Thời đi học có lẽ không ít người đã từng đôi lần nhìn ké bài bạn hay giúp bạn trả lời nốt một câu hỏi khó. Tuy biết rằng điều này là vi phạm nội quy nhưng “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, rất nhiều học sinh vẫn bất chấp để hòng đạt điểm cao hơn. Vì lẽ đó, các giáo viên ngày càng cao tay hơn trong việc phát minh ra những phương pháp chống gian lận mới để đảm bảo tính công bằng trong thi cử và kiểm tra.
Mới đây, một bài đăng trên mạng xã hội của tài khoản N.L có kèm bức ảnh chụp lại hai tờ đề kiểm tra môn Vật Lý lớp 11 đã thu hút sự quan tâm của cư dân mạng, không phải bởi nội dung thi “khó nhằn” mà lại nhờ một lý do không ngờ tới.
Thoạt nhìn qua, hai đề thi không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, điểm mấu chốt nằm ở phần phía trên của bài kiểm tra. Không đánh dấu mã đề bằng con số hay chữ cái như thông thường, giáo viên Vật Lý của lớp này đã chọn cách phân biệt bằng dấu chấm ở cạnh dòng “không kể thời gian giao đề”. Có lẽ nếu không nhờ chủ tài khoản vẽ hình mũi tên màu đỏ để giúp nhìn rõ, khó có ai nhận ra được sự khác biệt bé tí xíu này.
Bài đăng đã thu về hơn hai nghìn lượt thích cùng hàng trăm bình luận trong một nhóm cộng đồng về chủ đề học sinh. Phần lớn mọi người đều bày tỏ sự thán phục với chiêu tạo mã đề “thần thánh” này của giáo viên. Một số netizen còn hiến kế các cách tìm người có cùng đề với mình hiệu quả hơn.
Dưới đây là một số bình luận nổi bật của cư dân mạng:
- Lường thế nào được.
- Và kể từ đó tôi bắt đầu thấy các thầy cao tay hẳn lên.
- Chà chúng tôi đã rút kinh nghiệm không hỏi đề, chúng tôi hỏi câu hỏi để nhận dạng chung đề hay khác đề.
- Thế này thì tạch hơn nửa lớp như bao nhiêu.
- Thầy cao tay quá chịu rồi. Mấy câu đầu làm thế mồi câu, trùng cái là dính mấy câu sau ngay.