Đám cưới là ngày vui của cô dâu chú rể, khi đó cả hai sẽ trở thành tâm điểm và họ sẽ dành cho nhau những cái nhìn trìu mến, những nụ hôn ngọt ngào. Tuy nhiên, đám cưới này ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) lại khác.
Đánh giá về quy mô của đám cưới thì có thể coi là khá hoành tráng, sang trọng. Hôn trường được bao phủ bởi hoa, cô dâu trông thật xinh đẹp trong bộ váy cưới màu trắng, chú rể mặc vest bảnh bao, đeo kính trông rất lịch lãm.
Giống như nhiều đám cưới khác, trong đám cưới này bố mẹ hai bên cũng lên sân khấu phát biểu, chụp ảnh. Vốn dĩ là một điều rất bình thường nhưng lại bị mẹ của chú rể biến thành bất thường.
Mặc kệ cô dâu chú rể đang nắm tay đứng trên hôn trường, mẹ chú rể vẫn tựa vào con trai mình, nhìn với ánh mắt bất đắc dĩ như kiểu không muốn để con đi lấy vợ.
Bà đứng kè kè bên cạnh chú rể, nắm chặt lấy tay con trai mình ngay trên hôn trường và thậm chí là dựa người vào anh. Bà khóc lóc, nhìn con trai bằng ánh mắt đầy vẻ bất đắc dĩ, còn làm lố hơn so với nhà gái, giống như kiểu không nỡ để con trai đi lấy vợ vậy.
Cô dâu đứng bên cạnh cũng cảm thấy khó hiểu, nhưng đang tổ chức đám cưới nên cô không dám bày tỏ gì, chỉ quay đầu sang hướng khác.
Bố chú rể đứng bên cạnh cũng nói với quan khách rằng, gia đình ông đã chi hết tiền tiết kiệm để giúp con trai lấy vợ cũng thu hút sự chú ý của nhiều người. Hôn nhân là chuyện giữa hai bên gia đình, nhà trai đã chi rất nhiều tiền cưới vợ cho con trai, chẳng nhẽ nhà gái lại không?
Biểu cảm được cho là bất thường của mẹ chú rể trong đám cưới.
Đám cưới là thời điểm chứng kiến hạnh phúc của cô dâu chú rể, dù có bất bình thế nào đi chăng nữa cũng nên im lặng, không cần phải phô ra cho cả thế giới biết. Làm như vậy thật khó coi.
Chính vì vậy khi thấy đám cưới “kỳ lạ” này, nhiều người đã lên tiếng chê trách bố mẹ của chú rể, đồng thời lo lắng thay cho cuộc sống của cô dâu sau này.
Một người nhận xét, tình yêu của mẹ chồng dành cho con trai là chân thành nhưng đối với con dâu thì lại khác, nếu thực sự tôn trọng con dâu thì bà sẽ hiểu cô dâu là nhân vật chính trong đám cưới. Bà ấy làm như vậy là đang cố gắng cướp sự chú ý của con dâu sao?
Rõ ràng, bà mẹ chồng này chỉ quan tâm đến cảm xúc của bản thân mà không để ý đến tâm trạng của con dâu. Nếu trong đám cưới xảy ra chuyện như vậy thì cuộc sống của cô dâu sẽ ra sao?
Đúng là lo lắng không thừa. Theo trang Sohu đưa tin, sau khi kết hôn cặp vợ chồng này không sống chung cùng bố mẹ chồng.
Vốn dĩ, mối quan hệ giữa hai vợ chồng trẻ vẫn ổn, nhưng điều khiến con dâu khó chấp nhận là mẹ chồng quá bám con trai. Bà thường xuyên gọi điện cho con trai, hơn chục lần một ngày. Thế vẫn chưa đủ, đôi khi vào ban đêm bà còn gọi điện video cho con trai nữa.
Chỉ sau 1 tháng cưới, cặp đôi này đã ly hôn.
Cô nhiều lần bảo với chồng, để anh nói với mẹ bớt gọi điện lại. Nhưng người chồng lại nói rằng, con cái phải có lòng hiếu thảo, anh không thể ngó lơ mẹ mình chỉ vì lấy vợ được.
Vì chuyện này, hai người đã xảy ra mâu thuẫn và kết quả là ly hôn chỉ sau 1 tháng cưới. “Tôi thật sự không chịu đựng nổi. Tôi cũng có nhiều cô bạn đi lấy chồng rồi, nhưng không có ai rơi vào tình cảnh giống tôi cả. Mẹ chồng quan tâm là tốt, nhưng bà ấy gọi điện quá nhiều, đã thế còn can thiệp sâu vào cuộc sống của vợ chồng tôi nữa”, người phụ nữ bức xúc.
Sự can thiệp của mẹ chồng và hôn nhân của con cái
Tin rằng trên đời có không ít bà mẹ khác “ghen” với con dâu, sợ con dâu cướp mất đi tình yêu thương của con trai dành cho mình, có vợ sẽ quên mẹ. Họ cũng không tin tưởng con dâu, lo lắng con dâu không thể chăm sóc cho con trai của mình.
Biết rằng con dù lớn vẫn là con của mẹ, nhưng sự lo lắng này thực sự không cần thiết. Con cái đã kết hôn nghĩa là họ đã trưởng thành, có thể tự lo cho cuộc sống của mình.
Nếu mẹ chồng can thiệp quá sâu vào hôn nhân của con cái thì sẽ khiến con cái cảm thấy ngột ngạt, nàng dâu khó chịu vì cảm thấy bị kiểm soát, soi mói và thiếu tôn trọng, tin tưởng về mình. Cảm xúc này tích tụ lâu sẽ khiến mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu bị rạn nứt, không những vậy tình cảm vợ chồng cũng bị ảnh hưởng.
Vì vậy khi con cái đã lập gia đình, các bậc làm cha làm mẹ nên học cách “buông tay”, không nên can thiệp quá sâu vào hôn nhân của con cái. Chỉ nên cho con cái lời khuyên khi cần thiết, nhưng ý kiến đó cũng chỉ là để con tham khảo, cân nhắc, không nên bắt ép con phải làm theo ý mình.