Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh thường quan tâm đến sức khỏe thể chất của trẻ mà vô tình bỏ qua sức khỏe tinh thần.
Trên thực tế, tính cách của trẻ nói chung được hình thành trước khi lên 10 tuổi, và một số thói quen hàng ngày có thể có tác động tiêu cực đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Nếu trẻ thường xuyên có 3 biểu hiện này chứng tỏ trẻ tự ti, cha mẹ cần giúp đỡ kịp thời, cũng như có phương pháp giáo dục phù hợp, nhằm điều chỉnh cho con.
Trẻ thiếu quyết đoán, quá phụ thuộc vào người khác - "Con không làm được đâu, mẹ hãy giúp con đi"
Một số trẻ thiếu quyết đoán, phụ thuộc vào người khác thường sẽ ngại thử thách hoặc làm điều gì đó mới. Điều này có thể xuất phát từ việc bố mẹ quá bao bọc khiến trẻ trở nên ỷ lại, chỉ biết dựa dẫm, hay ngại ngần và dễ bỏ cuộc khi phải đối diện với khó khăn.
Nếu vẫn giữ tính cách này thì khi lớn lên trẻ sẽ khó thành công, vì con đường đạt được thành công đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực bằng năng lực của bản thân, không ngại thử thách.
Theo các chuyên gia, giai đoạn trẻ từ 3 đến 8 tuổi rất quan trọng, cần chú trọng trau dồi cho trẻ khả năng tư duy độc lập và tự học, nếu không khi bố mẹ thay trẻ quyết định mọi việc và trẻ sẽ quen với việc này. Trẻ sẽ ngày càng mất đi tính độc lập tư duy và khả năng suy nghĩ chủ động, rất bất lợi cho sự trưởng thành sau này của trẻ.
Lời khuyên dành cho bố mẹ là hãy rèn luyện tính tự lập cho trẻ, bắt đầu từ những việc nhỏ, từ việc giúp mẹ nhặt rau, giúp gia đình mua thức ăn...
Mỗi trẻ có thế mạnh riêng, vậy nên hãy giúp trẻ tăng cường sự tự tin, thường khen ngợi, tạo cơ hội để trẻ bộc lộ và tích cực hóa những kỳ vọng, giúp trẻ hiểu đúng những khuyết điểm của bản thân.
Trẻ trốn tránh trách nhiệm, thường đổ lỗi cho người khác - "Con không biết, đó không phải là việc của con"
Trường hợp này có thể xem xét ví dụ cụ thể một số trẻ phạm lỗi nhưng khi bị phát hiện thường sẽ đùng đẩy trách nhiệm cho anh, chị, em trong gia đình.
Chuyên gia phân tích, tinh thần trách nhiệm là nền tảng của nhân cách tốt của trẻ, lý do khiến trẻ không muốn chịu trách nhiệm là để tránh bị trừng phạt. Thực tế, tinh thần trách nhiệm của trẻ không phải tự dưng mà có, mà cần được trau dồi liên tục.
Đối với trẻ 3-4 tuổi, bố mẹ hãy sử dụng ngôn ngữ đơn giản và chính xác để nói với trẻ "Con hãy tự làm những việc cá nhân của mình nhé" hay "Sau khi vẽ xong con hãy tự đậy lại bút, dọn dẹp tập sách".
Đối với trẻ 5-6 tuổi, bố mẹ không nên sử dụng những mẫu câu mang tính mệnh lệnh như "Con phải" mà hãy sử dụng những mẫu câu tôn trọng như "Con có thể giúp mẹ được không"? để khơi dậy tinh thần trách nhiệm của trẻ.
Khi trẻ lớn hơn, có thể đưa con tham gia lao động gia đình, sinh hoạt tập thể, khuyến khích con tham gia các hoạt động phúc lợi công cộng,… đều có lợi cho việc trau dồi tinh thần trách nhiệm.
Hãy giáo dục con trẻ trở thành người có tính trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ, vì đây sẽ là nền tảng giúp con thêm trưởng thành, tự lập trong tương lai.
Trẻ được giáo dục tốt, có ý thức trách nhiệm quan tâm đến mọi người xung quanh thường sẽ biết cách tự chăm sóc bản thân và lo lắng cho người khác. Khi lớn lên, trẻ cũng ý thức được trách nhiệm của mình khi làm việc, có tính kỷ luật cao và năng suất làm việc cũng hiệu quả hơn rất nhiều.
Nhờ sự chăm chỉ và tính trách nhiệm, công việc dễ suôn sẻ và trẻ cũng sẽ được nhiều người xung quanh yêu quý, giúp đỡ.
Trẻ làm những việc nửa chừng, thường xuyên trì hoãn - "Con không muốn dọn dẹp đồ chơi nữa, ngày mai con sẽ dọn tiếp"
Nếu trẻ giữ thói quen này, lâu dần sẽ vô tình đẩy mình vào thế tiến thoái lưỡng nan nếu chẳng may có những vấn đề bất ngờ phát sinh. Khi trẻ thường xuyên trì hoãn, trẻ sẽ phải hoàn thành công việc một cách vội vã và không đầy đủ, chất lượng học tập hay công việc sau này sẽ bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia cho biết, thói quen này xuất phát một phần từ việc trẻ thiếu tập trung, sự tập trung vốn là một bản năng tự nhiên mà trẻ có được trong quá trình lớn lên, nhưng trong quá trình nuôi dưỡng, yếu tố này có thể sẽ dần mất đi.
Trong quá trình phát triển, trẻ thường bị tác động từ những xáo trộn trong gia đình, chẳng hạn như quan điểm giáo dục của bố mẹ, ông bà không thống nhất sẽ dẫn đến trẻ rối loạn nhận thức, thiếu tập trung.
Khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ hãy chuẩn bị những đồ chơi có thể khơi dậy trí tò mò và tinh thần khám phá của trẻ, để rèn luyện khả năng tập trung của trẻ, có thể sử dụng sở thích và cảm xúc của trẻ để nuôi dưỡng sự chú ý cho con.