Sính lễ là một trong những nghi thức quan trọng trong ngày cưới. Sính lễ lớn hay nhỏ có thể do hai bên gia đình bàn bạc hoặc do nhà gái thách cưới, điều này tùy thuộc vào từng nhà, từng vùng miền.
Những đám cưới ở Trung Quốc, nhà gái thường thách cưới rất lớn. Mới đây, một đám cưới ở tỉnh Tứ Xuyên đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Theo đó, nhà gái đã thách cưới 50.000 tệ (khoảng 170 triệu đồng) nhưng chàng rể không đồng ý. Tuy nhiên, họ hàng, bạn bè lại khen ngợi anh đã làm đúng.
Chú rể đưa sính lễ cho mẹ vợ.
Đoạn video quay lại cho thấy, cô dâu và mẹ vợ ngồi trên giường đợi chú rể đến đón. Khi tới, chú rể lấy ra một xấp tiền để làm quà cho nhà gái. Khi ấy, anh đã quỳ xuống bằng một chân rồi lấy ra 50.000 tệ và nói: “Đây là quà cưới 50.000 tệ con đã chuẩn bị”.
Mẹ vợ nhận sính lễ từ con rể và rất hài lòng. Tưởng rằng tiếp theo chú rể sẽ đón dâu đi nhưng không ngờ anh lại nói tiếp: “Ở đây còn có 100.000 tệ (hơn 340 triệu đồng), là bố mẹ của con biếu nhà mình. Con biết bố đang mắc bệnh và cần tiền. Đây là chút tâm ý của gia đình con, mong mẹ chấp nhận. Từ giờ chúng ta đã là người một nhà rồi, cần phải giúp đỡ lẫn nhau”.
Hóa ra, biết bố vợ đang nằm viện nên đặc biệt thêm 100.000 tệ nữa để giúp đỡ gia đình nhà vợ vượt qua khó khăn.
Nghe những lời con rể nói, mẹ vợ cảm động rơi nước mắt. Cô dâu tỏ ra vui mừng vì cảm thấy mình đã cưới đúng người. Ba người ôm nhau khóc, cảnh tượng này khiến nhiều người xúc động.
Nhận sính lễ của con rể, mẹ vợ xúc động rơi nước mắt.
Câu chuyện sau khi đăng tải trên mạng xã hội nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận. Đa số mọi người đều khen ngợi tấm lòng của chàng rể, và mừng cho cô dâu khi đã lấy đúng người.
Tuy nhiên số khác lại cho rằng, không nên thách cưới quá cao. Thay vì đưa ra tiền thách cưới, đằng gái có thể nhờ con rể giúp đỡ một khoản tiền để chữa bệnh thì hợp lý và tình cảm hơn. Bởi không ít cặp đôi đã phải chia tay vì tiền thách cưới rồi.
Thách cưới bao nhiêu là hợp lý?
Mỗi địa phương sẽ có mức tiền thách cưới khác nhau và chúng ta thường gọi là lễ đen. Lễ đen được hiểu là món quà nhà trai bày tỏ sự biết ơn đối với công sức sinh thành, nuôi dưỡng cô dâu của nhà gái và thể hiện tấm lòng muốn đón con dâu về nhà chồng.
Ở miền Bắc, lễ đen thường là số lẻ như 5 – 7 – 9 – 11,… triệu đồng. Trái lại, lễ đen trong ăn hỏi miền Nam thường là số chẵn (6, 8 hoặc 10 triệu đồng) do quan niệm lộc, phát trong hôn nhân.
Theo quan điểm ngày xưa, con gái càng có giá lễ đen càng to tiền nên ở một số nơi, nhà gái thường thách cưới rất cao. Nhưng có nhà gái thách cưới cao với mục đích thu hồi “vốn nuôi con”.
Nếu gia đình nhà trai có điều kiện, tiền thách cưới không phải là vấn đề nhưng với những nhà không có nhiều sẽ trở thành điều cần suy nghĩ. Nó sẽ tạo ra áp lực cho nhà trai, thậm chí gây tổn hại đến hạnh phúc của hai con trong ngày quan trọng nhất của cuộc đời.
Vì vậy, để không gây ra áp lực và làm tổn hại tới tình cảm của các cặp đôi cũng như hai bên gia đình, tiền thách cưới không nên quá cao và có sự đồng thuận của hai bên gia đình sẽ tốt hơn.