Chị Phạm Thanh Phương (42 tuổi, Hà Nội) đã từng có thời gian làm công việc liên quan đến nông nghiệp nên chị khá am hiểu về các loại cây trồng, vật nuôi. Hiện tại chị đang làm ngành về thực phẩm nên kinh nghiệm và hiểu biết của chị lại càng phong phú. "Mọi người còn gọi mình là chuyên gia về thực phẩm đấy", chị cười chia sẻ.
Chị Thanh Phương.
Mới đây chị Thanh Phương vừa chia sẻ với các chị em nội trợ cách chọn mua cua biển sao cho có được những con cua ngon nhất. Bởi cua là một món không hề rẻ, mua được cua ngon sẽ giúp mọi người tránh lãng phí tiền đáng kể.
Kinh nghiệm chọn cua của chị như sau:
1. Cách chọn cua
- Ấn mạnh phần thân cua, vị trí chân cua thứ 3 tính từ dưới lên phải thật rắn, vỏ cua màu đá (màu trắng ngà, hơi xanh hoặc màu phèn nhạt). Nếu bạn cảm thấy vỏ có độ trong, kiểu như có độ nước bên trong là cua kém. Cua màu phèn đậm thì không nên chọn vì cua già, vỏ cứng.
- Trong hình ảnh, phần vỏ cua màu đá đục, con cua rất chắc, nhìn ngoài có thể thấy có các vân trắng mờ ở phần càng. Phần ấn đã có đánh dấu đỏ. Hoặc có thể ấn mai cua (vị trí phía trong, gần càng) nếu rắn là được.
- Cua gạch phần dưới yếm có màu vàng của trứng cua. Cua cốm (cua 2 da) bóp 2 bên mai cảm giác có độ rạn vỡ của vỏ (vì đã đến kỳ tách vỏ), cầm chắc tay, ấn ở thân cua chắc, vạch yếm ra thấy lông chuyển màu hồng. Nhiều khi cua yếm vuông được phù phép thành cua cốm để có giá cao nên khi chọn cua cần lưu ý. Cua vừa lột xong cũng ngon nhưng sau khi lột rồi cua rất óp, kém thịt, phần vỏ rất dai.
- Tuy nhiên cách chọn này chỉ tương đối, bởi còn phải dựa vào nhiều yếu tố như cua sinh trưởng vùng nào, cua đã cặp đôi hay chưa mới xác định chính xác được độ thịt. Nếu con cua đã cặp đôi thì thịt rút rất nhanh.
- Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên mua cua nhỏ khoảng 3-5 lạng/con (khối lượng tịnh của cua, không tính dây buộc), tầm này xác định rõ độ thịt hơn vì vỏ cua mỏng hơn, cua già vỏ sẽ cứng khó xác định. Cua to khó xác định độ thịt hơn, xác suất bị óp lớn hơn vì thế không nên ham cua to. Cua nhỏ hơn 3 lạng chưa đủ độ lớn, ăn không ngon, thịt ít, trừ cua cốm chỉ khoảng hơn 1 lạng nhưng rất ngon.
2. Cua thế nào là cua ngon?
Mua được cua biển tự nhiên hoặc cua sinh thái là ngon nhất. Cua sống trong tự nhiên giàu đạm, giàu canxi, khoáng chất, rất ngon và tốt cho sức khỏe, không bị ảnh hưởng bởi thức ăn công nghiệp Dưới đây là cách chọn cua ngon:
- Cua sống trong môi trường tự nhiên vỏ luôn bóng sạch do nước sạch, không bị mọc rêu trên vỏ, cua rất khỏe, nhanh, dữ.
- Vỏ cua rất rắn, con nhỏ cũng khó có thể dùng kẹp để làm vỡ càng, con to không thể dùng kẹp do thời gian sinh trưởng của cua dài.
- Với cua Cà Mau ngon, vỏ thường màu xanh, một số con có gọng màu đỏ. Cua Cà Mau thì cua Năm Căn hiện nay là cua đắt nhất, các vùng khác rẻ hơn khoảng hơn 100 nghìn/kg đến 200 nghìn/kg nên cua nơi khác thường hay được phù phép thành cua Năm Căn.
- Cua ngon: Thịt trắng ngần, dai, ngọt, thơm và đậm vị. Một số cua nuôi rất chắc nhưng khô, thịt hơi hôi, mùi khét khét. Cua tự nhiên chắc nhưng không khô và chỉ chắc đến một độ nào đó, không siêu chắc như cua nuôi công nghiệp. Giống như thịt lợn nuôi dân dã thịt không rắn chắc như lợn nuôi siêu nạc. Ngoài ra, cua tại các vùng rừng ngập mặn, phần gạch và bên trong thân cua có thể đen xì do khu vực nuôi có nhiều cây mắm, cua đen xì (có thể đen như than) nhưng thớ thịt vẫn trắng.
- Cua gạch chuẩn là gạch son (đỏ như son), gạch vừa tầm, không non, không già. Gạch nhiều nhưng không thể siêu gạch như cua có tác động của con người như bơm gạch.
- Cua cốm lột tự nhiên thịt rất chắc, thơm, ngọt, nhiều gạch non màu vàng nhạt, màu vàng xanh xanh, lỏng (gạch này là chất dinh dưỡng cua tích lũy để lột), gạch rất ngậy.
- Thịt cua thơm tự nhiên nên ăn xong chỉ cần rửa tay nước thường là hết mùi, cua nuôi công nghiệp rửa tay mãi không hết mùi tanh, thịt thường màu xám.
- Khi mua hãy để ý đến dây buộc bởi bạn sẽ mất nhiều tiền với dây, không chỉ là độ nặng của dây mà còn là size cua, cua càng nhỏ, giá càng rẻ. Chưa kể nhiều chỗ dây buộc to quá càng gẫy không phát hiện được, khi mua về bạn buộc phải bỏ cái càng ấy đi. Vì vậy, nghe qua tưởng giá rẻ nhưng bỏ dây ra lại thành ra quá đắt. Hãy mua cua không có trọng lượng dây buộc tính kèm, sẽ cho giá trị thật của con cua.
- Ăn cua tự nhiên ngon, chỉ nên chấm muối, quất và ớt, chấm các loại nước chấm sẽ át mất vị cua, không cảm nhận được vị ngon ngọt, thơm của thịt. Khi làm nhớ rửa sạch yếm, vuốt hết chất thải ở phần yếm ra, khi chế biến sẽ không bị hôi. Không nên đâm chết cua nếu hấp luộc, sẽ làm thịt cua nhạt đi, nước vào trong cua theo chỗ đâm sẽ làm.giảm độ ngon. Bạn hãy cho cua vào tủ đá 1 lúc hoặc ngâm vào chậu nước đá, cua tê đi hẵng làm sạch.
3. Giá cua
- Giá cua căn cứ nguồn gốc cua, size (cỡ) cua, phân loại cua. Cua chia thành, loại đặc biệt là cua soi độ chắc bằng đèn, loại 1 phân biệt độ chắc bằng kinh nghiệm, bằng mắt thường, loại 2 kém hơn nữa và cua loại.
- Giá trị con cua phụ thuộc: độ đậm của thịt, độ chắc của cua, thậm chí cua Cà Mau còn là phần đen trong cua, con cua trong thân trắng tinh thường giá rẻ hơn cua có tí đen.
- Bạn đừng nhìn giá cua cao hay thấp mà đánh giá đắt hay rẻ, đắt hay rẻ phụ thuộc vào chất lượng cua, nguồn gốc cua. Ví dụ: ở ngoài Bắc, cua Quảng Ninh, Hải Phòng ngon nhất, đắt nhất, các vùng khác giá rẻ hơn và độ ngon của thịt đương nhiên kém hơn. Nhưng kể cả mua tại Quảng Ninh hay Hải Phòng cũng khó mua được cua chuẩn của vùng, hầu hết cua được nhập từ nơi khác về, thường là cua nuôi các tỉnh phía Nam vì giá nhập rất rẻ, nguồn dồi dào. Hoặc cùng là cua Cà Mau nhưng khác vùng thì chênh nhau từ 100-200nghìn/kg.