Nuôi dạy con cái không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là niềm hạnh phúc của các bậc cha mẹ. Và ngoài mong con khôn lớn trưởng thành thành công, hẳn bậc cha mẹ nào cũng mong con sẽ trở thành một đứa trẻ tình cảm, có hiểu biết.
Thế nhưng để con trẻ biết thể hiện tình cảm, bộc lộ cảm xúc và nói lên được những tâm tư, tình cảm của mình dành cho đấng sinh thành thì không phải là dễ bởi thông thường, trẻ sẽ rất ngại nói ra điều này hoặc không biết cách thể hiện ra sao.
Mới đây, cô con gái 6 tuổi nhà nam ca sĩ Tuấn Hưng đã khiến mọi người trầm trồ xen lẫn hết lời khen ngợi bởi bé vừa xinh đẹp, vừa tình cảm lại rất khéo léo trong việc thể hiện lòng biết ơn của mình đối với cha mẹ.
Cụ thể, nam ca sĩ Tìm lại bầu trời đăng tải một bức thư do chính con gái anh - bé Sol viết gửi cho bố mẹ. Cô bé lớp 1 viết "Con gửi bố mẹ yêu quý của con! Con cảm ơn bố mẹ đã chăm sóc con để cho con lớn từng ngày ạ. Đôi lúc con hơi bực nên con đã nói những từ không hay cho bố mẹ nhưng bố mẹ rất kiên nhẫn và con chỉ muốn nói là con yêu bố mẹ. Con Mỹ Anh".
Trước những câu từ đáng yêu và dạt dào yêu thương của con gái, ông bố 3 con không khỏi xúc động "Người ta hay bảo 'có cô con gái như bình rượu mơ' là có thật. Hai ông con trai thì nghịch chóng cả mặt, mỗi cô con gái lúc nào cũng quan tâm và tình cảm với bố mẹ".
Phía dưới phần bình luận, rất nhiều người đã để lại lời khen ngợi cho cách tư duy giỏi của Sol và ghen tỵ khi Tuấn Hưng - Hương Baby có một cô con gái vô cùng tình cảm.
Trước đó, Trương Ngọc Ánh, Ly Kute hay doanh nhân Dạ Thảo cũng đã từng xúc động khi nhận được bức thư bày tỏ tình cảm từ con yêu của mình, dân mạng hết lời chúc mừng cho các bậc cha mẹ.
Con gái Trương Ngọc Ánh viết thư gửi mẹ "Cảm ơn mẹ vì đã mạnh mẽ và hướng dẫn con trong mọi quyết định và cho con thấy làm thế nào để trở thành một người phụ nữ!".
Những nét chữ đầu đời của Khoai Tây dành cho người mẹ xinh đẹp Ly Kute.
Con gái Quyền Linh từng khóc nức nở khi ngồi viết thư gửi bố.
Bố mẹ ly hôn được 2 năm, con trai Nguyễn Văn Chung viết thư gửi mẹ gây xúc động: "Mẹ ơi. Con nhớ mẹ nên con viết thư cho mẹ. Mấy hôm nay cha cho con học tiếng Anh, con thấy con tiến bộ hơn nhiều, mẹ yên tâm nhé. Bây giờ con đã cư xử tốt rất nhiều. Con không nóng nảy, cáu gắt với bạn bè, thầy cô. Con sẽ cố gắng cư xử tốt hơn nữa để cho mẹ không phải buồn và lo lắng cho con. Con sẽ tự thức dậy, tự đánh răng, tự làm bài tập về nhà. Mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe và làm việc thật tốt, về sớm với con. Con yêu mẹ".
Như đã nói ở trên việc dạy trẻ cách bộc lộ cảm xúc, thể hiện tình cảm với ông bà, bố mẹ và những người thân yêu là vô cùng cần thiết bởi trẻ có thể giải tỏa được những cảm xúc trong mình mà không phải kìm nén. Ngoài ra với những cảm xúc không vui, những câu chuyện buồn trẻ cũng có thể dễ dàng chia sẻ với bố mẹ hơn để tìm cách tháo gớ. Để con thoải mái trao đổi mọi thứ với bố mẹ, bố mẹ hãy tăng khả năng gắn kết tình cảm với con bằng cách:
Bầu bạn với con nhiều hơn
Các nhà khoa học đến từ ĐH Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts và ĐH Pennsylvania đã thực hiện nghiên cứu với hơn 30 trẻ em từ 4-6 tuổi ở thành phố Boston (Mỹ).
Sau quá trình quan sát hoạt động não và phân tích các đoạn ghi âm của trẻ, tương tác của cha mẹ, các nhà nghiên cứu phát hiện những trẻ nói chuyện với cha mẹ thường xuyên có vùng ngôn ngữ vận động phát triển mạnh mẽ hơn.
Trẻ em học hỏi từ những người gần gũi thường ngày bằng cách quan sát và bắt chước. Ngoài việc học hỏi từ môi trường, trẻ sơ sinh học cách phát triển ngôn ngữ từ cha mẹ, trong đó có ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cơ thể.
Do đó, việc thường xuyên trò chuyện có thể thúc đẩy mối quan hệ gia đình, đồng thời phát triển các kỹ năng xã hội của trẻ. Khi được nói chuyện, trao đổi, trẻ có cơ hội phát triển nhiều kỹ năng cùng một lúc như tư duy, phản biện, chia sẻ, lắng nghe.
Con người luôn thiết lập một mối liên hệ sâu sắc với những người đã tiếp xúc lâu ngày với họ, đó là lý do tại sao một số trẻ sơ sinh luôn đến gần người mà mình thường xuyên tiếp xúc. Nếu cha mẹ muốn vun đắp mối quan hệ cha mẹ - con cái thì hãy dành nhiều thời gian trò chuyện và chơi với con hơn.
Đối với những bé từ cấp tiểu học, trong quá trình trò chuyện, cha mẹ có thể kể về những khó khăn mình đang đối mặt để con hiểu mình hơn hay kể về những sự việc mà bạn thấy trong ngày. Bằng cách chia sẻ này, trẻ sẽ thấy mình được coi trọng, tin tưởng và từ đó thắt chặt mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tăng tương tác tình cảm giữa cha mẹ và con cái
Một trong những cách tốt nhất để gắn kết tình cảm với con là dành ra những khoảng thời gian để vui đùa cùng nhau, dành cho con những cử chỉ, hành động yêu thương.
Cha mẹ có thể cùng trẻ xem phim hoạt hình mà trẻ thích, cùng trẻ đọc sách và lắng nghe sự hiểu biết của trẻ về các câu chuyện; hướng dẫn trẻ chia sẻ những câu chuyện vặt trong cuộc sống...
Chỉ bằng cách chủ động tìm hiểu thế giới của con cái và lắng nghe tiếng nói của trẻ, cha mẹ mới có thể đi vào tâm hồn con cái.
Cha mẹ chú ý, không nên coi trọng việc dành cho trẻ bao nhiêu hoạt động hay dẫn trẻ đi chơi những đâu mà hãy chú tâm đến thời gian cả gia đình được bên nhau. Đôi khi gia đình chỉ cần cùng xem một bộ phim hoạt hình mà bé yêu thích cũng đã giúp con cảm thấy vui vẻ hơn.
Ngoài ra, cha mẹ nên chủ động dành cho trẻ những cái ôm, đây là một cách tuyệt vời để kết nối với con và giúp củng cố tình cảm của cả hai.
Thêm vào đó, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng phương pháp này giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh. Vì vậy, hãy dành cho trẻ thật nhiều cái ôm, trẻ cũng sẽ đáp lại tình yêu của bố mẹ qua hành động tương tự.
Tôn trọng quan điểm của trẻ
Sự khác biệt lớn nhất giữa cha mẹ và con cái là có những trải nghiệm khác nhau và rất khó để hiểu nhau. Hiện nay, rất nhiều gia đình định nghĩa sai về sự tôn trọng dẫn đến những vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ của cha mẹ và con cái.
Giáo sư Li Meijin cho rằng, trong trường hợp này cha mẹ nên cư xử đúng mực, không xâm phạm đến quyền riêng tư của con cái, có thái độ quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và sức khỏe của con cái, từ đó có thể hỗ trợ con trong việc đưa ra các quyết định hợp lý nhất.
Khi trẻ nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ, trẻ sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân.
Vi dụ: Khi trẻ khóc, cảm thấy bị làm sai và buồn, cha mẹ nên bỏ suy nghĩ của người lớn, không nên trách trẻ dưới góc độ của người lớn mà nên hướng trẻ phản ánh và giải quyết vấn đề từ góc độ của trẻ.
Việc vun đắp mối quan hệ cha mẹ - con cái tốt đẹp không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa thuận gia đình mà còn đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển hình thành nhân cách và lối sống của trẻ sau này.
Thường xuyên cùng nhau dùng bữa
Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy, cha mẹ thường xuyên cùng con ăn uống có thể mang đến nhiều lợi ích như: cải thiện thói quen ăn uống, nâng cao tinh thần, cảm xúc với việc trẻ đạt được thành tích cao trong học tập.
Khi được ăn uống cùng gia đình, trẻ có cơ hội trò chuyện, tâm sự và thể hiện bản thân nhiều hơn, trẻ cũng cảm thấy thoải mái khi được dùng bữa trong không khí vui vẻ, dễ chịu.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Canada năm 2015, những bữa ăn gia đình đều đặn có thể ngăn chặn các vấn đề về rối loạn ăn uống hay trầm cảm, khuynh hướng bạo lực, lạm dụng chất kích thích,...
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra được mối liên hệ của những bữa ăn gia đình với thành tích học tập tích cực của trẻ ở trường. Đặc biệt, điều này này hiệu quả hơn ở đối tượng trẻ em gái.
Nếu cha mẹ không có nhiều thời gian để cùng con ăn uống, hãy lập kế hoạch để có thể ăn cùng con vào bất cứ lúc nào trong tuần.
Trong những bữa ăn tối cha mẹ có thể hỏi bé: “Hôm nay đi học con có gì vui không?” hoặc "Con có cần mẹ giúp đỡ gì không?"...
Để trẻ được giúp đỡ cha mẹ khi cần
Các nghiên cứu đã tiết lộ trẻ sơ sinh từ 12 tháng tuổi theo bản năng đều muốn giúp đỡ cha mẹ của mình nếu được cho phép. Điều này dẫn đến việc trẻ sẽ tiếp tục làm điều đó một cách tự nhiên cho đến khi trẻ trưởng thành trong cuộc sống sau này.
Còn với một đứa trẻ không được cha mẹ cho làm việc nhà từ nhỏ, thì khi trở thành thanh thiếu niên, trẻ sẽ không ý thức được bản thân cần chủ động thực hiện các phần việc của mình hay tự nguyện làm việc nhà.
Một trong những bản năng tự nhiên của trẻ nhỏ là muốn chứng tỏ mình có ích. Khi cha giao cho con những việc nhỏ phù hợp với sức bé, con sẽ thấy mình có trách nhiệm hoàn thành và cảm nhận được xem trọng từ người lớn.
Cha mẹ nên khen ngợi khi con thực hiện tốt và dành cho bé một phần thưởng nhỏ. Phương pháp này sẽ giúp cha mẹ và các con đến gần nhau hơn, đồng thời nuôi dưỡng tính cách tự tin, thích giúp đỡ người khác của bé sau này.