Các chuyên gia sản khoa khuyến cáo độ tuổi "vàng" sinh nở của phụ nữ là 20-35 tuổi. Tuy nhiên phụ nữ ngày nay thường có xu hướng kết hôn và sinh con ngày càng muộn vì muốn xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc hay đảm bảo công việc không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên nếu bạn thuộc 4 trường hợp phụ nữ dưới đây, bác sĩ sẽ khuyên nên "thả" sớm để có con trước tuổi 30 vì sau đó cơ hội thụ thai thành công sẽ ngày càng giảm dần.
Phụ nữ đã nạo, hút thai
Mặc dù các biện pháp tránh thai hiện nay là toàn diện nhưng xét cho cùng thì các biện pháp này không phải 100%. Trong số đó, một số người phụ nữ đã mang thai ngoài ý muốn và lựa chọn nạo, hút thai vì không có dự định sinh con. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp mẹ buộc phải bỏ thai do gặp các biến chứng trong giai đoạn đầu thai kỳ.
Những người từng trải qua thủ thuật ở tử cung nên có con sớm, khi sức khỏe ổn định. (Ảnh minh họa)
Dù vì lý do gì thì những thủ thuật này cũng có ảnh hưởng đến các cơ quan sinh sản của người phụ nữ. Càng nạo, hút nhiều lần thì thành tử cung sẽ càng mỏng đi khiến phôi khó làm tổ hơn. Vì vậy, phụ nữ đã từng nạo, hút thai cần sinh con sớm sau khi sức khỏe đã hồi phục. Đồng thời trước khi có ý định mang thai, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe và nghe tư vấn từ bác sĩ để đảm bảo có thể mang bầu an toàn.
Người yếu ớt, thể lực kém
Phụ nữ có thể lực kém, mắc các bệnh nền, bệnh bẩm sinh cần mang thai nên sinh nở càng sớm càng tốt. Mang thai ở độ tuổi cao khiến nguy cơ mắc các biến chứng của họ càng cao hơn. Cùng với đó trước khi mang thai, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa vì có những căn bệnh sẽ tiến triển nhanh và nguy hiểm hơn nếu người phụ nữ mang bầu.
Phụ nữ thường xuyên phải làm thêm giờ
Thức quá khuya, thời gian nghỉ ngơi, làm việc không đều đặn dễ dẫn đến suy nhược tinh thần, rối loạn nội tiết tố, không có lợi cho việc thụ thai. Bên cạnh đó, thói quen chung của những người thường xuyên làm thêm giờ là uống trà, cà phê cũng không tốt cho nội tiết tố người phụ nữ.
Nếu những phụ nữ như vậy sinh con quá muộn, họ sẽ dễ bị căng thẳng quá mức khi mang thai hoặc đơn giản là rối loạn nội tiết tố, không thể thụ thai.
Những người thường xuyên làm việc căng thẳng, nhiều giờ cũng làm giảm khả năng thụ thai. (Ảnh minh họa)
Người làm việc ở môi trường độc hại
Những người làm việc thường xuyên ở môi trường độc hại, tiếp xúc liên tục với hóa chất, vi khuẩn, phóng xạ thì dù có áp dụng đầy đủ các biện pháp bảo hộ nhưng vẫn có thể bị nhiễm độc, bị tổn thương do tia xạ.
Vì vậy, những người phụ nữ như vậy được khuyên nên có con sớm, tránh tình trạng khó thụ thai khi cơ thể bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường làm việc.
Một số biện pháp giúp tăng khả năng thụ thai chị em có thể tham khảo:
- Theo dõi chu kỳ rụng trứng qua từng tháng hoặc bằng que thử rụng trứng với những người có chu kỳ không đều. Quan hệ đều đặn xung quanh thời gian rụng trứng sẽ giúp tăng cao khả năng thụ thai thành công.
- Duy trì cân nặng trong mức tiêu chuẩn: Thừa cân làm giảm khả năng thụ thai nhưng nhẹ cân cũng sẽ làm việc có con trở nên khó khăn hơn.
- Bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết giúp cơ thể khỏe mạnh, nội tiết tố ổn định.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn đa dạng những thực phẩm lành mạnh tức là bổ sung đầy đủ các loại rau xanh, hoa quả, thịt nạc, các loại ngũ cốc, các chế phẩm từ sữa và chất béo nguồn gốc từ thực vật. Cắt bỏ các thực phẩm có caffein, rượu bia và chất kích thích.
- Tạo lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc và hạn chế tập luyện với cường độ cao.