Vì sao bạn luôn trì hoãn công việc của mình?

Không ít người thường có thói quen trì hoãn công việc khiến bản thân rơi vào một vòng luẩn quẩn không thoát ra được.
Vì sao bạn luôn trì hoãn công việc của mình? - Ảnh 1.

(Ảnh: CNN)

Bạn có bao giờ rơi vào tình trạng luôn muốn trì hoãn và gác lại công việc vào hôm khác mặc dù bạn đang có thời gian, cuối cùng công việc mãi không thể giải quyết. Vậy nguyên nhân do đâu?

Theo các chuyên gia, khi biết lý do tại sao bạn trì hoãn và học cách chống lại nó là cách duy nhất để thay đổi hành vi của bạn. Dưới đây là những yếu tố khiến mọi việc của bạn luôn bị trì hoãn:

1. Bạn là một người hay lo lắng

Những người hay lo lắng có xu hướng thiếu quyết đoán và họ thường phụ thuộc nhiều vào lời khuyên hoặc sự trấn an của người khác trước khi tự mình chủ động làm bất cứ việc gì. Đây cũng là người thích sự an toàn và không dám bước ra khỏi hàng rào bảo vệ của mình. Do đó, đối với bất cứ việc gì, họ cũng đều có suy nghĩ không nhất thiết phải hoàn thành chúng. Họ trì hoãn vì họ lo sợ về sự thất bại và bị chỉ chích.

2. Bạn là một người mơ mộng

Những người mơ mộng có suy nghĩ mình là người mà số phận sẽ can thiệp, khiến cho việc chủ động làm việc chăm chỉ và hiệu quả trở nên không cần thiết. Công việc sẽ không cần giải quyết vì họ nghĩ rằng số phận đã an bài và sắp xếp mọi chuyện.

3. Bạn là người không có đam mê với công việc

Khi bạn không có đam mê với công việc mà bạn đang làm, bạn sẽ có những suy nghĩ tiêu cực rằng việc bạn đang làm là theo những gì người khác mong đợi hoặc yêu cầu, chứ không phải những gì bạn muốn. Sự bi quan này sẽ làm giảm động lực hoàn thành công việc của bạn. Bạn luôn chán nản và không cần hoàn thành công việc nếu điều đó không ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn.

Chính những nguyên nhân sâu xa trên khiến bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi và không có thái độ tích cực làm việc, công việc luôn là một điều gì đó chán nản và không muốn động tới. Do vậy, để có thể khắc phục sự trì hoãn này, bạn cần phải xác định rõ mục tiêu làm việc của mình là gì, mình có thực sự yêu thích chúng hay không? Nếu không hoàn thành công việc ngay thì liệu có ảnh hưởng tiêu cực nào tới cuộc sống của bạn hay không?… Chỉ cần nắm chắc những điều này thì chắc chắn những thói quen trì hoãn của bạn sẽ bị loại bỏ.