Cuối tuần mưa gió không làm 5 món ngon này quá phí, thơm nức mũi nấu lại chẳng khó

Hương vị thơm ngon, hấp dẫn của những món ăn này khiến bữa cơm ngày mưa thêm thú vị.

1. CÁ NƯỚNG LÁ CHUỐI

Nguyên liệu:

- 500g cá rô phi phi lê

- 5-7 củ sả; 2 củ hành

- 1 củ tỏi; 1 nhánh gừng; 2 quả ớt hiểm

- Gia vị: Dầu hào, dầu ăn, bột nghệ, bột canh, bột nêm.

- Khế, chuối xanh, rau thơm ăn kèm

- Nem cuốn

- Lá chuối (nếu ở thành phố, bạn có thể tìm mua ở các hàng bán các loại rau thập cẩm)

Cách làm:

Cá phi lê sau khi làm sạch dùng khăn thấm khô và cắt làm 2-3 miếng cỡ vừa (không nên cắt bé vì cá sẽ bị nát).

Sả, hành, tỏi bóc lớp vỏ ngoài, cắt sả thành miếng nhỏ rồi cho vào xay nhuyễn cùng với ớt hiểm.

Đổ hỗn hợp vừa xay ra bát trộn cùng với 2 thìa dầu hào, 2 thìa dầu ăn, 1 thìa bột nêm, 1 thìa hạt tiêu, 1 thìa bột canh, 1 ít gừng thái chỉ. Trộn đều thành khối đồng nhất.

Cho phần hỗn hợp này vào cá, sát phần gia vị đều lên cá và ướp cá khoảng 30 phút trước khi nướng.

Lá chuối rửa sạch, lau khô. Đặt cá vào giữa rồi gấp lại.

Xếp cá nướng vào vỉ và nướng (bạn có thể nướng bằng lò nướng ở nhiệt độ 200 độ C). Khi thấy lớp lá chuối ngoài khô, giòn, có mùi thơm là cá chín.

Cá chín, xếp ra đĩa ăn kèm với bún chấm mắm gừng chua ngọt.

Cuối tuần mưa gió không làm 5 món ngon này quá phí, thơm nức mũi nấu lại chẳng khó - 1

2. GÀ NƯỚNG MUỐI HẠT DỔI, MẮC KHÉN

Nguyên liệu

- 1 con gà tầm 1.8-2kg (chọn gà ri một lứa)

- 3 hạt dổi + 1 thìa cafe hạt mắc khén + 1 thìa cafe tiêu

- 1 thìa cafe muối (muối thường/muối hồng/muối thảo mộc tuỳ ý, nay mình nướng bằng muối thảo mộc thơm lắm)

- 1 chút bột nghệ

Cách làm

Bước 1: Ướp gà

- Hạt dổi,  mắc khén rang thơm, giã mịn trộn đều với tiêu, muối. (giữ lại 1 chút hỗn hợp này làm muối chấm nhé).

- Gà rửa sạch để ráo, xát chút bột nghệ lên da gà.

- Đun 1 nồi nước sôi, thả gà vào chần sơ 2-3 phút.

- Nhấc gà ra để ráo nước, sau đó sát hỗn hợp hạt dổi - mắc khén - tiêu - muối lên khắp gà. Sau đó ướp gà trong khoảng 30 phút.

Bước 2: Nướng gà

- Làm nóng nồi chiên không dầu 220 độ 10 phút (nồi chiên không dầu nhà ai nhiệt cao nhất là 200 độ thì chọn 200 độ). 

Sở dĩ nướng nhiệt cao để gà không bị mất nước, da gà giòn.

- Sau khi ướp xong thì cho gà vào nồi chiên không dầu.

Nướng gà ở nhiệt 220 độ trong hơn 30 phút, ai thích da gà giòn hơn nướng thêm 10 phút nhé. (Nồi nhà mình công suất 1700w, các bạn xem công suất nồi của nhà bao nhiêu rồi điều chỉnh nhiệt phù hợp).

Lưu ý: Nếu ai sử dụng nồi chiên không dầu có xiên quay thì xiên rồi cho vào trục quay.

Nếu ai không có trục quay thì đặt gà nằm úp, nướng nửa thời gian thì lật gà và nướng tiếp.

Không có nồi chiên không dầu thì nướng gà bằng lò nướng hoặc nướng than đều ngon.

Pha muối chấm gà

- Cho 1 thìa cafe mắc khén - hạt dổi - tiêu vào bát, thêm 2 thìa bột canh hảo hảo, vắt 5-6 quả quất/ hoặc 1 quả chanh to vào.

- Sau đó thêm vài lát quất, lá chanh thái sợi, ớt băm nhỏ trộn đều lên.

Nước chấm này chấm gà nướng ngon không thể chê vào đâu được.

Gà chín, cho ra chặt miếng vừa ăn hoặc vừa ăn vừa xé vô cùng hấp dẫn.

Cuối tuần mưa gió không làm 5 món ngon này quá phí, thơm nức mũi nấu lại chẳng khó - 2

3. VỊT NƯỚNG GIẢ CẦY

Nguyên liệu:

- 1 con vịt xiêm.

- Riềng, sả, ớt, tỏi, hành tím.

- Mắm tôm.

- Mẻ.

- Rau thơm, lá mơ ăn kèm.

- Gia vị: mắm, đường, hạt nêm, bột nghệ.

 Cách làm:

- Vịt rửa sạch, khò cho vàng lớp da bên ngoài để tạo mùi thơm.

- Dùng dao sắc lóc hết xương vịt ra để lấy thịt.

- Lấy thịt vịt ướp với gia vị gồm có riềng, sả, ớt, hành tỏi xay nhuyễn cùng với mắm tôm, mẻ, mắm, đường, hạt nêm, bột nghệ. Lượng gia vị bạn định lượng theo khẩu vị của gia đình.

- Ướp thịt trong 30 phút đến 1 tiếng.

- Hết thời gian ướp, cho thịt vịt vào nồi chiên không dầu, set nhiệt độ 180 độ C trong 30 phút. Có thể nướng thêm 10 phút với nhiệt 220 độ C để da vàng hơn. 

- Pha nước chấm: Trộn đều sả xắt mỏng, mắm tôm, đường, ớt, và nước cốt tắc.

- Vịt chín thái miếng vừa ăn, ăn kèm với nước chấm từ mắm tôm và rau thơm, lá mơ. Vịt nướng giả cầy cũng có thể ăn kèm bún rất hấp dẫn.

Cuối tuần mưa gió không làm 5 món ngon này quá phí, thơm nức mũi nấu lại chẳng khó - 4

4. CẢI THẢO BỌC THỊT GÀ HẤP

Nguyên liệu:

Phần nhân:

- 600g thịt gà xay.

- 3 miếng hương tươi rửa sạch, băm nhỏ.

- 3 muỗng canh hành lá, thái nhỏ.

- 1 muỗng canh rượu gạo.

- 1/2 muỗng cà phê.

- Bột nêm vừa đủ.

- Một nhúm tiêu trắng.

- 1 muỗng canh dầu mè.

- 2 quả trứng lớn.

Phần vỏ:

- 12 lá cải thảo lớn.

- 12 lá cải thảo nhỏ.

- 12 lá hẹ hoặc hành.

- 1 muỗng cà phê bột bắp.

- 1 muỗng canh nước.

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế lá cải thảo

- Lá cải thảo và hành rửa sạch.

- Đun sôi một nồi nước trên lửa lớn và chần lá cải thảo trong vòng 30 giây. Lá hẹ cũng chần 30 giây.

- Sau đó, nhẹ nhàng vớt chúng ra và cho vào nước lạnh để nguội sau đó vớt ra để ráo.

Bước 2: Chuẩn bị nhân

- Cho thịt gà, nấm hương băm nhỏ, hành lá, rượu gạo, bột nêm, tiêu trắng, dầu mè và trứng vào một tô trộn đều.

Bước 3: Gói cải thảo nhân thịt

Đặt một lá cải thảo lớn lên trên thớt sau đó cho miếng lá cải thảo nhỏ lên trên. Sau đó thêm khoảng 1,5 muỗng canh nhân vào giữa. 

Túm mép lá cải thảo lại sau đó dùng một lá hẹ buộc thắt nút lại nhìn giống miếng há cảo. Lá hẹ dài quá thì cắt bớt.

Cho gói cải thảo vào đĩa sâu lòng. Làm tương tự cho đến hết.

Bước 4: Hấp cải thảo bọc thịt

Trong nồi hấp ở nhiệt độ cao, đun sôi nước và chuyển đĩa cải thảo bọc thịt vào. Đậy nắp và hấp cho đến khi chín hoàn toàn trong khoảng 10 phút hoặc cho đến khi nhiệt độ bên trong ít nhất là 165 độ F (74 độ C).

Nhẹ nhàng cho đĩa cải thảo ra.

Bước 5: Nấu nước sốt chấm

Trong một cái chảo nhỏ trên lửa vừa, đổ nước hấp cải thảo bọc thịt chảy ra ở đĩa vào nồi. Đun nhỏ lửa và thêm hỗn hợp bột ngô (1 thìa cà phê bột ngô và 1 thìa canh nước). Khuấy cho đến khi sệt lại. Sau đó rưới sốt lên cải thảo bọc thịt rồi thưởng thức.

Cải thảo bọc thịt gà mềm ngon, thơm nức, ăn vừa ngon lại lạ miệng, đảm bảo ai thấy cũng thích!

Cuối tuần mưa gió không làm 5 món ngon này quá phí, thơm nức mũi nấu lại chẳng khó - 5

5. DẠ DÀY HEO NHỒI HÚNG CHÓ NƯỚNG

Chuẩn bị:

- 1 cái dạ dày heo to, dày, có nhiều phần đen

- 10 ngọn rau húng quế

- 1 gói bột cà ri ông đầu bếp

- 1 ít tiêu hạt có tiêu xanh càng tốt

- 1 ít húng đỏ ăn kèm

- Hành khô 

- Gia vị: Muối, mì chính (tùy ý), nước mắm, hạt nêm (tùy ý)

Cách làm:

Bước 1: Làm sạch dạ dày

Dạ dày heo mua về muốn sạch, bạn có thể rửa như sau. Dùng dao lọc hết các phần mỡ thừa bám xung quanh dạ dày. Sau đó dùng kéo cắt nhẹ phần dạ dày và lộn mặt sau đó cắt bỏ hết tạp chất bên trong. Dùng dao cạo sạch phần vàng trên đầu dạ dày. 

Lộn mặt bên ngoài dạ dày để phần nhẵn hướng ra bên ngoài. Lưu ý, mùi hôi của dạ dày xuất phát từ chất nhầy nên chỉ cần làm sạch lớp chất nhầy này dạ dày sẽ không còn mùi khó chịu.

Cho dạ dày vào trong một cái nồi to hoặc chậu, rồi cho lượng bột mì thích hợp vào. Tốt nhất bạn nên rải đều bột mì này lên từng phần của dạ dày lợn và bắt đầu xoa đều tay, nhất là đối với mặt bên trong. Đối với phần dạ dày nhăn hơn, bạn cũng phải rắc thêm bột mì lên, rồi xoa mạnh tay. 

Lưu ý, khi lộn mặt trong của dạ dày, lúc rắc bột mì, nên cho thêm 3 muỗng canh dấm, 1 muỗng canh muối vào, bóp rồi để yên từ 1-2 phút. Giấm cũng giúp bột mì khử mùi hôi. Muối giúp khử trùng.

Nhiều người không hiểu tại sao lại dùng bột mì để rửa lòng lợn. Bột mì có khả năng hấp thu mạnh nên có thể hút sạch hết chất bẩn, nhờn bám trên dạ dày, còn giấm có tác dụng khử mùi tanh, muối khử trùng. Vì vậy khi rửa lòng lợn, bạn hãy cho bột mì và giấm và chút muối vào nhé.

Sau đó, rửa dạ dày với nước sạch vài lần là xong.

Bắc một nồi nước vừa, thêm muối trắng đun sôi thì cho dạ dày vào luộc khoảng 5 phút. Vớt ra rửa thật sạch rồi lộn phần có màng mỡ ra ngoài.

Bước 2: Nhồi rau húng quế

Rau húng quế rửa sạch nhồi căng vào dạ dày thêm tiêu và chút muối, dùng chỉ trắng khâu miệng dạ dày lại.

Bước 3: Luộc dạ dày

Cho dạ dày vào luộc với nước có muối, hành khô cả vỏ. Luộc sôi lửa vừa 35 phút.

Bước 4: Ướp dạ dày

Dạ dày luộc xong, vớt ra ướp với bột cà ri, nước mắm, hạt nêm, dầu ăn, tiêu xay trong 20 phút.

Bước 5: Nướng dạ dày

Làm nóng nồi chiên không dầu rồi cho dạ dày vào quay. Để nhiệt 200 độ C và kiểm tra liên tục. Vì dạ dày đã chín nên cho vào nồi chiên không dầu chỉ để làm vàng giòn mặt ngoài. Nhớ phết dầu ăn liên tục để tránh bị khô.

Khi dạ dày đã vàng đều 2 mặt thì mang thái ăn nóng.

Dạ dày nhồi húng quế nướng chấm với muối tiêu chanh hoặc mắm tôm kèm húng quế, húng đỏ vô cùng hấp dẫn.

Dạ dày nướng thơm nức, giòn giòn quyện lẫn mùi thơm của húng quế quyến rũ vô cùng, chẳng ai có thể cưỡng lại được!

Cuối tuần mưa gió không làm 5 món ngon này quá phí, thơm nức mũi nấu lại chẳng khó - 6

Chúc các bạn thành công!

Có 5 món ngon lại dễ nấu này cuối tuần không nấu đãi cả nhà thật phí