Đứng trước mỗi kỳ thi quan trọng như kỳ thi vào lớp 10 hay thi đại học, đứa trẻ nào cũng có vô vàn những nỗi lo riêng. Nhưng con lo 1 thì bố mẹ là người lo lắng 10, bởi hơn ai hết bố mẹ hiểu rất rõ để đạt được mục tiêu mà mình mong muốn, con đã phải cố gắng và nỗ lực ra sao trong suốt hành trình nhào nặn với con chữ. Dĩ nhiên là bố mẹ, ai mà không cảm thấy hạnh phúc, và tự hào khi nhìn thấy những công sức con đã bỏ ra được đền đáp xứng đáng. Tuy nhiên dù kết quả có như thế nào đi chăng nữa thì trong mắt bố mẹ, con vẫn luôn là niềm hãnh diện lớn lao.
Những ngày vừa qua diễn ra kỳ thì tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2024, dù bận rộn công việc nhưng nữ diễn viên Thân Thuý Hà vẫn cố gắng sắp xếp mọi thứ sang một bên để nhường sự ưu tiên hàng đầu, đồng hành cùng cậu quý tử đầu lòng của mình. Mới đây, bà mẹ đơn thân 2 con có bài viết tâm sự nỗi lòng của phụ huynh khi có con vừa hoàn thành môn thi toán tuyển sinh lớp 10 vào sáng ngày 7/6 gây chú ý.
Thân Thuý Hà gửi lời tâm sự đến con trai vừa hoàn thành kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
"Hôm qua thi xong cười híp mắt còn hôm nay thi môn toán xong im lặng nhắm mắt luôn, câu duy nhất là con làm bài chỉ được 50%. Hôm nay không biết có phụ huynh 2K9 nào giống như tui không? Sáng giờ an ủi, động viên, pha trò để cho con vui lên, dù sao con cũng đã toàn tâm dồn hết sức lực cho kỳ thi này rồi, con không cần phải buồn hay hối hận gì cả, chờ đợi kết quả thôi, nếu không được như mong muốn thì vẫn còn 2 nguyện vọng, đối với mẹ con đã rất xuất sắc rồi, giờ nghỉ ngơi lấy lại sức để chuẩn bị bước vào năm học mới thôi.
Hôm nay thấy rất nhiều hình ảnh cảm xúc của các sĩ tử bước ra khỏi cổng trường nước mắt, mồ hôi hoà lẫn nước mưa thấy thương quá đi, mong cho các con sẽ có thêm nghị lực, thêm mạnh mẽ hơn trên đoạn đường dài sau này" - Thân Thuý Hà trải lòng trên trang cá nhân.
Được biết, Duy Anh là con trai đầu lòng của nữ diễn viên với chồng cũ. Sau ly hôn, Thân Thuý Hà một mình nuôi con trai. Cậu bé hiện tại 15 tuổi, sở hữu chiều cao ấn tượng 1,8m cùng diện mạo điển trai như soái ca Hàn. Sau Duy Anh còn có cô em gái nhỏ tên là Hera, cả hai anh em sống với mẹ, được mẹ nuôi dạy chỉn chu.
Con trai Thân Thuý Hà có vẻ ngoài "cực phẩm".
Cách đây không lâu, Thân Thuý Hà cũng từng chia sẻ về nỗi lo lắng dành cho cậu quý tử của mình khi con đứng trước một cột mốc quan trọng của chặng đường học hành, bày tỏ rằng cảm thấy thương con vì Duy Anh phải mày mò sách vở đến mức bơ phờ để ôn thi vào lớp 10.
Hơn ai hết, nữ diễn viên hẳn luôn mong con trai sẽ có một kết quả xứng đáng nhất. Tuy nhiên sau khi trải qua những giây phút căng thẳng ở bài thi toán học diễn ra vào sáng ngày 7/6, Thân Thuý Hà cho biết con trai chỉ làm bài được 50%. Điều này đã khiến cho Duy Anh rất buồn vì mọi thứ không như cậu bé mong đợi.
Dẫu vậy thì theo đánh giá của nhiều người, quả thực đề toán thi vào lớp 10 năm nay có phần "khó nuốt" hơn, nên sẽ khiến không ít học sinh gặp trở ngại. Thấy con trai buồn rầu như thế, nữ diễn viên rất xót nên tìm mọi cách để khiến quý tử vui vẻ hơn, chứ không hề có thái độ đặt nặng thành tích hay áp lực lên con.
Bên dưới bài tâm sự, bà mẹ đơn thân nhận về nhiều đồng cảm và động viên từ những ông bố bà mẹ cùng hoàn cảnh.
Trên thực tế, chuyện thi cử luôn có những rủi ro, bên cạnh sự nỗ lực thì may mắn cũng là một phần không thể thiếu để trẻ có thể đạt được thành tích cao nhất. Thế nên chỉ dựa vào kết quả cuối cùng ở các kỳ thi, rõ ràng vẫn không đánh giá được toàn bộ năng lực của trẻ. Chính vì như thế mà phản ứng của các phụ huynh trong hoàn cảnh này cực kỳ quan trọng, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con và quá trình phát triển toàn diện của bé trong tương lai.
Đó là nguyên nhân bố mẹ cần nên hiểu rõ, đâu là những điều bản thân nên làm và không nên làm. Để không gây thêm áp lực cho con, bố mẹ phải làm gì mới đúng trong hoàn cảnh này?
Tâm lý của bố mẹ càng tốt, trẻ càng hạnh phúc
Một cậu bé ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc chỉ đạt được 7 điểm trong một kì thi. Bố của cậu bé đã không hề mắng mỏ con mình mà thậm chí còn bỏ tiền ra để tổ chức một buổi bắn pháo hoa nho nhỏ, chúc mừng thành tích đạt được của con.
Mọi người cảm thấy rất kinh ngạc vì đó là một điểm số rất tệ. Thế nhưng, bố đứa trẻ giải thích rằng: "Trước đó, con tôi đã từng chỉ được 0 điểm, lần này được 7 điểm, nghĩa là con tôi đã nghiêm túc hơn, cố gắng hơn, nỗ lực hơn nên tôi cần phải khích lệ con".
Câu chuyện này cho thấy, sự tiến bộ của một đứa trẻ cũng nằm trong mắt người đánh giá, sự khuyến khích kịp thời được đưa ra sẽ khiến đứa trẻ thấy tự tin và muốn phấn đấu thêm nữa.
Rõ ràng, không nhiều bậc cha mẹ làm được như vậy, họ luôn cảm thấy con mình như thế là thấp kém hơn bạn bè. Tại sao bạn không thử nhớ lại khi mình còn nhỏ, đừng nói là đạt điểm 0, ngay cả khi đạt tới 9 đi chăng nữa thì chúng ta cũng lo sợ bị bố mẹ quở mắng. Vậy tại sao giờ đây chúng ta lại tiếp tục một lần nữa để con mình phải gánh nỗi sợ hãi không đáng có này. Hãy nhớ, bài kiểm tra bị điểm kém, đứa trẻ còn buồn hơn chúng ta.
Đừng chỉ trích, hãy khuyến khích kịp thời hoặc hỗ trợ con khắc phục điểm yếu
Có một cậu bé ở Thái Lan thích chơi bóng đá, người mẹ đã đưa con mình đến gặp huấn luyện viên để đánh giá về khả năng của con. Sau khi quan sát, vị huấn luyện viên này nói rằng, cậu bé có nền tảng không tốt lắm, kỹ thuật đá bóng về cơ bản là con số 0, cần phải rèn luyện thêm để xem như thế nào chứ hiện tại cậu bé hoàn toàn không có năng khiếu.
Mặc dù người mẹ có đôi chút lo lắng nhưng cố vẫn khuyến khích con: "Huấn luyện viên nói rằng con là một cậu bé nghiêm túc, chăm chỉ. Tuy nhiên, con chưa thử đánh bóng bằng đầu, con có thể làm điều đó trong thời gian tới, nó có thể tạo ra nhiều bước tiến hơn cho con đấy".
Biết con trai mình có thể lực kém, không thể chạy đuổi kịp người khác và hay bị ngã khi chạy, người mẹ khuyến khích: “Không sao đâu, cứ tiếp tục và vượt qua người trước mặt con là được". Và rồi, một phép màu đã xuất hiện!
Đứa trẻ ban đầu có nguồn lực hạn chế được mẹ tin tưởng, động viên đã trở nên tự tin và nhiệt tình để theo đuổi đam mê. Trong trận chung kết, cậu bé đã làm rất tốt. Sau khi bị ngã, cậu bé nhanh chóng đứng dậy và đặt ra mục tiêu chỉ cần vượt qua người đứng phía trước mình. Cậu bé đã giành được 1 điểm với cú đánh đầu đẹp mắt và đảo ngược được tình thế cho đội nhà.
Người mẹ cuối cùng kết luận: "Tôi có thể không phải là người mẹ tốt nhất bởi vì tôi không muốn con tôi có được vị trí đầu tiên. Tôi chỉ hy vọng, nó có thể vượt qua chính mình, mỗi ngày, từng chút, từng chút một".
Trong một cuốn sách từng có câu: "Mỗi đứa trẻ là hạt giống của một loài hoa, nhưng thời kỳ ra hoa của mỗi người là khác nhau. Một số hoa nở rất rực rỡ vào lúc đầu, một số hoa cần phải chờ đợi thật lâu". Điều thực sự quyết định tương lai của một đứa trẻ không phải là điểm số mà chính là sự tự tin, kỷ luật, tự giác, sức mạnh tinh thần, sự kiên trì và tâm lý vững vàng.
Cha mẹ càng lo lắng, áp lực, con cái càng dễ bị tổn thương
Có một bà mẹ là giáo viên trường tiểu học trọng điểm ở Hàng Châu nên về nhà, cô cũng đặt lên vai con mình những tiêu chí về điểm số vô cùng khắt khe. Cô để nghị con phải "mãi mãi đạt được 100 điểm". Có một lần, con cô chỉ được 98 điểm, mẹ của bé đã tức giận: “Một nửa số trẻ trong lớp của mẹ đều đạt được 100 điểm, tại sao con lại không thể làm được".
Một lần khác, con của cô lại chỉ được 72 điểm và cô ấy thậm chí còn tức giận hơn thế nữa. Và rồi, điều tồi tệ cũng xảy đến. Đứa trẻ cảm thấy quá áp lực nên đã uống nửa chai thuốc ngủ để tự tử. May mắn là cậu bé đã được cấp cứu kịp thời.
Nhưng chính bản thân người mẹ cũng có bệnh. Chẩn đoán y khoa cho thấy rằng người mẹ này bị trầm cảm nặng. Bậc thầy về tâm lý đã từng nói: "Tác động tồi tệ nhất của cha mẹ đối với trẻ em chính là khiến trẻ em cảm thấy rằng chúng đã sống không đủ tốt".
Trong tương lai, chắc chắn đứa trẻ trên sẽ không ghi nhớ tình huống khi anh ta được 98 điểm hay 100 điểm nhưng mãi mãi sẽ ghi nhớ cái ngày được 72 điểm tồi tệ, ngày mà mẹ đã khiến cậu phải tìm đến cái chết. Cảm giác tội lỗi có thể khiến một đứa trẻ vô thức làm điều gì đó trái với ý muốn của mình.
Cha mẹ lo lắng, chán nản, đứa trẻ ắt bất hạnh
Mẹ của Qiao Yingzi là một người mẹ đơn thân, chính vì thế, cô mang rất nhiều kỳ vọng của mình đặt vào con. Cô bị ám ảnh bởi việc đã từng ly hôn và có sự nghiệp không thành công. Do đó, cô yêu cầu con phải thi đỗ Đại học Thanh Hoa. Trong tất cả các kỳ thi của con, cô luôn đặt ra tiêu chuẩn rất cao.
Một lần, Qiao Yingzi chỉ chiếm vị trí thứ hai và mẹ của cô bé nói rằng: "Chỉ đứng thứ 2 thì có cái gì vui vẻ không? Lần tới con cũng chỉ đứng thứ 2 thôi sao? Thế còn kỳ thi tuyển sinh đại học, làm sao con có thể đỗ được".
Kết quả là dưới sự khắc nghiệt của mẹ, Qiao Yingzi từ một cô bé sôi nổi, hay mỉm cười đã bị trầm cảm và đau đớn đến mức muốn nhảy xuống biển tự tử. Đứa trẻ là người tiếp nhận cảm xúc của cha mẹ. Khi cha mẹ buồn bã, trẻ sẽ ngay lập tức cảnh giác, sợ hãi. Khi cha mẹ vui vẻ, thoải mái, trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều.
Mọi đứa trẻ không thể bị đóng khung bởi điểm số cho cả cuộc đời
Điều quan trọng nhất đối với một đứa trẻ là gì: Là chúng được cho một môi trường lý tưởng để sống, để trở thành chính mình thay vì trở thành người mà bố mẹ chúng mong muốn. Mỗi đứa trẻ là một ngôi sao độc nhất trên bầu trời và có mặt lấp lánh riêng.
Chỉ hy vọng rằng, mỗi phụ huynh sẽ mang một đôi “mắt thần” và một trái tim bao dung để bỏ qua những sự hào nhoáng bởi điểm số để khai thác tài năng và cá tính riêng của con, biến con trở thành một ngôi sao lấp lánh.