Dạ dày là một trong những bộ phận nội tạng của lợn được rất nhiều người yêu thích vì có thể chế biến được thành nhiều món ăn ngon. Dạ dày có độ dai dai giòn giòn chính là điểm hấp dẫn khiến mọi món ăn nấu từ nó trở nên thu hút người thưởng thức. Thông thường chúng ta hay đem luộc hoặc xào dạ dày để làm các món nhậu nhâm nhi. Tuy nhiên dạ dày hầm cũng rất ngon.
Vào những ngày thu mát mẻ như thế này, bạn có thể làm món dạ dày hầm thuốc bắc cho cả nhà thưởng thức đảm bảo vừa ngon lại bổ dưỡng. Dạ dày mềm quyện lẫn nước hầm thơm nức mũi chắc chắn khiến cả nhà sẽ thích mê cho mà xem.
Nếu muốn đổi gió cho cả nhà, bạn có thể tham khảo cách làm dạ dày hầm thuốc bắc đơn giản theo công thức của chị Thu Phương (Hà Nội) dưới đây nhé:
Chị Thu Phương
Nguyên liệu:
- Dạ dày
- 1 gói thuốc bắc, gừng, hành khô, hạt tiêu. Bạn có thể cho thêm hạt sen, táo đỏ ở bên ngoài vào
Cách làm:
- Dạ dày mua về rửa sạch với muối và chanh cho hết nhờn và mùi hôi, khi rửa dạ dày nhớ lộn trái để rửa kỹ bên trong.
- Đun nước sôi nước, cho gừng, hành khô, dạ dày vào luộc sơ. Vớt dạ dày ra rửa lại lần nữa cho thật sạch.
- Thái dạ dày thành những miếng vừa ăn.
- Ướp dạ dày với chút gia vị.
- Phi thơm hành cùng dầu ăn, cho dạ dày vào đảo nhanh tay. Cho nước, gói thuốc bắc, thêm hạt sen và táo đỏ nếu thích, hạt tiêu vào.
- Khi nồi dạ dày sôi, để lửa liu riu trong khoảng 35 đến 45 phút để dạ dày nhừ. Nêm gia vị cho vừa miệng, múc ra bát rồi thưởng thức.
- Như vậy cả nhà đã có món dạ dày hầm thuốc bắc vừa ngon lại bổ dưỡng, chắc chắn ai cũng sẽ thích mê!
Xem thêm một cách làm sạch dạ dày heo dưới đây: Trước tiên, rửa sạch dạ dày để làm sạch bớt các tạp chất bên ngoài. Dùng dao lọc hết các phần mỡ thừa bám xung quanh dạ dày. Sau đó dùng kéo cắt nhẹ phần dạ dày và lộn mặt sau đó cắt bỏ hết tạp chất bên trong. Dùng dao cạo sạch phần vàng trên đầu dạ dày. Lộn mặt bên ngoài dạ dày để phần nhẵn hướng ra bên ngoài. Lưu ý, mùi hôi của dạ dày xuất phát từ chất nhầy nên chỉ cần làm sạch lớp chất nhầy này dạ dày sẽ không còn mùi khó chịu. Cho dạ dày vào trong một cái nồi to hoặc chậu, rồi cho lượng bột mì thích hợp vào. Tốt nhất bạn nên rải đều bột mì này lên từng phần của dạ dày lợn và bắt đầu xoa đều tay, nhất là đối với mặt bên trong. Đối với phần dạ dày nhăn hơn, bạn cũng phải rắc thêm bột mì lên, rồi xoa mạnh tay. Lưu ý, khi lộn mặt trong của dạ dày, lúc rắc bột mì, nên cho thêm 3 muỗng canh dấm, 1 muỗng canh muối vào, bóp rồi để yên từ 1-2 phút. Giấm cũng giúp bột mì khử mùi hôi. Muối giúp khử trùng. Nhiều người không hiểu tại sao lại dùng bột mì để rửa lòng lợn. Bột mì có khả năng hấp thu mạnh nên có thể hút sạch hết chất bẩn, nhờn bám trên dạ dày, còn giấm có tác dụng khử mùi tanh, muối khử trùng. Vì vậy khi rửa lòng lợn, bạn hãy cho bột mì và giấm và chút muối vào nhé. Sau đó, rửa dạ dày với nước sạch vài lần là xong. Giờ bạn có thể yên tâm chế biến bột mì thành các món ngon rồi. |
Chúc các bạn thành công!