Chỉ với kẹo đường, bạn đã bao giờ nghĩ sẽ tạo hình được những bé búp bê giống y như thật mà có thể ăn được, an toàn với sức khỏe chưa? Cô nàng 9X Cao Thị Thu Thảo (28 tuổi) đang là thợ bánh kem tại Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh đã biến 2 vật liệu hết sức phổ thông trong làm bánh, đó là kẹo và đường thành búp bê siêu đẹp, siêu yêu, giống y như thật.
Thu Thảo được biết đến với những chiếc bánh tạo hình nghệ thuật vô cùng đẹp.
Thảo chia sẻ, trước khi đến với đam mê bếp bánh, cô cũng là một nhân viên văn phòng như bao người. Tình cờ trong công ty làm việc có một chị đồng nghiệp làm bánh, những chiếc bánh chị đồng nghiệp làm ra rất chỉn chu và đẹp mắt, đặc biệt căn bếp nơi chị đồng nghiệp rất xinh nên khiến Thảo mê đắm lúc nào không hay.
Nhờ chị đồng nghiệp chỉ mà cô tìm được nơi mua nguyên liệu rồi mày mò theo trên mạng và bắt đầu đi học bánh. Từ đó Thảo bén duyên với nghề bếp bánh. Để thực hiện niềm đam mê bánh của mình, Thảo nghỉ việc công ty. Quyết định đó của cô chỉ được mỗi anh Hai ủng hộ khi tặng một chiếc máy đánh trứng.
“Thật sự thời gian đầu quá khó khăn khi không ai hiểu nên mình rất áp lực. Làm văn phòng thì xúng xính áo quần xinh đẹp, làm giờ hành chính. Còn làm bánh thì... không như mọi người tưởng tượng, luôn ở bếp, đôi khi thức tận đến khuya để cho kịp đơn hàng. Nhà mình không ai ủng hộ, đôi khi làm bánh khuya một mình nên có lúc tủi thân lắm”, Thảo tâm sự.
Đam mê làm bánh được một người chị đồng nghiệp truyền cho Thảo.
Vì nấu ăn rất dở, khẩu vị về món ăn cũng không tốt, biết rõ khuyết điểm của mình nên Thảo thiên về trang trí bánh nhiều hơn. Chính vì vậy, Thảo luôn làm ổn và thành công ngay từ lần đầu. Tuy nhiên có một món đến bây giờ Thảo vẫn bó tay, đó là làm bánh mì con ếch.
Hiện tại, Thảo đang làm bánh kem là chủ yếu và cô luôn chú trọng vào việc trang trí để tạo ra chiếc bánh đẹp, độc đáo nhất như trang trí kem topping, kem bơ, fondant, bánh quy icing,.. Đặc biệt, Thảo đặc biệt thích trang trí bằng fondant được làm từ bột đường trắng mịn với nhiều tạo hình khác nhau như những nhân vật chibi đáng yêu hay búp bê dễ thương hoặc là những cô nàng kiếm hiệp xinh đẹp. Thảo tâm sự, cô có thể nặn búp bê và ngồi tỉ mỉ hàng giờ để hoàn thành chúng.
Tạo hình trang trí của Thảo làm như một tác phẩm nghệ thuật.
Chia sẻ về cơ duyên đến với trang trí nghệ thuật tạo hình kẹo đường, Thảo cho biết, cách đây 2 năm cô tình cờ biết một người thầy Trung Quốc vốn nổi tiếng trong nghệ thuật tạo hình kẹo đường khi ông sang Việt Nam. Thảo đã tham gia khóa học trực tiếp trong 6 ngày được hướng dẫn một mẫu duy nhất và nắm các kĩ thuật cơ bản. Về sau, Thảo tự mày mò, thực hành các tác phẩm khác.
Mặc dù mất nhiều thời gian để nặn các nhân vật từ kẹo đường nhưng tạo hình này sẽ giúp bảo vệ sức khoẻ, đồng thời hạn chế đồ nhựa trong khâu trang trí. Với hương vị giống những viên kẹo kem sữa, qua bàn tay khéo léo của Thảo từng hình tượng được thể hiện vô cùng tinh xảo, chân thật. Không chỉ vậy Thảo còn tỉ mỉ thiết kế quần áo, trang phục cho từng nhân vật từ gumpaste, modelling sugar hay làm các chi tiết nhỏ như trang sức, đá khi kết hợp đường isomalt. Để đảm bảo thực hiện giống như những gì đã được học, Thảo phải nhập các nguyên liệu từ nước ngoài. Chính vì sự kỳ công trong chuẩn bị nguyên liệu, tạo hình từng ly từng tí mà những chiếc bánh của cô được trang trí vô cùng sống động.
Những tạo hình búp bê siêu đáng yêu của Thảo làm từ kẹo đường vừa ăn được lại vừa bảo vệ môi trường.
Được biết, trong quá trình làm búp bê, Thảo luôn nặn đầu trước rồi mới nặn thân, tay và chân, rồi ráp đầu vào cho hoàn chỉnh. Đối với Thảo, đầu búp bê là phần quan trọng và khó thực hiện nhất. Cô kiên trì tạo hốc mắt, lỗ mũi, khóe miệng, nhân trung sao cho phù hợp với từng nhân vật. Sau đó, cô sẽ trang điểm để nhân vật trông mềm mại, uyển chuyển, sống động như thật.
Sau khi hoàn thiện các phần, Thảo sẽ làm trang phục rực rỡ cho búp bê. Cuối cùng là bước làm tóc, làm phụ kiện cài tóc, hoa tai, vòng đeo cổ…
Ngoài cẩn thận tạo hình nhân vật, Thảo còn cẩn thận bảo quản sản phẩm bằng máy hút ẩm bởi chất liệu này kỵ ẩm. Nếu không có máy hút ẩm, phải bảo quản búp bê kẹo đường trong phòng máy lạnh nhằm đảm bảo thành phẩm luôn khô ráo. Tùy từng thời tiết mà nhiệt độ máy lạnh cũng khác nhau. Khi trời nắng, Thảo thường bật khoảng 26-27 độ C. Lúc trời mưa, độ ẩm tăng cao, để phòng lạnh không bị ẩm, cô phải bật chế độ khô khoảng tầm 24 độ C hoặc thấp hơn.
“Bảo quản như vậy sản phẩm sẽ để được tầm 1 tháng. Nếu có đủ trang thiết bị và bảo quản đúng cách, những chiếc bánh từ kẹo đường này có thể lưu giữ tới nửa năm”, Thảo cho biết.
Chỉ mỗi tạo hình bánh ếch cô chưa làm được.
Những tạo hình vô cùng đáng yêu và đẹp mắt không nỡ ăn của cô.
Thảo tâm sự, làm bánh mà không có niềm đam mê chắc chắn sẽ sớm bỏ cuộc bởi làm bánh không nhẹ nhàng như trong những bộ phim mà phải kỳ công, tỷ mẩn, thức khuya dậy sớm. Tuy nhiên mỗi khi làm một mẫu bánh mới, được đồng nghiệp và người nhà khen ngợi, khách hàng hài lòng, Thảo lại có động lực lớn để tiếp tục.
Hiện tại, Thảo đang kinh doanh cửa hàng bánh của riêng mình và mở lớp dạy làm bánh. Vì chỉ bán hàng online nên việc sắp xếp công việc cũng khá thoải mái. Đặc biệt, nơi làm bánh và cửa hàng kinh doanh cùng chỗ nên cô khá thuận tiện cho việc sắp xếp công việc cả 2. Mặc dù tạo hình mẫu bánh này ít được mọi người biết đến nhưng Thảo mong mẫu bánh này sẽ ngày càng phát triển tại Việt Nam, được mọi người đón nhận nhiều hơn nữa.