Cũng như nhiều chị em khác, chị Phạm Hòa (34 tuổi, Hà Nội) rất thích nấu ăn. Chị chia sẻ, nấu ăn là đam mê của bản thân. Ngay từ khi còn nhỏ, 8X đã biết vào bếp để phụ giúp gia đình. Do bố mẹ bận kinh doanh, là con cả nên chị Phạm Hòa ngày ấy thường vào bếp nấu ăn. Thế rồi dần dần, từ trách nhiệm và nghĩa vụ, không biết từ khi nào chị lại yêu thích nấu nướng đến vậy.
Chị Phạm Hòa rất thích nấu ăn
"Mình thích tìm tòi các công thức nấu ăn mới, thực hành các món ăn mới và rất vui khi mọi người khen ngon. Chắc là mình thừa hưởng một phần gen nấu ăn ngon từ bố. Ông là người nấu ăn rất ngon và dạy mình biết làm nhiều món", bà mẹ 2 con nói.
Ngoài việc nấu ăn hàng ngày, chị Hòa còn làm cả cơm cho chồng mang tới văn phòng. Với 8X đảm đang, mặc dù bên ngoài hàng đa dạng các loại đồ ăn thức uống nhưng không phải ở đâu cũng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì thế, chị luôn muốn tự tay chuẩn bị đồ ăn cho chồng mang đi làm nhằm giúp ông xã bảo vệ sức khỏe và được ăn món mình thích.
Chị tâm sự, ông xã là một người "nghiện" cơm vợ nấu nhưng vì sợ chị vất vả, vừa phải chăm con nhỏ, vừa cơm nước lại đi làm. Bên cạnh đó, anh là đàn ông nên hay ngại việc cầm theo hộp cơm lỉnh kỉnh. Chính vì thế, trước đây, khi bà mẹ 2 con đề nghị nấu cơm cho mang đi làm thì anh đã từ chối.
Những lúc như thế, ông xã lại nói: "Thôi anh ăn tạm bên ngoài cũng được, vợ nấu vất vả lắm”. Thế nhưng từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các hàng quán phải đóng cửa, không còn chỗ để ăn tạm, ông xã chị chính thức ngỏ lời nhờ vợ nấu cơm để mang đi làm. Từ ngày mang cơm vợ nấu đi làm quen, đến giờ anh cũng không còn nói sẽ gọi tạm đồ ăn ở ngoài nữa. Những lúc như vậy, chị luôn đùa ông xã "đã nghiện còn ngại".
Để nấu được những hộp cơm ngon, nhiều món và đủ dinh dưỡng cho chồng, chị Hòa đều thực hiện vào buổi sáng với mong muốn ông xã được thưởng thức những món tươi mới. Chỉ thỉnh thoảng có một vài món chị nấu nhiều vào buổi tối hôm trước còn nên mới để cho ông xã hôm sau mang đi.
"Để chuẩn bị nhanh tránh mất thời gia buổi sáng, mình thường sơ chế đồ ăn từ tối hôm trước như rau nhặt rửa sạch trước cho vào hộp bảo quản tủ lạnh, mai chỉ việc chế biến… Luộc rau bằng nước sôi (để tiết kiệm thời gian chờ nước sôi), món hầm thì cho vào nồi hầm chậm hầm từ tối vì mất nhiều thời gian, chả hoặc nem cuốn trước chỉ việc cho vào nồi chiên không dầu là xong, thịt ướp trước…
Sáng hôm sau, mình dậy từ 6h, dành 30 phút cho việc hút sữa để ở nhà cho em bé rồi mới bắt tay vào nấu cho chồng và nấu ăn sáng. Đồ ăn sáng mình cũng sơ chế từ trước. Chẳng hạn như món nước thì nấu nước dùng trước, xôi thì ngâm gạo trước", chị chia sẻ.
Buổi sáng để làm tất các các công việc trên bà mẹ 2 con mất khoảng 1 giờ đồng hồ, còn lại 30 phút để ăn sáng và chuẩn bị đi làm. Đúng 7h30 phút là chị xong mọi việc và ra khỏi nhà đi làm. Chị còn nói, bản thân có thêm một cách tiết kiệm thời gian nữa là chế biến các món ăn bằng nồi chiên không dầu, trong thời gian chờ đồ ăn chín thì 8X sẽ tận dụng thời gian để vắt sữa.
Nhờ thế, dù vừa chăm con nhỏ, vắt sữa cho con, nấu ăn sáng, chuẩn bị hộp cơm cho chồng mang đi làm, bản thân cũng tới văn phòng nhưng chị Hòa vẫn luôn chu toàn mọi thứ khiến ai cũng phải ngưỡng mộ.
Từ ngày chồng mang cơm đi làm chị Phạm Hòa thấy có nhiều lợi ích hơn hẳn. Trước mắt, anh được ăn uống đảm bảo vệ sinh hơn, đồ ăn tươi hơn, sức khỏe tốt hơn và vì nấu ở nhà nên chắc chắn sẽ tiết kiệm hơn so với ăn ở bên ngoài. Nhờ ăn uống đủ chất và đầy đặn hơn bên ngoài nên buổi chiều chồng chị sẽ không còn kêu "Vợ ơi đói quá nữa".
"Chồng mình vì nghiện cơm vợ nấu nên nịnh vợ lắm… Nào là cơm vợ nấu là ngon nhất, cơm vợ nấu ngon quá làm chồng ăn no căng rốn…", 8X nói. Mặc dù những lời khen của chồng rất giản dị nhưng đây chính là động lực để chị Hòa cố gắng chăm chỉ hơn trong việc vào bếp mỗi ngày.