Dầu hào là một trong những loại gia vị được nhiều người yêu thích hiện nay. Dầu hào thường được dùng để làm một số các món xào, nướng... Dầu hào được làm từ hàu, có vị hơi ngọt làm tăng phần hấp dẫn cho món ăn. Dầu hào chứa nhiều dinh dưỡng như đạm, vitamin, axit amin... tốt cho cơ thể.
Tuy dầu hào giúp tăng hương vị món ăn và được sử dụng rộng rãi nhưng có 3 loại món dưới đây không nên dùng dầu hào. Nếu cho dầu hào vào chúng vừa thừa lại làm hương vị món ăn kém ngon.
Không cho dầu hào vào các món ngọt
Khi bạn nấu các món ngọt chẳng hạn như xào chua ngọt, sốt chua ngọt, kho, hầm... Những món này thường sử dụng thêm đường trắng hoặc đường phèn để tăng độ ngọt, hoặc tạo màu cho món ăn. Bản thân đường đã có tác dụng cải thiện độ tươi, độ ngọt của món rồi vì thế việc cho thêm dầu hào vào là hoàn toàn không cần thiết. Thậm chí nó làm hỏng hương vị của món ăn vì có mùi lạ, nặng mùi. Như vậy đồng nghĩa với việc bạn không nên cho dầu hào vào những món có sử dụng đường hay các gia vị tạo ngọt.
Không cho dầu hào vào các món cay
Nhiều người khi nấu các món cay thường hay cho thêm một chút dầu hào vào để tăng thêm vị ngọt. Tuy nhiên đầu bếp lại cho biết, vị cay sẽ che mất mùi của dầu hào, vì thế, có cho thêm dầu hào vào cũng không có tác dụng gì. Hơn nữa, tuy dầu hào bị vị cay che mất nhưng ít nhiều dầu hào cũng làm ảnh hưởng tới hương vị của món ăn. Do đó, tốt nhất bạn không nên cho dầu hào vào các món cay.
Dầu hào không cho vào các món có thêm giấm chua
Các món ăn được cho thêm giấm để tăng vị chua thì tốt nhất không nên cho dầu hào. Vì dầu hào sẽ làm loãng mất vị chua và khiến món ăn có mùi khê. Lúc ấy, món ăn bạn thêm dầu hào vào vị nặng mùi, có mùi lạ, gây khó chịu cho người thưởng thức.
Bạn có thể tham khảo cách làm một số món ăn có dùng dầu hào:
1. Nấm đùi gà sốt dầu hào
Nấm đùi gà sốt dầu hào, đảm bảo sự thanh mát cho ngày hè oi bức, mà vẫn đủ chất dinh dưỡng đối với những người thèm thịt. Món ăn này không khó để chế biến, và bí quyết nằm ở phần nước sốt đậm đà, sóng sánh, thấm vào từng thớ nấm tạo nên độ thơm ngậy khó cưỡng.
Nguyên liệu:
- 2 cây đùi gà loại to, 3 tép tỏi, nửa bát nước, 2 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa canh dầu hào, 1 thìa canh tinh bột ngô, đường, gia vị, lá mùi tây, hành hoa. Tỏi đập dập, băm nhỏ.
Thực hiện:
Nấm rửa sạch, để ráo nước. Thái nấm thành những khoanh tròn. Dùng mũi dao khứa nhẹ trên 2 mặt khoanh nấm, tạo hình ô chéo. Những đường cắt này giúp phần sốt thấm sâu hơn vào nấm.
Hành hoa, lá mùi tây rửa sạch, thái nhỏ.
Đổ nước khoảng ½ bát ăn cơm, thêm nước mắm, dầu hào, gia vị, đường sao cho vừa miệng. Sau đó, trộn thêm tinh bột ngô, loại nguyên liệu giúp sốt có độ sánh mượt khi nấu.
Cho một chút dầu vào chảo, đun nóng. Đổ nấm vào và chiên vàng 2 mặt.
Đổ tỏi băm vào chảo, phi thơm. Tiếp tục đổ hành và mùi tây vào, đun thêm khoảng 10 giây trước khi nhấc ra khỏi bếp.
Giờ chỉ việc thưởng thức nấm sốt dầu hào cùng cơm trắng thôi nào!
2. Đậu phụ thịt viên sốt dầu hào
Nguyên liệu:
200gr đậu hũ, 1 quả trứng gà, 25gr bột ngô, 2 củ tỏi, 3 thìa cà phê mắm, 1 thìa cà phê dầu hào, 200gr thịt lợn, gia vị.
Thực hiện:
Đậu hũ chọn loại đậu già, cho vào khăn mỏng vắt kiệt nước, sau đó nghiền nhỏ.
Thịt lợn băm nhuyễn.
Đổ đậu, thịt vào bát lớn, thêm trứng gà. Bóc khoảng 10 tép tỏi, đập dập. Trộn đều tất cả nguyên liệu trên, thêm chút gia vị phù hợp.
Thêm bột ngô vào hỗn hợp đậu thịt, trộn đều.
Viên đậu thành những viên tròn nhỏ có đường kính khoảng 2 -3cm.
Cho dầu vào chảo sâu lòng hoặc nồi, đun nóng. Bỏ đậu vào chiên ngập dầu đến khi đậu chín vàng. Vớt đậu ra, để ráo dầu.
Trong một chiếc chảo khác, cho một chút dầu vào chảo, phi tỏi cho thơm. Cho nước mắm, dầu hào và một bát nước con vào đun đến khi sôi thì cho các viên đậu hũ vào, om trên lửa nhỏ đến khi nước cạn dần.
Hòa bột ngô với khoảng 20ml nước, từ từ đổ vào chảo, khuấy nhẹ tay để có được phần nước sốt sền sệt. Nhấc chảo ra khỏi bếp, rắc thêm chút hành hoa nếu thích. Món đậu thịt viên sốt dầu hào ăn cùng cơm thì ngon hết ý.
Chúc các bạn thành công.