Theo báo cáo của Trung tâm Y tế thành phố Lào Cai, chiều 8/7, thấy trong người mệt mỏi, bà P.T.C, sinh năm 1962, trú tại phường Cốc Lếu, gọi điện thoại cho bà L.T.H.P, là hộ sinh cao đẳng, Phó Trưởng trạm Y tế phường Lào Cai sang truyền dịch tại nhà.
Thời gian truyền lúc 17h. Tới 17h30, bà P.T.C có biểu hiện sốc phản vệ, được bà L.T.H.P tiêm thuốc chống sốc sau đó đưa vào Bệnh viện Đa khoa thành phố Lào Cai để xử trí cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân không qua khỏi, bệnh viện trả về nhà và mất lúc 21h cùng ngày.
(Ảnh minh họa).
Ngay trong đêm 8/7, được sự đồng ý của gia đình, cơ quan chức năng đã tiến hành mổ khám nghiệm tử thi, đưa ra kết luận sơ bộ bà P.T.C tử vong chưa rõ nguyên nhân. Mẫu bệnh phẩm giám định pháp y cũng đã được gửi về trung ương chờ kết quả.
Báo cáo từ Trung tâm Y tế thành phố Lào Cai cũng cho biết, sự việc xảy ra ngoài giờ hành chính, tại gia đình người dân, ngoài phạm vi trạm y tế, không trong ca trực của bà L.T.H.P.
Sở Y tế Lào Cai khuyến cáo truyền dịch là biện pháp cấp cứu, tuy nhiên kỹ thuật tiêm truyền phải do nhân viên y tế đã qua đào tạo thực hiện. Loại dịch truyền, tốc độ truyền phải do bác sĩ chỉ định, tùy vào tình trạng của bệnh nhân. Quá trình tiêm truyền cần được thực hiện tại các cơ sở y tế, có đầy đủ phương tiện cấp cứu đề phòng sốc phản vệ.
Ngay cả đối với trường hợp đơn giản như hàng xóm nhờ sang tiêm truyền giúp, nếu người có nghiệp vụ y tế nhận lời hỗ trợ cũng vi phạm nguyên tắc chuyên môn khi chỉ được hành nghề trong phạm vi quy định. Các rủi ro y khoa luôn tiềm ẩn, tuyệt đối không được chủ quan trước tính mạng con người.
Chuyên gia khuyến cáo, trong mùa hè người dân thường mất nước cơ thể nên hay tự ý truyền dịch bù nước tại nhà. Việc tiêm, truyền tại nhà rất nguy hiểm, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Theo đó, truyền dịch tại nhà có thể gây tai biến nặng, có thể tử vong do sốc phản vệ, nhiễm trùng máu quá tải dịch gây phù phổi, suy hô hấp, suy tim.
Vì vậy, khi tiêm truyền phải được khám và điều trị tại các cơ sở y tế có đủ phương tiện cấp cứu đề phòng sốc phản vệ.