Lẩu là món ăn luôn được lòng rất nhiều người. Lẩu ăn mùa nào cũng thích hợp nhưng riêng vào những ngày mát trời hay mùa đông thì lẩu chính là một gợi ý tuyệt vời cho những ai say mê món ăn nóng hổi này. Ăn lẩu nhiều như vậy xong chắc chắn nhiều người vẫn không hề hay biết, khi ăn lẩu cũng có nhiều tối kỵ. Chính vì không nắm được những tối kỵ này mà nhiều người đã mắc phải khiến ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
1. Nhúng tái rau và thực phẩm
Đặc trưng của các món lẩu là nhúng đồ. Nhúng từ thực phẩm đến rau quả. Nhiều người có sở thích ăn tái nên chỉ cho tất cả các nguyên liệu vào nhúng qua rồi thưởng thức mà bỏ qua nguyên tắc "ăn chín uống sôi". Nhưng thực phẩm chưa chính có thể chứa nhiều vi khuẩn và khí sinh trùng, cực kỳ nguy hải cho hệ tiêu hóa. Đặc biệt, các loại nội tạng động vật thì càng nên nấu chín kỹ.
Ngoài ra, có một số loại rau cần phải được nấu chín kỹ không sẽ vẫn còn nhiều chất độc có trong rau như cải bó xôi, quả đỗ, cà tím, măng... do đó, nếu muốn cho những loại rau này vào ăn lẩu, bạn nên chú ý.
2. Ăn lẩu hải sản với thực phẩm nhiều vitamin C
Cà chua, khoai lang, khoai tây là những món được nhiều người cho vào lẩu. Cà chua để tăng hương vị, màu sắc cho nước lẩu. Còn khoai lang, khoai tây là có thể thay cho khoai môn. Thế nhưng, 3 loại củ quả này không nên cho vào lẩu hải sản. Chuyên gia lý giải, khi dùng chúng chung với lẩu hải sản sẽ khiến người ăn cảm thấy khó tiêu, đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
3. Ăn lẩu dê cho giấm
Không nên cho giấm vào nước lẩu dê vì sẽ phá hủy hoặc làm giảm bớt những thành phần dinh dưỡng quý nhất ở thịt dê.
4. Nhúng mồng tơi vào lẩu bò
Nếu dùng mồng tơi ăn kèm lẩu bò rất dễ bị đau bụng, nhẹ thì bị đầy bụng, khó tiêu, nặng sẽ gây táo bón, rất khó chịu.
5. Ăn lẩu gà với rau kinh giới, rau cải xanh
Theo Đông y, thịt gà có tính ôn ngọt, không độc, bổ dưỡng còn cải xanh có tính ôn, vị cay, làm ấm tỳ vị và kích thích tiêu hóa, có tác dụng giải chứng cảm hàn, thông đờm, lợi khí... Tuy cả thịt gà và rau cải đều ngon, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng vì cả hai đều có tính ôn (ấm nóng) nên nếu ăn chung sẽ gây nhiệt nhiều cho cơ thể. Do đó, nếu ăn lẩu gà không nên nhúng kèm rau cải.
Cũng trong Đông y, kinh giới có tính tân tán, cay nóng, còn thịt gà can ôn, thuộc phong mộc. Nếu ăn chung kinh giới trong lẩu gà thì có thể gây ra chứng chóng mặt, ù tai hoặc run rẩy cả người và ngứa ngáy. Do đó, dù thích cho kinh giới vào lẩu thì bạn cũng nên tránh cho vào lẩu gà.
6. Ăn lẩu trong thời gian quá lâu
Ăn lẩu là sở thích của nhiều người vì có thể ngồi lai rai, vừa ăn vừa nói chuyện nên thời gian có thể kéo dài vài tiếng. Tuy nhiên, chúng ta không hề biết rằng, chính việc ăn lẩu lâu như vậy lại không hề tốt cho sức khỏe. Các chuyên gia lý giải, việc ăn lẩu trong thời gian dài khiến nước lẩu đun quá lâu, nó sẽ mặn, lượng nitric tăng cao. Bên cạnh đó, các dinh dưỡng cùng vitamin của thực phẩm để trong nồi nước lẩu cũng bị phân hủy, chất béo cũng bị bão hòa, do đó ăn nước lẩu này sẽ gây hại sức khỏe.
Cách khắc phục không phải là thêm nước lẩu mà bạn nên thay nước lẩu hoàn toàn sau khoảng 1 tiếng ăn nhé để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, những thức ăn thừa trong nồi nước lẩu cũng nên vớt bỏ ra, không nên nấu từ đầu tới cuối. Cách tốt nhất là bạn nên ăn đến đâu thì nhúng lẩu đến đó, phòng trường hợp cho thật nhiều nguyên liệu vào rồi để ăn từ đầu bữa tới cuối bữa.
7. Ăn lẩu quá nóng, quá cay
Việc ăn lẩu đã được "định hình" là phải nóng không thể tránh được. Tuy nhiên chúng ta cần hạn chế việc nhúng thức ăn vào nồi lẩu đang sôi rồi lấy ra ăn ngay. Thức ăn vừa nhúng đang rất nóng sẽ gây bỏng và nhiệt cho khoang miệng, thực quản và dạ dày.
Cách khắc phục là sau khi nhúng thức ăn xong, bạn hãy đợi nguội một chút rồi mới thưởng thức.
Với một số món lẩu như lẩu Thái, lẩu hải sản chua cay, lẩu Tứ Xuyên... vốn có độ cay cao. Nếu bạn ăn những lẩu quá cay kết hợp với nhiệt độ trong nồi lẩu đang cao sẽ dẫn đến kích thích đường tiêu hóa, không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là dạ dày.
Do đó, nếu làm lẩu tại nhà bạn nên cho độ cay vừa phải, ai cũng ăn được mà tốt cho sức khỏe. Nếu ăn ở quán, nên yêu cầu đầu bếp giảm độ cay.