Mặc dù bận bịu công việc nhưng ngày nào chị Đỗ Ngọc (Hải Phòng) cũng dành thời gian để vào bếp nấu ăn cho cả nhà vào hai bữa sáng, chiều. Chỉ duy nhất buổi trưa chị ăn cơm tại cơ quan nên mới không nấu nướng.
Chị tâm sự, với bản thân mình, nấu ăn không chỉ đơn thuần là trách nhiệm hay sở thích, mà nó đã thành đam mê, là tình yêu bất tận. "Nó ngấm vào máu ấy, mỗi lần đứng ở trong căn bếp của mình, làm những món mình thích, thấy vui và không thấy mệt đâu", 8X nói.
Chị Đỗ Ngọc
Bà mẹ 35 tuổi cho biết, trước đây mẹ mình là cấp dưỡng của một công ty xây dựng vì thế nấu ăn rất ngon. Hồi nhỏ, gia đình còn khó khăn nhưng học lớp 3 chị đã biết cầm tiền đi chợ mua thực phẩm về cho mẹ chế biến. Bố 8X cũng là người nấu ăn giỏi. Các bữa cỗ ở quê đều do ông và các cậu làm. "Lúc ấy mình cứ ngồi đó nhìn, bốc vụng, rồi chả biết từ bao giờ, muốn nấu, thích nấu, rồi yêu căn bếp của mình".
Hiện tại, chị Ngọc còn hay làm bánh cho gia đình thưởng thức. Dù chồng luôn nhắc nhở không cần cầu kỳ nhưng với tính thích mày mò lại sẵn sự đảm đang trong người nên cứ rảnh chị lại vào bếp để thỏa mãn đam mê. Với 8X, bếp có một điều bí mật nào đó vô cùng thu hút chị.
Hiện tại, gia đình có 3 người lớn, 2 trẻ nhỏ nên bữa cơm ngày nào cũng vây quanh 5 người. Do bận rộn nên chị Ngọc không có quá nhiều thời gian cho bếp. Vì vậy, chị cố gắng chuẩn bị bữa cơm nhanh gọn nhất có thể. Cả sơ chế và nấu ăn chỉ khoảng 45-60 phút. Mặc dù vậy, bữa cơm nào của chị cũng vẫn rất tươm tất, đủ món cho cả nhà thưởng thức.
"Để đỡ lãng phí thời gian, mình thường tận dụng các thiết bị bếp sẵn có để giải phóng sức lao động. Chẳng hạn, đun nấu cùng lúc 3 bếp, dùng nồi chiên không dầu để nướng thịt lúc luộc rau hay dùng nồi áp suất, cho những món ninh hầm khi xào/rán,…
Thứ tự nấu nướng đồ cũng khá quan trọng, vì thời gian không nhiều thì thường sáng mua đồ về, mình có thể ướp trước thịt/cá/sườn/vịt nếu muốn nướng rồi cất ngăn mát. Chiều về, bước đầu tiên cho nguyên liệu vào nồi chiên không dầu, set nhiệt xong mới quay ra nhặt rau, sơ chế các món khác, món ăn nào cần nhiều thời gian thì mình sẽ làm nó đầu tiên", chị chia sẻ.
Khi nấu ăn, 8X vô cùng quan tâm đến độ tươi ngon, vì thế chị luôn có thói quen đi chợ buổi sáng với mục đích tha hồ được lựa chọn đồ mình thích. Không chỉ thế, chị rất quan tâm đến sở thích ăn uống của các thành viên trong gia đình.
"Nhà có 5 người thì mỗi người 1 sở thích, mẹ chồng mình không ăn nội tạng, không ăn tôm, không thích thịt vì bà lớn tuổi, răng yếu, lại máu nhiễm mỡ. Chồng và 2 đứa nhỏ thì thích thịt, mình lại mê cá. Một bữa ăn là cứ phải phù hợp với 3 nhu cầu".
Là một người vợ đảm đang, chị Ngọc cũng luôn để ý đến chi tiêu trong gia đình. Mặc dù vậy, bà mẹ 35 tuổi vẫn luôn đề cao vấn đề dinh dưỡng và độ tươi ngon của thực phẩm cũng như tôn trọng sở thích cá nhân mỗi người. Vì thế, mỗi bữa ăn chị để chi phí dao động trong khoảng 250 nghìn đồng.
"Thường bữa ăn nhà mình sẽ có 1 món canh, 1 món rau và 1 món mặn. Hôm nào món mặn đơn giản thì sẽ thêm 1 món phụ nữa, hoặc ăn theo chủ đề. Ví dụ, một món vịt là mình vừa làm được món luộc, món nướng, món om sấu, mà chi phí mua chỉ rơi tầm 150 nghìn cho con vịt làm sẵn khoảng 2 kg rồi", chị vui vẻ nói.
Để bữa cơm bớt ngán, chị Ngọc thay đổi thực đơn liên tục. Thỉnh thoảng chị cũng nấu các món bún, miến, phở, bánh đa cua. Cũng có lúc chị sẽ làm những nồi lẩu to cho cả nhà thưởng thức. "Nhiều lúc hứng lên, thì có khi cả nhà ăn bánh thay cơm vì phải test món bánh do mình làm. Mẹ chồng đặc biệt thích ăn bánh mì nguyên cám nho dừa của mình đấy nhé".
Có lẽ, nhờ bàn tay đảm đang, khéo léo của chị mà cả nhà ai cũng mê cơm chị nấu. Tuy không ai nói gì nhưng chỉ cần thấy mâm cơm hết không thừa chút nào là đủ hiểu độ ngon của từng món chị làm rồi. Thỉnh thoảng nhà có cỗ, cháu của chị lên 7 tuổi luôn nói, "Mợ là siêu đầu bếp". Được nhìn mọi người ăn ngon, thỉnh thoảng lại nhận được những lời khen tặng chị Ngọc cảm thấy rất vui và có động lực hơn để vào bếp mỗi ngày.
Với chị, bữa cơm gia đình là sợi dây kết nối yêu thương, chỉ lúc đó, cả nhà mới có thời gian quay quần bên nhau, kể cho nhau nghe chuyện công việc, chuyện đời, chuyện người, chuyện xã hội. "Thời đại 4.0, có khi đi từ sáng sớm đến tối khuya mới về. Như mẹ chồng mình và mình chỉ gặp các con vào bữa ăn, nên thường mình sẽ rất chú ý để tạo ra những món ngon để gia đình đoàn tụ trong bữa cơm chiều", 8X nói.