy xung đột bắt đầu nảy sinh thì có thể tạm dừng, đợi khi bình tĩnh rồi tiếp tục.
Khi vấn đề đã giải quyết xong thì nên bỏ qua một bên, tránh nhắc đi nhắc lại, gây khó chịu. Nên đề cao tinh thần xây dựng khi thảo luận cùng nhau, như thế thì kết quả cuộc trò chuyện mới dẫn đến những sự thống nhất giữa vợ và chồng.