* Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.
Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm là lễ Vu Lan (Tết Trung Nguyên). Rằm tháng 7 cũng trùng với lễ cúng cô hồn (cúng chúng sinh) hay còn được gọi là xá tội vong nhân. Tuy trùng ngày nhưng lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn là 2 lễ hoàn toàn khác nhau, chúng ta không nên nhầm lẫn. Cúng Vu Lan nhằm báo hiếu tổ tiên 7 đời, những người thân đã mất còn cúng cô hồn có mục đích bố thí, làm phúc cho những vong hồn lang thang, không có người thờ cúng.
Theo quan niệm dân gian, vào ngày 15/7 Âm lịch, diêm Vương sẽ mở cửa địa ngục cho các cô hồn, dã quỷ về dương gian. Chính vì vậy mà người ta khuyên có một số món ăn cần phải kiêng ăn hoặc cúng Rằm tháng 7, nếu ăn sẽ đem lại những điều kém may trong cuộc sống.
Cháo trắng
Đứng đầu danh sách các món nên kiêng ăn hoặc cúng rằm tháng 7 chính là cháo trắng. Có thể nhiều người bất ngờ và thắc mắc điều này vì cháo trắng vừa đơn giản lại không có mùi gì tại sao phải kiêng.
Tuy nhiên, theo quan niệm dân gian từ xa xưa, cháo trắng vốn là để cúng cô hồn dịp Rằm tháng 7. Do đó, chúng ta không nên ăn cháo trắng vào ngày Rằm của tháng cô hồn, nếu ăn sẽ khiến ma quỷ tưởng rằng bạn đang “giành ăn” với họ.
Mực
Mực vốn là một trong những loại hải sản được nhiều người đam mê, yêu thích. Mực có thịt ngọt, giòn, và có thể được chế biến thành nhiều món hấp dẫn như hấp, xào, nướng, sốt me, nhồi thịt, gỏi, nộm... Mỗi món mực có hương vị đặc trưng riêng khiến tín đồ của hải sản phải mê mẩn.
Tuy nhiên, mực lại nằm trong danh sách kiêng kỵ ăn/cúng vào ngày đầu tháng âm lịch, Tết hoặc rằm Tháng 7. Trong dân gian hiện tại vẫn lưu truyền câu "đen như mực" nên nhiều người tránh ăn mực vào các dịp này để tránh đen đủi, xui rùi.
Mặc dù vậy, quan niệm này chỉ xảy ra ở một số vùng miền, còn các khu vực ven biển, nguồn thực phẩm chủ yếu là hải sản thì họ vẫn ăn mực bình thường vào các dịp lễ.
Thịt chó
Giống như mực, thịt chó là loại thực phẩm có rất nhiều người yêu thích. Nhiều người còn quan niệm ăn thịt chó vào cuối tháng để "giải đen".
Tuy nhiên trong dân gian, vào các ngày đầu tháng, tháng cô hồn hay dịp Tết cổ truyền, thịt chó không được khuyến khích thưởng thức. Nhiều người còn cho rằng, ăn thịt chó đầu tháng sẽ đem lại vận xui.
Cá mè
Nhiều người kiêng ăn cá mè dịp đầu tháng, đầu năm mới vì cho rằng cá mè tanh, chữ "mè" đi với "mè nheo" nên không đem lại sự may mắn. Chính vì vậy, nhiều người cũng khuyên không ăn cá mè vào dịp Rằm tháng 7 để tránh xui rủi.
Trứng vịt lộn
Trứng vịt lộn là một thực phẩm thơm ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, theo quan niệm dân gian, vào dịp đầu đầu tháng, đầu năm mới Âm lịch, Rằm tháng 7, ăn trứng vịt lộn sẽ không thuận buồm xuôi gió. Bên cạnh đó, chuyên gia phong thủy Bùi Quang Minh khẳng định, tháng cô hồn mọi người không nên ăn thịt mèo, cá mè, thịt vịt và các loại thịt này không được đặt trên bàn thờ.
Mắm tôm
Mắm tôm là gia vị/nước chấm được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, vì mắm tôm nặng mùi nên vào các ngày đầu tháng, đầu năm hay Rằm tháng 7, nhiều người kiêng ăn để tránh xui xẻo.
Nếu muốn đi lễ đình, chùa, đề vào Rằm tháng 7, người ta cũng kiêng ăn mắm tôm và tỏi, vì sợ ô tạp, hôi hám. Cũng không nên đặt mắm tôm lên mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 để ban thờ tổ tiên được thanh tịnh, không bị mùi ô tạp quấy nhiễu.
Thịt vịt
Tương tự các món ăn trên, nhiều người quan niệm thịt vịt cũng đem lại sự đen đủi trong ngày mùng 1 đầu tháng, đầu năm, Rằm tháng 7 vì người ta cho rằng nếu ăn thịt vịt vào những dịp này sẽ gặp phải tình trạng “tan đàn xẻ nghé”.