“Mẹ chồng- nàng dâu” là mối quan hệ mà rất nhiều người phụ nữ lo lắng sau khi kết hôn. Chị Nguyễn Thị Tuyết Diệu (24 tuổi, Đồng Nai) cũng từng rất lo lắng khi theo chồng – anh Daniel sang Mỹ làm dâu. Ở một đất nước cách xa quê hương nửa vòng trái đất, với ngôn ngữ, phong tục, văn hóa khác nhau, những ngày đầu chị Diệu đã từng tủi thân vì mâu thuẫn với mẹ chồng khi 2 mẹ con có những quan điểm khác nhau. Thế nhưng sau tất cả, chị nhận ra tình cảm yêu thương mà mẹ chồng dành cho mình và chị càng cảm thấy yêu mẹ nhiều hơn.
Chị Diệu và gia đình nhà chồng.
Ngày 16/5 vừa qua, chị Diệu và anh Daniel đã có cái kết ngọt ngào bằng một đám cưới hạnh phúc sau 3 năm yêu xa tại Mỹ. Vì diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên anh chị chỉ làm đám cưới nhỏ ấm cúng với sự chúc phúc của gia đình.
Hiện tại, do ở Mỹ vẫn trong thời gian cách ly dịch COVID -19, mỗi ngày thức dậy chị chỉ dành thời gian xem phim, trò chuyện và giúp mẹ chồng nấu ăn. Thỉnh thoảng, chị cùng mẹ chồng đi mua sắm, gặp gỡ bạn bè cùng nhau. Mặc dù vẫn còn bỡ ngỡ với cuộc sống mới nhưng Diệu hài lòng với những gì mình đang có.
Chia sẻ về lần đầu tiên đặt chân xuống sân bay ở Mỹ, chị Diệu cho biết, chị được đón tiếp nồng nhiệt từ cả gia đình chồng: ba mẹ, chị, anh rể. Họ đến sớm trước hẳn 1 tiếng chờ, ôm những bó hoa tươi thắm nhất chào đón chị. Ngay khi gặp mặt, mọi cảm giác lo lắng của chị tan biến bởi sự thân thiện của mọi người khi tặng hoa, ôm hôn chị và nói rất hạnh phúc vì được đón chị.
Khi về đến nhà, chị Diệu bất ngờ hơn bởi mọi người trang trí nhà và chuẩn bị rất nhiều quà trên bàn tặng chị. Mặc dù đây là lần đầu tiên gặp mặt gia đình chồng nhưng chị hạnh phúc vì sự ngọt ngào, yêu thương của gia đình chồng dành cho mình.
“Ấn tượng đầu tiên của mình về gia đình chồng là mọi người rất chu đáo, ngọt ngào và rất háo hức chờ đợi để gặp mình. Ba mẹ chồng đã dành thời gian trang trí nhà cửa để chào đón mình về nhà. Trong đó có dòng chữ "welcome to your home Diệu". Điều đó khiến mình cảm thấy thật sự ấm áp”, chị Diệu nhớ lại.
Mẹ chồng và chị chồng của chị.
Không chỉ vậy, ba mẹ chồng còn yêu thương và chăm sóc chị như con gái ruột. Họ dẫn chị đi gặp bạn bè và nhiều câu lạc bộ. Họ dạy chị rất nhiều thứ về ngôn ngữ và văn hóa Mỹ. Thậm chí, họ nấu rất nhiều món đến từ văn hóa khác nhau cho chị ăn. Ở Mỹ rất đa dạng về ẩm thực nên suốt 2 tháng trời đến đây chị vẫn chưa thử hết tất cả các món.
Đối với chị, làm dâu Mỹ rất dễ dàng vì người Mỹ có suy nghĩ thoáng, tự lập và họ muốn con cái nói ra suy nghĩ cũng như quan điểm riêng của mình mà không hề có bất cứ khuôn khổ như dậy sớm, nấu ăn, rửa chén bát cho cả nhà mỗi ngày.
Tuy nhiên, vì văn hóa, phong tục, và quan điểm khác nhau nên trong những ngày đầu tiên làm dâu Mỹ, chị và mẹ chồng cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn. Điều chị gặp khó khăn nhất là đôi khi quan điểm của mẹ chồng khác với quan điểm của chị về những chuyện cá nhân. Trong khi mẹ chồng muốn chị theo quan điểm của họ thì chị lại có những quan điểm của riêng mình. Chính vì vậy, thời gian đầu khi bắt đầu cuộc sống mới xa quê chị cảm thấy mình rất dễ bị tủi thân do không hiểu rõ tính mẹ chồng.
“Ba chồng mình rất hiền và dễ chịu nên mình không có những mâu thuẫn với ba. Mỗi khi mâu thuẫn với mẹ, ông xã mình lại đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng mối quan hệ của cả 2 mẹ con. Anh hiểu tính của mẹ vì là con trai duy nhất trong nhà nên mẹ rất yêu thương chồng mình.
Khi mình mâu thuẫn với mẹ chồng, anh luôn đứng ra bảo vệ mình vì anh tin rằng mình không sai điều gì. Có khi mẹ chồng la mình, anh xã đứng ra bảo vệ ngay. Sau những mâu thuẫn với mẹ chồng, ông xã là người đứng ra giải quyết và làm rõ vấn đề giữa mình và mẹ”, chị Diệu chia sẻ.
Sau những mâu thuẫn, 2 mẹ con hiểu nhau hơn.
Chị Diệu tâm sự, chị là người may mắn vì ông xã luôn thấu hiểu ngay cả khi chị không nói ra. Anh chỉ cần nhìn vào mắt chị là biết chị không vui. Đặc biệt, anh luôn ủng hộ, giúp cho chị cảm thấy ít nhất mình vẫn còn chồng luôn bên cạnh.
Chị Diệu bộc bạch, sau những lần mâu thuẫn với mẹ chồng, chị thấy 2 mẹ con hiểu nhau hơn. Chị cảm nhận được bố mẹ chồng thương mình như con gái ruột. Vào ngày sinh nhật, họ chuẩn bị mọi thứ làm chị bất ngờ, nấu món ngon cho chị và thậm chí không cho chị dọn dẹp vì muốn chị tận hưởng ngày đặc biệt của mình. Những ngày lễ hay ngày kỷ niệm khác, cả gia đình lại đưa chị đi ăn tối ở nhà hàng.
Kể từ khi sang Mỹ sinh sống, chị học được rất nhiều điều từ bố mẹ chồng. Bố mẹ dạy chị lối sống tự lập và sự công bằng giữa vợ chồng với nhau. Ngoài ra, bố mẹ còn dạy chị cách nấu ăn, dạy chị làm sao để chăm sóc tốt cho gia đình giống như mẹ chồng chị đã làm.
“Ở Mỹ, cả vợ và chồng đều nấu ăn, người kia nấu, người này dọn, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái không giống như Việt Nam mình mọi việc trong nhà là dành cho phụ nữ. Phụ nữ và trẻ em ở Mỹ luôn là hàng đầu. Đàn ông chỉ đứng ở phía sau thôi”, chị Diệu cho hay.
Mẹ chồng tổ chức sinh nhật cho chị.
Bố mẹ chồng yêu thương chị như con gái.
Hiện nay, bố mẹ chồng đang hỗ trợ vợ chồng chị rất nhiều. Không chỉ tìm nhà cho chị và chồng ra riêng sắp tới mà còn chuẩn bị rất nhiều đồ dùng nội thất trong nhà để tặng vợ chồng chị khi ra riêng.
Chia sẻ về mối quan hệ “mẹ chồng- nàng dâu” mà nhiều chị em lo sợ, chị Diệu thổ lộ, chị rất hiểu nỗi lo lắng này bởi chị cũng từng cảm thấy như vậy trước khi về nhà chồng. Tuy nhiên, đến bây giờ mọi nỗi sợ ấy trong chị đều không còn bởi mẹ chồng rất thoáng, khiến chị cảm thấy mình giống như con gái chứ không phải là con dâu. Mẹ chồng chị còn không hề có bất cứ khuôn khổ nào về con dâu giống như ở Việt Nam và luôn đối xử với chị rất công bằng, yêu thương. Điều đó khiến chị quên đi rào cản giữa mẹ chồng và nàng dâu mà nghĩ ba mẹ chồng giống như ba mẹ ruột thực sự. Từ đó, chị luôn muốn làm mọi thứ để họ vui.
“Mình nghĩ các chị em đừng nên phân biệt mẹ chồng - nàng dâu ngay cả khi họ đối xử với mình không bằng ba mẹ ruột. Họ là người sinh ra chồng, mình nên trân trọng điều đó. Nếu mình yêu thương họ và kính trọng như ba mẹ ruột thì nhất định họ sẽ nhìn thấy tấm lòng của mình và sẽ yêu thương mình thôi”, chị Diệu tư vấn.