"Khi đó mẹ tôi tuyệt thực và mắng con gái ăn phải bùa mê thuốc lú gì của người ta mà dại dột như vậy", chị Trần Lệ Hiền Thương, 34 tuôi, ở tiểu khu Liên Sơn, thị trấn Lương Sơn nhớ lại thời điểm đòi lấy chồng 12 năm trước.
Vợ chồng anh Duy Đạt, chị Hiền Thương đưa bố xuống Hà Nội xạ trị, tháng 8/2024. Ảnh: Hải Hiền
Người cô đòi lấy là anh Nguyễn Duy Đạt, ở cách 10 km, hơn cô 6 tuổi. Người đàn ông này còn mất hai tay và chân trái sau một tai nạn điện năm 2010. Sau biến cố đó, không chịu được khó khăn, người vợ đầu của anh bỏ đi.
Quá nhiều nỗi đau dồn lại, Đạt từng có ý định quyên sinh. Bạn thân đến chơi, thấy anh xơ xác do giảm hơn 40 kg, không ăn uống được nên khuyên tìm người mới bầu bạn. Người đàn ông nghe xong chỉ cười buồn.
Người bạn thân sau đó đã rủ Hiền Thương - người quen cùng xóm - đến chơi nhà anh Đạt. Lần đầu gặp, ấn tượng đầu tiên của cô gái là sự thương xót cho hoàn cảnh éo le của người đàn ông xa lạ.
"Kể chuyện về vụ tai nạn mà anh cứ rơi nước mắt", Thương kể. Cô gái 22 tuổi khi đó hứa nếu có việc gì cần cứ gọi, cô sẽ qua giúp đỡ.
Từ hôm đó, bằng những ngón chân lành lặn còn lại, Đạt nhắn tin, gọi điện hỏi thăm Thương mỗi ngày. Câu chuyện giữa hai người vì thế cứ kéo dài thêm. Cuối tuần, anh lấy hết can đảm rủ cô gái đến nhà chơi. Tưởng sẽ bị từ chối nhưng cô đạp xe đến nhà anh thật.
Trong ký ức của anh Đạt, đó là một ngày vui sau chuỗi ngày chìm đắm trong đau khổ. Thương giúp dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, thậm chí giúp anh tập đi trên chân giả. Lần đầu chạm tay vào lớp da chằng chịt vết thương, nỗi thương cảm cứ lớn dần lên trong cô.
Gặp nhau nhiều lần, Đạt bị lôi cuốn bởi tính cách vui vẻ và nụ cười ngọt ngào của cô gái mới quen. "Tôi thích cảm giác được ở bên Thương và muốn giữ nó mãi", anh nói.
Cô gái cũng rung động trước sự chân thành và cố gắng vượt khó luyện tập dù đau đớn nhưng không kêu ca của người đàn ông. Cả hai tin đã tìm được một nửa đời mình.
Qua lại với nhau được ba tuần, Đạt tỏ tình với Thương. Tin tức ngay sau đó đến tai người mẹ khiến con gái bị triệu tập về họp gia đình. Từng lam lũ, quần quật lao động nuôi ba con nên người mẹ hiểu nếu lấy một người như Đạt, Thương sẽ vất vả thế nào.
Biết gia đình bạn gái phản đối, Đạt khuyên Thương nên nghe lời cha mẹ, rời xa anh bởi biết mình khó đem cho cô một hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng cô gái vẫn cương quyết với lựa chọn của mình, cho rằng Đạt là người chân thành. Cô giục anh nói chuyện với bố mẹ, mang sính lễ sang nhà mình bởi nếu căng thẳng để lâu, hai người càng khó đến với nhau.
Ngày thứ 24 sau lần đầu gặp gỡ, gia đình Đạt mang lễ vật đến nhà Thương dạm ngõ. Dù không bị đuổi, nhưng người cha nhìn con gái rồi nói: "Tôi đẻ con nhưng không dạy được con. Đây là lựa chọn của nó, sau sướng khổ thế nào tự chịu". Biết bố đã xuôi lòng, cả hai bàn ngay tới đám cưới. Giữa năm 2012, sau đúng 29 ngày gặp gỡ, đám cưới của họ đã diễn ra.
Trong đám cưới, khách mời chỉ hơn 100 người nhưng 200 người đến dự vì "muốn xem mặt chú rể thế nào mà cái Thương quyết tâm đến thế". Hôn lễ vừa kết thúc, trời đang nắng bỗng đổ mưa, cô dâu quay sang chú rể động viên: "Ông trời còn khóc thương chúng mình, bố mẹ rồi cũng sẽ thương anh".
Ảnh cưới của anh Duy Đạt và chị Hiền Thương, năm 2012. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cưới nhau về, hai vợ chồng tách khẩu và được chứng nhận hộ nghèo. Mang thai con đầu lòng, Thương nghỉ làm công nhân, ở nhà trồng rau và nuôi lợn gà. Hàng ngày ngoài công việc, cô còn chăm sóc chồng từ miếng ăn, giấc ngủ, giúp anh tập đi. Hơn một năm sau anh Đạt di chuyển thành thạo trên chiếc chân giả.
Năm 2013, họ đón con đầu lòng. Để trông con, Đạt ngồi tựa lưng vào tường, khoanh chân lại để Thương đặt đứa bé lên trên rồi ru ngủ. Khi đứa trẻ tập đi được mẹ đặt vào chiếc xe tròn, buộc cố định vào thân cây hay cột nhà rồi người bố khuyết tật đứng cạnh hát hò, kể chuyện cho nghe.
"Cảm giác lúc đó vô cùng sung sướng. Tưởng chừng mọi thứ đã chấm dứt từ ngày bị tai nạn nhưng Thương đã mang tới cho tôi một cuộc sống mới, có niềm vui và hy vọng", anh Đạt nói.
Cuộc sống gia đình nghèo khó, đến cái tã, quần áo của ba đứa con cũng phải đi xin nhưng Thương chưa bao giờ hối hận khi lấy Đạt. Mỗi khi cô mệt, anh dùng chiếc chân lành lặn còn lại làm gối êm ru ngủ. Cô thức trông con, anh cũng thức theo đến sáng.
Khi con cái dần lớn, thấy chồng chỉ dám qua lại vài ba nhà hàng xóm, Thương động viên anh đi chơi xa hơn để đầu óc khuây khỏa. Từng bị kỳ thị, bị ánh mắt người lạ nhìn chằm chằm khi đi trên đường, Đạt từ chối. Biết khó thay đổi, hàng ngày Thương mượn bố chiếc xe máy cũ, rủ chồng đi dạo vài vòng ngoài đường và kết thúc tại quán nước, nơi có nhiều người.
Những ngày đầu, vì sợ người khác nhìn thấy cơ thể đầy khiếm khuyết của mình, Đạt chỉ co ro một góc. Sau được nhiều người hỏi thăm động viên, anh dần mở lòng. Từ đó, mỗi khi tới chỗ đông người, người đàn ông này luôn vui vẻ, không còn rụt rè hay đề phòng ánh mắt soi mói từ bên ngoài.
Năm 2018, Thương bàn với chồng đi bán rau tại chợ huyện cách nhà 25 km để kiếm thêm thu nhập, chi phí học hành, ăn uống cho các con. Hàng ngày người phụ nữ ra khỏi nhà từ 2h30 sáng và trở về lúc giữa trưa. Đi đêm, nhiều lần xe máy cũ bị hỏng giữa đường, thương vợ nên Đạt đòi theo. Từ đó, dù giá rét hay bão bùng, hai vợ chồng người trước người sau đèo nhau tới chợ bán hàng sớm.
Sáu năm đi chợ, gần đây sức khỏe anh Đạt giảm sút bởi ảnh hưởng của bệnh tiểu đường. Thời điểm này, bố anh cũng mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Gia đình vốn khó khăn giờ càng kiệt quệ. Nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm, bốn tháng nay người đàn ông này lập một kênh Tiktok chuyên bán hàng gia dụng. Hai vợ chồng cùng làm, chồng livestream, vợ đóng hàng vui vẻ.
"Là kênh mới nên có ngày anh Đạt livestream từ 20h hôm trước đến 3-4h sáng hôm sau. Ngày nhiều được hai chục đơn, ngày ít chỉ vài đơn nhưng chưa từng thấy anh than vãn". Thương nói. Với cố gắng của chồng, cô cảm thấy việc cãi gia đình để làm vợ người đàn ông này 12 năm trước là đúng đắn.
Gia đình anh Đạt, chị Thương cùng ba con. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hiện, hàng tháng hai vợ chồng lại nghỉ vài buổi để đưa bố từ Hòa Bình xuống Hà Nội xạ trị. Dù vất vả, nhưng cả hai luôn động viên, dựa vào nhau cùng bước qua những ngày gian khó. Ở nhà, ba đứa con của họ được dạy làm mọi việc, đứa lớn bảo ban đứa nhỏ học hành. Năm ngoái, con gái đầu còn đạt học sinh tiêu biểu của trường, được tỉnh Hòa Bình trao bằng khen "Học sinh nghèo vượt khó".
"Đó chính là động lực để hai vợ chồng tiếp tục cố gắng", Thương nói.