Chợ là nơi cung cấp rất nhiều thực phẩm tươi ngon, nếu biết cách chọn, chắc chắn bạn sẽ rước được những nguyên liệu hấp dẫn mà mình cần. Tuy nhiên cũng có một số loại thực phẩm, thức ăn mà bạn không nên mua ở chợ dù trông chúng ngon đến mức nào.
1. Thịt xay/ băm sẵn
Thịt băm hay thịt xay là nguyên liệu để nấu canh, cháo, làm nhân các món ăn như nem rán, bánh bao, nhồi thịt, thịt đúc trứng; hoặc dùng để xào với nhiều loại rau củ... Thịt băm vốn có miếng nhỏ nên chế biến nhanh, hương vị ngọt và thơm ngon.
Do việc tự băm thịt hơi mất thời gian nên nhiều người lựa chọn cách mua thịt băm hoặc xay sẵn ngoài chợ. Thịt băm xay sẵn thường được người bán hàng mời chào rất nhiệt tình, thường được đóng trong khay hoặc cất trong túi, khi nào bán sẽ được lấy ra, chia vào các túi.
Tuy nhiên, vì không được chứng kiến tận mắt quy trình xay thịt như thế nào chúng ta không thể khẳng định loại thịt này đảm bảo chất lượng hay không. Nhiều người bán hàng không có tâm thường sử dụng thịt vụn, thịt thừa được cắt ra từ các miếng khác, thậm chí là thịt ôi, kém chất lượng, cho chung tất vào máy rồi xay sau đó đem bán. Ăn thịt này vào hương vị kém ngon, thậm chí có mùi hôi lại vừa không đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Nếu nhờ người bán hàng xay thì sao? Chúng ta cũng biết chiếc máy xay của người bán hàng được để từ sáng đến chiều, chỉ thỉnh thoảng dội nước rửa qua, không hề đảm bảo vệ sinh.
Cách tốt nhất là bạn nên chọn miếng thịt thật ngon, rồi đem về tự xay hoặc băm. Muốn băm thịt nhanh, bạn có thể tham khảo cách làm dưới đây:
- Thịt mua về đem rửa sạch, dùng khăn giấy thấm khô. Dùng dao thái thịt lợn thành các dải nhỏ theo chiều ngang, nhưng không cắt nó đứng hoàn toàn ra khỏi miếng thịt. Thái miếng thịt ở một bên rồi lại thái tiếp ở bên kia. Nói chung, làm thế nào để thịt không bị đứt ra hoàn toàn.
- Tiếp theo, xoay miếng thịt theo chiều dọc, thái nó thành các miếng vuông nhỏ nhưng cũng không để chúng đứt rời hẳn ra. Lưu ý, lần này thái ở một bên mặt thịt.
- Tiếp theo, bạn tiếp tục thái thịt heo thành từng những miếng nhỏ hơn, càng nhỏ càng tốt. Sau khi thái như vậy thì xoay 90 độ rồi thái tiếp. Thịt lúc này đã nhỏ lắm rồi nhưng chưa nhuyễn hẳn.
- Sau đó, chúng ta băm thịt lợn theo chiều ngang. Lúc này nếu có 2 con dao, dùng mỗi tay một dao băm thịt thì càng nhanh. Sau đó lại băm theo chiều dọc vài lần, đảo lại chiều ngang băm thêm vài lần nữa là xong. Toàn bộ quá trình này không tốn thời gian và thịt được băm rất nhỏ. Cách làm rất thực tế, thịt băm sạch và ngon. Thịt băm luôn có vị ngon hơn thịt xay, do đó, bạn hãy thử cách này để tha hồ chế biến món ăn cho cả nhà nhé!
2. Dưa muối
Một trong những món ăn thường không thể thiếu ở các khu chợ đó là dưa muối. Dưa muối vốn là món phụ, ăn kèm trong các bữa ăn nhưng nó lại có khả năng kích thích vị giác rất tốt. Vị chua chua, ngọt ngọt lại giòn giòn, thơm nức của các món dưa muối như dưa cải, dưa bắp cải, dưa cà... khiến bữa cơm hấp dẫn hơn rất nhiều.
Các loại dưa muối này được bày bán trông vô cùng hấp dẫn dẫn tuy nhiên lại ít đảm bảo an toàn thực phẩm nhất. Nhiều người làm dưa muối sử dụng thùng sơn để chứa dưa rất độc hại. Không chỉ thế, có người còn dùng chất tạo màu để làm dưa có màu vàng đẹp mắt. Chưa kể đến quá trình làm, khâu vệ sinh không đảm bảo, không tránh khỏi bụi bẩn rơi vào. Vì thế, tốt nhất bạn không nên mua dưa muối ngoài chợ. Hoặc chỉ nên mua dưa muối của những người thân quen.
Các hợp lý lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhất vẫn là bạn nên mua rau về tự muối. Vừa ngon lại sạch. Bạn có thể tham khảo cách muối dưa cải dưới đây:
- Dưa cải bạn nên chọn những cây cải già, không nên chọn cải non quá, không bị giập nát. Tách cải thành từng bẹ riêng, bỏ những lá già, giập. Sau đó đem phơi ngoài nắng cho hơi héo. Công đoạn này sẽ làm giảm hàm lượng nước trong dưa, khi muối dưa ít bị khú hơn. Sau khi dưa héo, rửa thật sạch từng bẹ dưa dưới vòi nước rồi cắt khúc cỡ 2 đốt ngón tay, để ráo nước.
- Hành củ bóc vỏ, rửa sạch, thái lát. Hành lá cắt dễ, rửa sạch xắt khúc. Ớt bỏ cuống, rửa sạch, xắt lát. Hành củ và ớt có tác dụng sát khuẩn giúp cho dưa của bạn ít bị hỏng hơn. Còn hành lá tạo mùi thơm cho dưa.
Bình thuỷ tinh rửa sạch, tráng nước sôi và để thật khô. Cho vào bình khoảng 2 lít nước đun sôi để nguội (lượng nước bạn có thể tuỳ chỉnh theo nguyên liêu sao cho đảm bảo phải ngập mặt dưa khi muối). Tiếp đến cho muối vào bình, khuấy tan, nêm sao cho vị mặn hơn khi bạn nấu canh nhé.
- Chú ý lượng muối vừa đủ, nếu nhiều quá dưa sẽ bị mặn còn nhạt dưa dễ bị hỏng nhé! Khi muối tan cho tiếp khoảng 1 thìa đường vào bình rồi hoà tan. Đường giúp cho quá trình lên men tốt hơn, giúp dưa nhanh chua hơn và không bị hỏng. Cuối cùng cho hành củ, hành lá, ớt ở trên vào bình. Cho cải đã rửa sạch, ráo nước cắt khúc ở trên vào, lấy một vỉ hay đĩa chèn ở trên cho cải không nổi lên trên, sau đó đậy nắp để nơi thoáng mát. Chú ý lượng nước phải ngập mặt nguyên liệu nhé!
Tuỳ theo điều kiện thời tiết mà dưa chua sau từ 2-3 ngày. Dưa cải chua bạn có thể ăn sống cùng với món thịt luộc, thịt kho rất ngon hoặc dùng làm nguyên liệu cho các món xào, canh, đặc biệt thích hợp trong những ngày hè nóng bức như thế này.
3. Nem rán
Ở các khu cổng chợ, bạn sẽ thấy nhiều người bán các món nem rán sẵn hoặc chả lá lốt... mùi thơm tỏa ra vô cùng hấp dẫn. Nhiều người vì không có thời gian nên sẽ lựa chọn mua nem sẵn này về chỉ việc thưởng thức thôi. Tuy nhiên bạn không hề viết thịt băm làm nhân nêm được làm từ thịt ngon sạch hay từ các loại thịt thừa, thịt bị ôi thiu... vì thế tốt nhất nên tự mua nguyên liệu về chế biến nem rán.
Làm nem rán không hề khó, bạn có thể tham khảo cách làm dưới đây:
- Mộc nhĩ ngâm nước cho nở mềm, rửa sạch, thái sợi sau đó cắt nhỏ. Miến cũng ngâm sơ qua nước lạnh cho mềm, vớt ra cho ráo nước rồi dùng kéo cắt khúc. Chú ý miến chỉ ngâm khoảng 2-3 phút cho sợi mềm, dễ cắt là được, không ngâm lâu quá miến bị nhũn, nem không ngon. Hành tây, bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng, sau đó cắt nhỏ. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, lấy 1 củ thái lát mỏng sau đó thái sợi. Giá đỗ rửa sạch, vớt ra để ráo, dùng tay bóp nát cho bớt nước để nhân nem không bị ra nước khi gói. Hành lá cắt rễ, rửa sạch, xắt nhỏ.
Chú ý: để món nem ngon, không bị nát thì các nguyên liệu không xắt nhỏ quá và độ dài của các loại nguyên liệu nên dài ngắn khác nhau.
- Cho tất cả các nguyên liệu trên vào một cái tô lớn, trộn đều với 1/2 thìa bột nêm, xíu tiêu để khoảng 10 phút cho nhân ngấm gia vị.
- Trong lúc chờ nhân nem ngấm gia vị, chuẩn bị rau sống và su hào chua ngọt để ăn cùng. Rau xà lách, rau thơm nhặt bỏ gốc, lá già, giập úa. Rửa sạch, ngâm nước muối loãng 30 phút rồi vớt ra rổ, vẩy sạch nước.
- Su hào, gọt vỏ, thái khúc, sau đó thái miếng vuông nhỏ, có thể tỉa răng cưa cho đẹp. 1 củ cà rốt còn lại ở trên, gọt vỏ, thái lát mỏng. Bóp sơ cà rốt, su hào với chút muối, rửa lại cho sạch, để ráo nước rồi ngâm chua ngọt với xíu muối, đường, chanh, tỏi, ớt.
Cho trứng vào tô chứa nhân nem ở trên trộn đều. Mục đích của việc cho trứng muộn để nhân nem không bị chảy nước.
- Lấy ½ bát nước thêm khoảng 1 thìa giấm gạo, khuấy đều, hỗn hợp này dùng để làm mềm bánh khi gói và có tác dụng giúp nem giòn, đẹp hơn khi rán.
- Trải 1 cái bánh đa nem ra thớt, dùng hỗn hợp nước giấm ở trên để làm mềm bánh trước khi gói. Lấy 1 thìa nhân đặt vào vị trí khoảng ¼ bánh từ dưới lên, dàn đều nhân sang hai bên tùy theo kích thước của cuốn nem mà bạn muốn. Sau đó, gấp 2 mép và cuộn kín. Không nên cuốn chặt tay, nếu cuốn chặt quá khi bạn rán nem dễ bị bục. Thực hiện lần lượt cho đến khi hết nhân.
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng, lượng dầu sao cho ngập nem hoặc khoảng 2/3 cái nem là được. Dầu sôi, thả nem vào rán cho đến khi nem chín vàng đều là được. Để nem tròn, màu đẹp bạn phải đun dầu thật nóng già, vặn nhỏ lửa, thả nem vào rán và khi bạn thả nem vào chảo dầu, chú ý lăn đều sao cho xung quanh nem vỏ bánh se lại sau đó mới rán chín từng mặt. Nem chín, vớt ra đĩa đã lót sẵn giấy thấm dầu.
Trong lúc rán nem trang thủ chuẩn bị nước chấm nem. Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng sau đó băm nhỏ. Ớt rửa sạch và cũng băm nhỏ. Chanh gọt vỏ, bổ đôi, vắt lấy nước cốt. Bạn pha nước chấm nem theo tỷ lệ 1 mắm: 1 đường: 1 nước cốt chanh và 4-5 nước tùy thuộc vào độ mặn của nước mắm bạn dùng. Hòa tan hoàn toàn hỗn hợp trên, sau đó cho tỏi, ớt đã bằm nhỏ vào trộn đều. Để có một bát nước chấm ngon, tỏi ớt nổi đẹp mắt thì tỏi chỉ bằm nhỏ, không được đập giập, chanh trước khi vắt nên gọt vỏ.
4. Thịt viên đông lạnh
Thịt viên đông lạnh thường được dùng để nấu canh hay thả vào lẩu, đem sốt cà chua rất ngon. Tuy nhiên, cũng tương tự như thịt băm bán sẵn thì thịt viên cũng rất khó để xác định được nó có nguồn gốc từ đâu, làm bằng những loại thịt gì, xuất xứ không rõ rằng, thời gian bảo quản mập mờ, điều kiện bảo quản kém... do đó, tốt nhất bạn không nên mua chúng.
Ngay tại nhà bạn cũng có thể tự làm thịt viên ngon để nấu món mình thích. Bạn có thể tham khảo cách làm dưới đây:
- Chọn thịt: Để làm món thịt viên dẻo dai thì nên chọn thịt ba chỉ lợn rồi băm nhuyễn hoặc xay nhỏ rồi món trộn với các loại gia vị. Vì thịt ba chỉ vốn mềm, lại có cả nạc lẫn mỡ nên có độ kết dính cao hơn là phần thịt toàn nạc.
Nếu không mua được thịt ba chỉ thì có thể mua phần thịt khác nhưng cũng có lẫn mỡ để xay cũng tạo nên sự kết dính hơn. Không nên chọn miếng thịt toàn nạc để làm thịt viên, như vậy thịt viên khô, cứng và dễ bị bở ra khi nấu.
- Trộn thịt: Sau khi xay thịt xong, cho thịt vào bát và thêm các loại gia vị mà bạn muốn như mắm, muối, hành tây hoặc hành lá... Tuy nhiên, các nguyên liệu không thể bỏ qua giúp thịt viên tạo sự kết dính chặt chẽ là một chút lòng trắng trứng và tinh bột. Lúc trộn bạn cũng có thể thêm xíu nước để tăng độ kết dính. Lưu ý, sau khi trộn đều các gia vị, bạn nên dùng tay nhào thịt thật mạnh để khiến thịt dính chặt vào nhau hơn. Có thể vừa nhào vừa bốc thịt lên rồi lại đập mạnh xuống bát hiệu quả sẽ cao hơn.
Sau khi trộn thịt xong nhiều người thường làm các viên thịt rồi nấu ngay. Nhưng đầu bếp khuyên nên cho thịt trộn vào tủ lạnh từ 1-2 giờ trước khi chế biến viên tròn lại và chế biến. Việc cho thịt vào tủ lạnh không chỉ giúp thịt ngấm gia vị mà còn khiến phần thịt nạc và tinh bột kết dính với nhau hoàn toàn. Chỉ có như vậy, những viên thịt mới dẻo, có sự đàn hồi và không nát.
Cho thịt ra khỏi tủ lạnh, lấy một phần thịt nhỏ viên tròn lại hoặc bạn cũng có thể cho chúng vào túi nilon, viên lại, rồi dùng tay "ngắt" một phần thịt ra, thả vào phần nước dùng bạn định nấu hoặc chế biến thành các món khác mà bạn yêu thích.
Như vậy, để món thịt viên lúc nào cũng dai, dẻo, tròn trịa không vỡ nát khi nấu chị em hãy nhớ 3 bí quyết trên nhé!