01.
"Mọi người cần ngừng nói với tôi ‘hãy làm điều đó đi’ nếu tôi muốn có con," Jen Cleary bực tức nói rõ ràng. "Hầu hết những người thuộc thế hệ của tôi chỉ đơn giản là không đủ khả năng. Việc không có con nằm ngoài tầm tay của tôi và đó là một thực tế tàn khốc và đáng thất vọng." Cleary, một cựu giáo viên 35 tuổi, chia sẻ rằng sự bấp bênh về tài chính khiến cho ước mơ có một gia đình hoàn chỉnh của cô có thể không bao giờ thành hiện thực. Đó là một trải nghiệm mà nhiều người thuộc thế hệ Millennials - sinh từ năm 1981 đến 1996 - đang gặp phải.
Tỷ lệ sinh ở Anh đang ở mức thấp kỷ lục, đặc biệt với phụ nữ dưới 30 tuổi. Có nhiều yếu tố góp phần vào điều này, bao gồm thực tế là nhiều người phải vật lộn với chứng vô sinh; một số đưa ra lựa chọn không sinh con; thậm chí vì những bất ổn và nguy hiểm của khủng hoảng khí hậu. Song thu nhập thấp và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng là một vấn đề dai dẳng và ngày càng gia tăng. Nhiều người đang bị buộc phải tạm dừng việc ổn định cuộc sống và có gia đình do áp lực chi phí.
Jody Day, người sáng lập Gateway Women, một mạng lưới hỗ trợ cho những phụ nữ không có con không tự nguyện cho biết: "1/5 phụ nữ không có con ở tuổi trung niên (bao gồm không tự nguyện và do lựa chọn) và 80% trong số đó là do hoàn cảnh chứ không phải do vô sinh." Nguyên nhân chủ yếu là những vấn đề mang tính hệ thống chẳng hạn như các khoản nợ của sinh viên, dành phần lớn thời gian tập trung vào sự nghiệp, nghĩa là thời điểm lập gia đình sẽ muộn hơn và dường như khó để có thể đạt được mong muốn có con.
Đây đều là những yếu tố góp phần tạo nên câu chuyện của Cleary. Gặp người bạn đời hiện tại cách đây 9 năm lúc còn đang học để trở thành giáo viên, cặp đôi bắt đầu tiết kiệm tiền đặt cọc cho một căn hộ khi họ thuê nhà ở London. Cleary nói: "Chúng tôi hy vọng rằng bản thân sẽ nhận được một mức lương cao, tìm được một nơi nào đó tốt để sống và có con. Tuy nhiên, sau khi sở hữu 1 căn hộ, chúng tôi không có đủ tài chính để chi trả khoản trả góp và phí dịch vụ chung cư dựa trên lương của giáo viên."
Cặp đôi đã phải gác lại câu chuyện có con bởi vì vấn đề tài chính. Sau khi bán căn hộ của mình, mất hơn 20.000 bảng Anh (575 triệu đồng) cho quá trình này, Cleary đã vật lộn để tìm một nơi ở mới. Cặp đôi đã thuê 4 căn hộ khác nhau trong 6 tháng và liên tục bị trượt điểm tín dụng khi mắc quá nhiều nợ.
02.
Rahul (tên nhân vật đã được thay đổi) là một người nhập cư thế hệ đầu tiên 40 tuổi đến Anh, kiếm tiền và hỗ trợ gia đình của mình ở Ấn Độ. Anh với vợ sống ở Manchester và có một cô con gái 7 tuổi, và 2 năm trước, họ quyết định không thể sinh thêm con nữa. "Vợ tôi rất thất vọng, vì cô ấy muốn có ít nhất 2 đứa con. Nó đã tạo ra khá nhiều căng thẳng giữa chúng tôi. Khi ngồi xuống và xem xét số tiền phải trả cho việc trông trẻ nếu cô ấy tiếp tục đi làm, bên cạnh việc gửi tiền về và những chi phí để con gái đi học, chúng tôi nhận ra rằng mình sẽ không thể mang lại cho đứa trẻ thứ 2 chất lượng cuộc sống như con gái đầu đã có."
Gia đình của Rahul ở Ấn Độ đã rất thất vọng vì điều đó. Họ lo lắng rằng con gái của anh sẽ cô đơn khi chỉ một mình và việc chỉ có 1 người con trong tư tưởng gia đình anh là không phổ biến. "Nhưng tôi hy vọng chúng tôi đã làm cho họ hiểu lý do tại sao vợ chồng tôi lại đi đến quyết định này", Rahul chia sẻ.
Theo Nhóm Hành động vì đói nghèo trẻ em, chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ đến 18 tuổi vào năm 2021 có thể lên tới 71.611 bảng Anh (khoảng 2 tỷ VNĐ). Academic Joanna có một cô con gái 3 tuổi và mong muốn có một đứa con khác, nhưng nhận ra rằng điều đó không khả thi về mặt tài chính, chủ yếu là do chi phí chăm sóc trẻ em. Trong một cuộc khảo sát gần đây với hơn 20.000 phụ huynh đang đi làm, 97% số người được hỏi cho biết chi phí trông trẻ quá đắt đỏ. Tình hình trở nên tồi tệ đến mức Joanna đang phải nhận 1 công việc khác được trả lương cao hơn ở nước ngoài để xem liệu cô ấy có thể kiếm đủ tiền để sinh con thứ 2 hay không.
03.
Giáo sư Bobby Duffy, Giám đốc Học viện Chính sách tại King's College London, cho biết cuộc khủng hoảng nhà ở tại Vương quốc Anh đang ảnh hưởng đặc biệt đến thế hệ Millennials và những thế hệ trẻ muốn lập gia đình. "Có một sự thay đổi đáng kinh ngạc từ 80% những người ở thế hệ bố mẹ ta sở hữu nhà riêng xuống chỉ còn 40% đối với thế hệ Millennials. Điều đó đẩy mọi người vào một thị trường đi thuê nhà, không được kiểm soát, rất tốn kém và không an toàn."
Ông cho rằng cần làm thị trường cho thuê này ổn định hơn và giá cả phải chăng hơn. Bởi vì khi cộng thêm chi phí chăm sóc trẻ em cao, mức thu nhập không theo kịp lạm phát, và các biện pháp thắt lưng buộc bụng - cắt giảm chất lượng sống, nó tạo ra sự sụp đổ trong niềm tin vào tương lai tốt hơn của thế hệ trẻ.
Nhưng không phải chỉ có nhà ở mới gây ra sự bấp bênh. Fiona, trợ lý quản trị 29 tuổi, đang sống chung nhà với 7 người khác. Cô nàng làm 2 công việc bán thời gian để có thu nhập tốt hơn. Fiona chia sẻ rằng bản thân dường như không thể tìm thấy con đường ổn định tài chính có thể giúp bản thân có một gia đình. "Tôi thậm chí không thể mua một con chó, vậy làm thế nào tôi có thể nuôi một đứa trẻ? Có sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn ở Anh. Điều đó có nghĩa là bạn không có không gian để thở, liên tục phải cố gắng kiếm tiền nếu sinh ra trong 1 gia đình có tài chính bình thường."
Đối với Fiona, việc không có con là quyết định tốt nhất cho cuộc sống của cô tại thời điểm hiện tại. Mặc dù nó là 1 quyết định khó khăn, ít nhất bây giờ Fiona có thể tập trung để kiếm tiền và làm cuộc sống của mình tốt hơn. "Chúng tôi không có lựa chọn nào về việc được sinh ra như thế nào, nhưng ít nhất tôi có thể làm chủ cuộc sống, khiến nó trở nên tốt hơn bằng cách sống trọn vẹn."