Người làm bố làm mẹ nào cũng mong con cái được hạnh phúc, chẳng ai muốn thấy cảnh vợ chồng con cái lục đục, tan đàn xẻ nghé cả. Chính vì điều này mà dì Cao (sống ở Trung Quốc) đã tới nhờ người hòa giải giúp đỡ, khuyên con dâu mình là chị Tiểu Hồng đừng ly hôn với chồng.
Dì Cao cho biết, con trai dì tên là Thịnh Đào, vợ chồng con đã kết hôn được 6 năm. Nhưng dì nói rằng, có con dâu cũng như không bởi vì sau khi sinh con, con dâu đã về nhà bố mẹ đẻ và ở đó suốt 6 năm nay.
“Con trai tôi đi làm ăn xa, nghĩ con dâu thích sống ở nhà bố mẹ đẻ hơn nên tôi để con bé về. Không ngờ, nó đi một cái là những 6 năm. Thời gian qua nó không đóng góp được gì cho cái nhà này cả, không kiếm được một xu nào cũng không kính trọng người lớn tuổi.
Những điều đó tôi đều nhịn, mắt nhắm mắt mở cho qua. Không ngờ bây giờ con dâu còn không biết điều, đòi ly hôn với con trai tôi”, dì Cao ấm ức nói. Dì cũng tin rằng, sở dĩ con dâu đòi ly hôn có thể là do bị ông bà thông gia xúi giục.
Chia sẻ với người hòa giải, anh Thịnh Đào nói rằng, anh cũng không biết tại sao đang yên đang lành vợ lại đòi ly hôn. “Tôi đang đi làm ở thành phố, nghe tin vợ đòi ly hôn tôi đã nghỉ việc và vội vàng quay về đây”, người đàn ông cho hay.
Anh Thịnh Đào bất ngờ khi vợ đòi ly hôn. (Ảnh minh họa)
Để tìm ra sự thật, người hòa giải đã đưa hai mẹ con dì Cao tới nhà chị Tiểu Hồng. Khi người hòa giải nói với Tiểu Hồng về những nghi hoặc của ông xã và mẹ chồng, chị tức giận quát chồng: "Anh đừng giả vờ làm người tốt ở đây. Anh không biết anh đã làm gì trước đây à?".
Rồi chị Hồng kể về cuộc hôn nhân của mình. Chị cho biết, nhà anh Thịnh Đào tuy nghèo nhưng thấy anh hiền lành, thẳng thắn, chịu thương chịu khó nên chị đã đồng ý lấy anh, sẵn sàng cùng anh cố gắng để có cuộc sống tốt hơn.
Sau khi kết hôn không lâu, chị có thai. Suốt thời gian mang thai, chị vẫn đi làm kiếm tiền. Cũng hiểu cho cái khó của chồng nên từ lúc mang thai tới khi sinh con, chị luôn đến bệnh viện khám thai một mình mà không có nửa lời oán than, phàn nàn.
Ngày con trai chào đời, anh Thịnh Đào mới vội vàng về quê, nhưng cũng chỉ ở lại bệnh viện 1 ngày rồi quay lại thành phố để làm việc tiếp. Trong thời gian ở cữ, chị cũng không được mẹ chồng chăm sóc chu đáo. Mẹ không nấu những bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng cho chị mà chỉ nấu cơm trắng và súp trong với lý do bà có quá nhiều việc phải làm.
Mẹ chị xót con gái quá không chịu nổi, liên tục gửi trứng gà sang cho con ăn để có sữa cho cháu bú. Thấy bà thông gia không nỡ mua thịt cho con mình ăn vì chê đắt, mẹ chị Tiểu Hồng lại mua 2 chân giò về hầm rồi lại gửi qua.
Cứ như thế, mẹ chị Hồng đã gửi đồ ăn qua liên tục cho chị suốt thời gian ở cữ. Hết thời gian ở cữ, mẹ chồng không chăm sóc chị nữa mà đi chơi, đẩy hết việc nhà cho chị.
Sau khi ở cữ, chị Hồng đã đưa con về nhà bố mẹ đẻ. (Ảnh minh họa)
Khi nhà có thêm một đứa trẻ, đương nhiên sẽ tiêu nhiều tiền hơn, nhưng anh Thịnh Đào lại không đưa tiền cho chị. Không còn cách nào khác, chị đành phải đưa con về nhà bố mẹ đẻ, nhờ bố mẹ chăm sóc để cô đi làm kiếm tiền.
Trong khoảng thời gian này, vào dịp Tết anh Thịnh Đào sẽ về nhà vài ngày, về cơ bản là dành thời gian ở gia đình ruột thịt chứ chẳng qua gặp vợ con được mấy lần.
Trong 6 năm qua, với sự giúp đỡ của nhà ngoại, chị Hồng đã nuôi 2 đứa con nhưng anh Thịnh Đào chỉ đưa tiền cho chị 1 lần duy nhất.
Người vợ cũng từng nghĩ đến việc xoa dịu mối quan hệ giữa hai vợ chồng nên đi tới công trường của anh. Điều khiến chị tức giận là khi nhìn thấy một hộp sữa trên bàn, chị cầm lên định uống thì chồng lại yêu cầu chị đặt xuống, rồi đưa sữa cho đồng nghiệp uống thay vì đưa cho vợ.
Càng nghĩ càng tức, chị Hồng tức giận bỏ về nhà. Khi chị hỏi lại chồng về chi phí sinh hoạt của con cái, anh Thịnh Đào lại yêu cầu chị viết giấy nợ.
Nghe chị Hồng kể chuyện, người hòa giải cũng không nhịn nổi mà hỏi anh Thịnh Đào: “Anh không thể để vợ con tiêu tiền mình kiếm được sao? Tại sao anh không đưa tiền cho vợ?”.
“Có lần tôi chuyển khoản 10.000 tệ (khoảng 34 triệu đồng), cô ấy đã tiêu hết trong nửa năm rồi xin tôi thêm. Cô ấy tiêu tiền hoang phí và không biết tiết kiệm. Hai đứa con của tôi còn nhỏ thì tốn hết bao nhiêu chứ? Tôi phải giữ tiền, tiết kiệm chút tiền để lo cho chúng sau này”, anh Thịnh Đào ngây thơ trả lời.
Không những vậy, anh còn nghi ngờ vợ tiêu tiền nhanh như vậy là vì vợ lén đưa tiền cho bố mẹ đẻ. Nghe đến đây, chị Hồng tức giận quát chồng: “Anh còn lương tâm không? Suốt 6 năm qua là mẹ giúp tôi nuôi 2 đứa con. 6 năm qua anh chỉ gửi về 10.000 tệ mà còn sợ bố mẹ tôi tiêu hết à? Tôi có chồng cũng như không, nên tôi muốn ly hôn”.
Mẹ chồng thấy con dâu nhất quyết đòi ly hôn thì hoảng sợ, vội vàng nhận lỗi về mình, khuyên chị Hồng đừng tức giận, xin hãy nghĩ về hai đứa con mà làm hòa với chồng. Nhưng chị Hồng hoàn toàn không nghe lọt tai. Thấy mọi chuyện không ổn, mẹ chồng chị liền kéo con trai cùng quỳ xuống cầu xin sự tha thứ.
Tuy nhiên, mặc kệ mẹ chồng và chồng quỳ gối van xin, chị Hồng vẫn không thay đổi quyết định của mình. Chị lạnh lùng nói: “Cho dù hai người có quỳ gối đến chết thì tôi vẫn ly hôn”.
Chị Hồng uất ức đòi ly hôn với chồng.
Lúc này, anh Thịnh Đào vẫn cố gắng khuyên nhủ vợ. Anh nói, nếu chỉ cần vợ không đòi ly hôn nữa thì anh sẽ cân nhắc tới việc mỗi tháng đưa một ít tiền cho chị.
Câu nói này một lần nữa khơi dậy sự tức giận của chị Hồng, chị nói thẳng: “Nếu anh không đồng ý ly hôn, tôi sẽ đơn phương ly hôn”.
Sau đó nghe theo lời khuyên của người hòa giải, anh Thịnh Đào chân thành xin lỗi vợ, hứa sẽ cố gắng hết sức để làm hài lòng vợ. Sau một hồi thuyết phục, cuối cùng chị Hồng cũng thay đổi ý định.
Một ngôi nhà cần hai vợ chồng cùng nhau dựng xây, trong một mối quan hệ cần hai người vun đắp. Nếu đàn ông không có trách nhiệm với gia đình thì tình cảm vợ chồng sớm muộn gì cũng tan vỡ, dẫn đến đổ vỡ hôn nhân.