Hôn nhân được tạo nên không chỉ bởi tình yêu mà còn là trách nhiệm của đôi bên đối với gia đình. Nếu chỉ 1 người xây, một người sống vô tâm thiếu trách nhiệm thì tổ ấm ấy khó có thể đứng vững trước bão giông cuộc đời.
Mới đây mạng xã hội cũng chia sẻ câu chuyện hôn nhân của một người vợ trẻ khiến nhiều người chú ý. Nội dung câu chuyện như sau:
Bài chia sẻ của người vợ
"Sau cưới chồng mình luôn sống với quan điểm 'đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm'. Hàng tháng anh ấy đưa cho vợ 2/3 lương, còn lại mọi việc lớn nhỏ trong nhà, từ chăm con tới đối nội đối ngoại mình phải cân hết. Chồng cứ đi quanh năm suốt tháng, thi thoảng cuối tuần anh được nghỉ lại hẹn bạn đi câu. Vợ mà ý kiến, anh sẽ nói rằng bản thân vất vả lo kinh tế gia đình rồi, những ngày nghỉ là thời gian riêng của anh, vợ không được phép càm ràm.
Nói về lo kinh tế, mình cũng đi làm có lương, tuy thu nhập không cao bằng chồng nhưng cũng góp 1 phần không nhỏ vào tài chính gia đình. Vậy nhưng chồng vẫn phó thác hết các việc cho, anh ấy nói đó là việc của đàn bà. Nếu mình không làm được thì ngay từ đầu đừng xác định lấy chồng".
Cô kể, chồng cô tính nết ương ngang, bảo thủ, chưa bao giờ biết tới suy nghĩ của vợ. Hai người cũng không ít lần đôi co, cãi vã nhưng kết quả anh vẫn giữ lối suy nghĩ ích kỷ của riêng mình khiến vợ luôn phải sống trong cảnh đơn độc.
Con ốm mình cô chăm, việc họ mạc cô gánh, bố mẹ ốm cô lo, đồ đạc trong nhà hỏng nhẹ thì cô tự sửa, hỏng nặng thì 1 là cô gọi thợ tới nhà, hai là cô tự chở ra quán. Chồng không bao giờ ngó ngàng.
"Thậm chí cống có tắc mình cũng phải tự thông, cánh tủ hỏng thì mình tự mang đinh búa ra đóng lại, chồng có nhà cũng chỉ ngồi xem tivi không bao giờ xắn tay làm. Nói không quá chứ lắm lúc mình cảm giác bản thân giống như mẹ đơn thân chứ chẳng nghĩ có chồng. Có lần mình ngã xe phải bó bột mà vẫn phải chống nạng vào bếp nấu cơm cho chồng. Những lúc ấy cảm giác tủi thật sự.
Tuần trước, bóng điện trong nhà tắm của nhà mình có biểu hiện hỏng, cứ nhấp nháy lúc được lúc không. Vì cao quá mình không với tới để thay nên giục chồng sửa nhưng nhắc tới chục lần anh ấy vẫn chẳng nói năng gì. Vợ giục nhiều thì anh ấy quát lắm lời. Sau mình chán tự đi mua bóng điện về kê ghế trèo lên thay. Không may, ghế để trong nhà tắm trơn, lúc mình trèo lên bị trượt chân ghế ngã sấp mặt xuống sàn nhà tắm, đau điếng tưởng phải vào viện.
Nằm một lúc mình mới ngồi dậy được. Lúc ấy mình nhận ra, mình thực sự đã quá kiệt sức khi phải 1 mình vận hành cuộc sống gia đình. Nhăn nhó đứng trước gương, mặt mũi đỏ sưng, đầu tóc rối bời mình dường như chẳng nhận ra bản thân.
Sau 10 năm kết hôn, mình tuy vẫn là phụ nữ thật nhưng đôi vai lại giữ trọng trách của cả 1 người đàn ông. Rồi buột miệng mình tự hỏi rốt cuộc mình chờ đợi điều gì ở chồng. Câu hỏi lóe lên, mình mỉm cười mà nước mắt cứ vậy tràn xuống má. Không suy nghĩ thêm, mình quyết định ly hôn bởi quá kiệt sức rồi.
Phía chồng mình, anh ấy về thấy vợ mặt mũi sưng đỏ, chân tay bầm dập chỉ mắng vợ không làm được việc gì nên hồn, quen thói dựa dẫm chứ không hề tỏ vẻ xót xa, thương vợ. Khi mình đưa đơn ly hôn, anh ấy vẫn nghĩ vợ giận dỗi sau cú ngã đau.
Cho tới khi mình kéo vali, dắt con ra khỏi cửa thì anh mới hiểu rằng vợ đang rất nghiêm túc. Anh cũng hiểu 1 điều rằng, 10 năm làm vợ anh, dù cãi vã lớn cỡ nào mình cũng chưa bao giờ nói tới 2 từ chia tay, vậy thì khi đã ký đơn thì có nghĩa là mình quyết tâm rồi".
Phụ nữ kết hôn luôn mong chồng là chỗ dựa tinh thần, là điểm tựa để họ dựa lưng khi mệt mỏi. Ngược lại, bước chân vào cuộc sống hôn nhân nhưng lúc nào cũng thấy bản thân cô độc, không tìm thấy sự san sẻ của chồng thì dù yêu tới mấy phụ nữ cũng mệt mỏi mà dứt khoát bước ra khỏi cuộc sống hôn nhân ấy mà thôi.