Dù đã kết hôn hơn 1 năm nay song chị Linh, đang làm nhân viên ngân hàng ở Đà Nẵng và anh Dezso (tên tiếng Việt là An, bác sĩ sản khoa, người gốc Hungary, đang sống, làm việc tại Đức) vẫn chưa thể đoàn tụ. Những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới càng khiến tổ ấm nhỏ khó có thể gặp nhau hơn.
Họ đến với nhau khi cả hai đều bước ra khỏi cuộc hôn nhân cũ. Theo thời gian, sự đồng cảm, sự chân thành đã khiến hai con tim xa lạ xích lại gần. Để rồi anh An cùng 4 người con của mình và chị Linh cùng cô con gái nhỏ, thêm bé Molnar Đức Minh (18 tháng tuổi, mang bốn dòng máu Việt, Hungary, Đức và Israel) là con chung của cả hai đã về chung một nhà, chính thức trở thành mảnh ghép hoàn hảo của nhau.
Câu chuyện tình yêu của chị Linh và anh An đi lên từ mối quan hệ bệnh nhân - bác sĩ.
Hai năm trước, chuyện tình yêu của họ bắt đầu. Khi đó, chị Linh từng được chẩn đoán khó có khả năng làm mẹ (vô sinh thứ phát) sau khi sinh bé con đầu lòng cách đó nhiều năm. Qua lời giới thiệu chị được biết anh An - một bác sĩ sản khoa khá uy tín tại Đức nhưng lại thường xuyên về Việt Nam thăm quan. Không chút chần chừ, chị chủ động kết bạn qua mạng xã hội với mục đích nhờ tư vấn sức khoẻ.
Dần dần họ trở thành hai người bạn, mãi nhiều tháng sau khi anh về Việt Nam như thường lệ và quyết định thay đổi lịch trình để vào Đà Nẵng thì cả hai mới bắt đầu chớm có tình cảm. Tuy nhiên phải đến lần về Việt Nam tiếp theo và tham gia cùng nhóm bạn thân của chị thì cả hai mới chính thức yêu đương.
Để hiểu thêm về anh thông qua cách cư xử, chị Linh đã quyết định gặp gỡ mẹ và 4 đứa con của anh. Thông qua hành động và lời nói, chị cảm nhận được sự yêu thương tôn trọng của những người con dành cho cha mình. Với mong muốn có thể gần gũi hơn với văn hoá của người Á Đông, các con của anh An chủ động bay sang Việt Nam thăm họ hàng nhà chị Linh, họ đề nghị được sống vài ngày trong gia đình để tìm hiểu và học cách làm các món ăn Việt.
Bé Đức Minh là kết tinh ngọt ngào của chị Linh cùng bác sĩ người Hungary.
Họ đã trở thành người yêu của nhau sau một năm làm bạn.
Dù rất giản dị song tất cả đã cho chị cảm giác thân thiết và xóa bỏ mọi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, giúp chị tiếp thêm động lực và tin tưởng rằng đó là một sự lựa chọn đúng đắn khi trở thành một thành viên trong một gia đình phương Tây nhưng rất yêu văn hóa Việt Nam.
Yêu anh An chị Linh không gặp nhiều rào cản từ hai bên gia đình họ hàng mà ngược lại rào cản lớn nhất đến từ chính bản thân chị. Việc từng đổ vỡ khiến chị mất niềm tin khá nhiều vào sự bền vững của hôn nhân, để rồi ngại phải bắt đầu một mối quan hệ mới. Chưa kể gia đình và bản thân chị đang có cuộc sống ổn định, công việc và thu nhập khá tốt, chị rất sợ điều tiếng rằng phụ nữ lấy chồng Tây vì tài chính hoặc muốn đi nước ngoài định cư.
Chị còn lo sự khác biệt về văn hoá sẽ rất khó để dung hoà khi chung sống. “Mình rất ngại kiểu tranh cãi anh thế này nhưng tôi muốn thế kia, ở phương Tây thế này nhưng ở Việt Nam là thế kia... Hơn thế nữa, mình không có ý định rời Việt Nam nên rõ ràng khi kết hôn về lâu dài chồng mình sẽ phải hy sinh sự nghiệp, vị trí rất tốt tại Đức đang là một bác sĩ sản khoa cấp cao, một trưởng khoa ở bệnh viện lớn và luôn được nhiều bệnh viện tín nhiệm mời làm việc với thu nhập cao để về Việt Nam và bắt đầu lại từ đầu. Thực tế là không biết sẽ thành công hay thất bại nhưng đối với mình thì mình lo sợ mình sẽ trở thành nguyên nhân cho sự đi xuống cho sự vất vả làm lại từ đầu của anh ấy sau này. Thực sự là lúc đó càng suy nghĩ mình lại càng phân vân và càng muốn thụt lùi.” – chị Linh nói.
Áp lực từ trong thâm tâm khiến chị nhiều lần nghĩ sẽ dừng lại song chính những quan tâm của anh An đã làm con tim của chị không kìm nổi lòng mình. Vốn là một phụ nữ mạnh mẽ, nhưng trước người đàn ông chân thành, bao dung chị cũng không cầm nổi nước mắt. “Những lúc muốn buông xuôi, muốn bỏ cuộc mình mới nhận ra anh yêu mình quá nhiều. Từ lúc đó, mình đã bước qua mọi điều tiếng để đồng hành cùng anh trên chặng đường đời còn lại” – chị tâm sự.
Tình yêu đến lúc chín muồi, chị Linh không muốn tổ chức linh đình, lộng lẫy, cả hai đều thống nhất sẽ làm một lễ cưới riêng tư và chỉ cần sự chứng kiến của những người thân nhất trong gia đình. Chị nói: “Đó là kỷ niệm vô cùng ấm áp với cả hai, vì là tiệc gia đình nên người thân có dịp ngồi hàn huyên, gặp nhau trong không khí vui vẻ nhẹ nhàng không cầu kỳ, có thể trao cho nhau thật nhiều điều. Tiệc cưới của cả 2 vợ chồng trở thành cuộc họp mặt gia đình rất nhiều giá trị về mặt tinh thần”.
Khi tình yêu chín muồi, hai anh chị đã về chung một nhà trong sự chứng kiến của những người thân yêu.
Trở về thăm Hungary một vài ngày sau đám cưới ở Việt Nam, điều khiến chị Linh ngạc nhiên hơn cả chính là hành động các con của anh An tự động thay biển tên trước cửa bằng biển tên bố Dezso và mẹ Linh, như một cách thừa nhận vai trò của chị trong gia đình.
Hiện tại, chị Linh và bé Đức Minh đang sinh sống ở Đà Nẵng còn anh An tiếp tục công việc của một bác sĩ sản khoa ở Đức. Những khi có dịp qua Việt Nam hợp tác cùng các đơn vị y tế, chị Linh lại đồng hành cùng chồng trong vai trò là phiên dịch y khoa.
Nhìn từ cuộc hôn nhân hiện tại của bản thân, chị Linh tâm sự, hôn nhân không phải màu hồng, và nhất là hôn nhân với người nước ngoài. Sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa là điều không dễ dung hòa từ điều nhỏ nhất như chuyện ăn uống, sinh hoạt cho đến các vấn đề lớn hơn như tài chính, nuôi dạy con cái…
Chị Linh còn là phiên dịch viên y khoa cho chồng mỗi khi anh về Việt Nam làm việc.
Chị thú nhận bản thân may mắn khi có chồng là một người rất tâm lý, nhẹ nhàng và điềm tĩnh nên mọi mâu thuẫn được giải quyết nhanh chóng. “Với chị em phụ nữ chúng mình, hãy luôn tin rằng xung quanh chúng ta luôn có tình yêu, một cánh cửa này đóng lại thì đâu đó sẽ có cánh cửa khác mở ra cho bạn, đừng tự ti và thất vọng vì cuộc sống hay hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên khi chuyển từ yêu sang hôn nhân thì nên nhớ màu sắc của hôn nhân là do chính mình tô vẽ, đẹp hay xấu hoàn toàn tùy thuộc vào cách ứng xử giữa hai bên” – mẹ Đà Nẵng nói.