Cuối thu đầu đông là thời điểm cam Vinh, cam sành vào vụ. Ngoài ăn trực tiếp, nhiều chị em cũng chọn cách vắt/ép lấy nước cam cho cả nhà uống. Ngoài làm nước giải khát thì đây cũng chính là nguồn bổ sung vitamin C dồi dào cho cả gia đình.
Cam vắt tưởng chừng dễ làm nhưng thực tế lại làm khó không ít người. Bởi nếu không khéo, nước cam rất dễ bị đắng, không ngon.
Vắt nước cam thế nào để không bị đắng?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho nước cam vắt bị đắng, không ngọt thơm. Trong đó phải kể tới 3 yếu tố là:
- Chọn sai loại cam
- Vắt sai cách
- Uống sai thời điểm
Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Bếp Eva sẽ chia sẻ đến bạn 3 lưu ý cần tránh để giúp cốc cam vắt của bạn ngon thơm như ngoài quán.
Chọn đúng loại cam
Dù sử dụng máy hay vắt cam bằng tay thì nguyên liệu vẫn là yếu tố đầu tiên bạn cần lưu ý. Chọn được loại cam ngon bạn sẽ có được cốc nước cam như ý.
Khi mua, cần chú ý tới độ tươi, tỷ lệ chua ngọt và hàm lượng nước có trong cam. Bạn nên thử cam trước khi vắt như thế sẽ tránh được tình trạng cam quá chua hoặc chín quá mà tạo mùi ủng.
Tùy vào mùa vụ mà bạn có thể chọn loại cam cho thích hợp. So với cam canh thì cam Vinh và cam sành là phù hợp để vắt nước hơn cả.
Gọt vỏ và loại bỏ hạt
Có thể bạn đã biết, vị đắng của nước cam chủ yếu do vỏ và hạt cam gây nên. Vì thế, trước khi vắt hoặc ép, bạn nên gọt bỏ toàn bộ phần vỏ cam đồng thời cố gắng lọc bỏ hạt trước khi bắt đầu.
Việc gọt vỏ sẽ giúp ngăn chặn tình trạng tinh dầu lẫn vào nước cam trong quá trình vắt nước.
Thời điểm uống
Nước cam vắt xong nên uống ngay, bởi nếu để quá lâu sẽ dễ làm ảnh hưởng đến mùi vị và mất đi một phần chất dinh dưỡng. Do đó, chuyên gia khuyến nghị bạn nên uống nước cam trong vòng 30 phút kể từ khi vắt.
Cách làm nước cam ngon như ngoài hàng
Nguyên liệu:
- Cam
Mẹo chọn cam ngon
Những quả cam ngon sẽ có những đặc điểm sau:
- Cầm chắc tay. Phần đáy của quả có màu vàng.
- Cuống cam lõm xuống là dấu hiệu cho thấy cam mọng nước.
- Chạm vào phần núm cuống có cảm giác chặt, dù tác động lực cũng khó rụng.
- Lá cam dính chặt ở cuống.
- Dùng ngón tay bấm nhẹ vào vỏ cam, nếu thấy vỏ có dầu tiết ra thì đó là cam mới cắt.
- Chọn quả cam chín, có đốm vàng không quá đều màu.
- Vỏ cam mỏng, không sần sùi.
Các bước làm nước cam
- Gọt bỏ phần vỏ cam
- Cắt cam thành từng miếng vừa ăn
- Nhặt hết phần hạt trong cam
- Cho miếng cam đã nhặt hạt vào trong máy xay. Nếu không thích quá đặc, bạn có thể thêm vào đây 1 chút nước lọc.
- Trút phần nước cam vừa xay vào trong chai thủy tinh rồi để vào tủ lạnh hoặc thêm đá vào và thưởng thức ngay.
Nước cam làm kiểu này rất thơm, ngọt, không bị đắng, và đặc biệt là tận dụng được hết trái cam, không bỏ đi quá nhiều gây lãng phí.
Bảo quản nước cam
Thông thường, nước cam vắt xong nên uống trong vòng 30 phút. Tuy nhiên, nếu không uống hết hoặc bạn vắt nhiều để dùng dần thì có thể áp dụng các cách bảo quản sau:
Cấp đông trong túi zip
- Cho nước cam vào túi zip rồi để vào ngăn đông của tủ lạnh. Việc cấp đông sẽ giúp nước cam giữ nguyên hương vị và giảm thiểu tình trạng bị đắng.
Nghiên cứu cũng cho thấy, việc cấp đông nước cam sẽ giúp bảo toàn các chất chống oxy hóa, nhờ thế vẫn giữ được dinh dưỡng như ban đầu.
Lưu ý, nên cho nước cam đầy túi zip và tránh để có khoảng trống không khí như thế cam dễ hỏng hơn. Khi uống, bạn chỉ cần để cam xuống ngăn mát rồi rã đông như bình thường.
Bảo quản trong lọ
- Rót nước cam vào trong chai có nắp đậy rồi cất vào ngăn mát của tủ lạnh. Lưu ý, nên dùng chai thủy tinh có màu để ngăn chặn tình trạng ánh sáng tác động khiến vitamin C trong nước cam bị phân hủy.
Nhớ đậy nắp thật chặt như thế vi khuẩn sẽ không có cơ hội xâm nhập và làm ảnh hưởng đến hương vị, chất lượng đồ uống. Với cách bảo quản này thì nước cam không để được quá lâu như cấp đông.
Nhìn chung, nước cam tươi uống ngay sau khi vắt vẫn là ngon và tốt nhất. Vì thế, các chị em hãy dành một chút thời gian vắt nước cam mỗi ngày như thế sẽ đảm bảo được độ ngon và dinh dưỡng.