Rau xanh sau khi mua về nếu không bảo quản đúng cách thì chỉ sau từ 1 - 2 ngày là héo úa. Nhiều chị em cũng chia sẻ rằng, không hiểu vì sao dù đã cất rau cẩn thận trong tủ lạnh nhưng vẫn chỉ để được vài ngày là rau hỏng.
Vậy làm thế nào để rau tươi lâu, không bị héo? Bếp Eva sẽ chia sẻ đến bạn cách bảo quản rau đơn giản chỉ bằng 1 tờ khăn giấy. Làm theo cách này rau để cả tháng cũng không bị hỏng.
Trước khi tiến hành bảo quản rau, có một số điểm quan trọng bạn cần lưu ý:
- Độ ẩm: Đây là điều kiện cần để rau luôn tươi, xanh. Vì thế, hãy tạo một môi trường có độ ẩm vừa phải để rau giữ được lâu hơn.
- Nhiệt độ: Nhiệt độ quá cao sẽ khiến rau héo úa, còn nếu để nhiệt quá thấp dễ khiến rau bị nát, nhũn lá.
Ngoài ra, trong quá trình bảo quản, bạn cũng cần nhớ:
- Chọn rau tươi xanh không bị sâu úa. Nhặt bỏ phần lá hỏng. Rửa rau sạch, để ráo trước khi bảo quản.
- Để rau ở nơi thoáng mát, tránh tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời.
- Sử dụng túi nhựa, giấy… để bảo vệ rau.
Các bước bảo quản rau xanh bằng giấy ăn
Trước đây, đa phần mọi người dùng giấy báo để gói, bọc rau củ. Tuy nhiên các chuyên gia lại cho rằng, loại giấy này chứa nhiều chì cùng chất độc hại, không tốt cho sức khỏe.
Thay vào đó, chuyên gia khuyến nghị bạn nên dùng giấy ăn để thay thế. Loại giấy này có tính an toàn cao. Chúng sẽ đảm nhận vai trò hút ẩm trên lá rau và duy trì môi trường luôn có độ ẩm lý tưởng. Bên cạnh đó, trọng lượng của loại giấy này rất nhỏ nên có thể tránh làm rau bị dập, nát.
Các bước bảo quản rau xanh như sau:
Bước 1: Rau nhặt rồi rửa sạch sau đó dùng khăn giấy thấm hết nước trên bề mặt rau.
Bước 2: Lót khăn giấy khô dưới đáy hộp nhựa
Bước 3: Đặt rau xanh đã làm khô ở bước 1 vào trong hộp. Lưu ý, không dùng lực nén xuống để tránh rau bị dập, nát.
Bước 4: Thêm 1 lớp giấy khô lên mặt trên cùng của rau sau đó đóng kín hộp lại.
Hướng dẫn bảo quản cho từng loại rau xanh
Tùy thuộc vào mỗi loại rau mà cách bảo quản sẽ khác nhau. Bạn có thể chia rau thành các nhóm để dễ bảo quản. Cụ thể:
- Rau ăn lá: Sử dụng giấy ăn bọc lại rồi cho vào túi zip và để trong ngăn mát tủ lạnh.
- Các loại củ: Chỉ cần để ở nơi khô ráo, thoáng mát.
- Các loại quả: Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
- Nấm: Rửa sạch, thấm khô nước, cho vào túi giấy rồi để trong ngăn mát tủ lạnh.
- Rau gia vị: Rửa sạch, để ở các khu vực thoáng mát hoặc trong tủ lạnh. Với một số loại rau như hành, mùi thì có thể để nguyên rễ rồi đặt trong lọ, bát nước sau đó bọc túi kín, rau sẽ tươi roi rói dù để cả tuần.
Tham khảo một số cách bảo quản một số loại rau củ mà chị em nào cũng nên biết.
- Hành tây: Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát thay vì để trong tủ lạnh.
- Khoai tây: Hãy bọc lại bằng túi giấy và để vào nơi khô ráo. Tuyệt đối không để trong tủ lạnh. Bởi không khí lạnh sẽ khiến cho tinh bột chuyển thành đường, ảnh hưởng đến hương vị của khoai tây.
- Rau xanh cần được rửa sạch, thấm khô nước và bọc lại bằng khăn giấy.
- Cà tím rất nhạy cảm với nhiệt độ, vì thế bạn nên bảo quản nó ở nhiệt độ phòng. Nên đặt cà tím ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp.
- Cần tây bọc trong giấy bạc để hơi ẩm không thoát ra ngoài. Bằng cách này, cần tây sẽ tươi roi rói, không bị héo úa hay mềm nhũn.
- Hành lá nên đặt trong 1 lọ đầy nước rồi dùng túi nhựa bọc kín lại.
- Măng tây cắt bỏ phần gốc rồi đặt vào bát hoặc lọ có nước. Nếu muốn để măng tây được tươi lâu, bạn hãy lấy túi bóng bọc kín phần ngọn lại.
- Tỏi nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát. Bạn có thể sử dụng túi lưới để treo tỏi lên trên. Tránh cất tỏi trong ngăn mát tủ lạnh.
- Dưa chuột sau khi rửa sạch, lau khô nên bọc lại bằng khăn giấy hoặc cho vào túi nhựa rồi để vào ngăn mát túi lạnh. Hãy chắc chắn rằng bạn để dưa chuột cách xa phần lạnh nhất của ngăn mát hoặc không để trên hay gần ngăn đông.
- Ngô tươi nên sử dụng ngay khi mua về. Tránh để quá lâu vì như thế ngô sẽ không còn giữ được vị ngọt.