Sau khi ly hôn, mối quan hệ của Quang Dũng và Hoa hậu Jennifer Phạm từng có khoảng thời gian bất hòa khiến nhiều người lo lắng về cuộc sống của bé Bảo Nam - con chung của hai người. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, sau hơn 10 năm, Quang Dũng từng tiết lộ cả hai đều đã hòa thuận, như hai người bạn hậu ly hôn.
Minh chứng cho điều đó trong một lần gần đây nhất khi Quang Dũng đăng tải một bức ảnh anh chụp cùng con trai Bảo Nam khi một lần hai cha con gặp gỡ để bày tỏ nỗi nhớ: "Có bạn nhâm nhi lúc về chiều - nhớ bạn". Vợ cũ Jennifer Phạm cũng đã nhanh chóng có động thái trước bức ảnh chồng cũ Quang Dũng và con trai của cô.
Trong khi nhiều người khen ngợi bé Bảo Nam ngày càng lớn bảnh bao, là "bản sao đẹp trai" y đúc bố thì bà mẹ nhiều con Jennifer Phạm nhẹ nhàng khuyên chồng cũ nếu có nhớ con thì hãy đi gặp, cô còn tiết lộ con trai hiện tại rất cao lớn.
"Bay về bển với bạn ý đi. hihi, tửu lượng chưa biết thế nào chứ cao to hơn Ba Dũng là cái chắc rồi nha" - Jennifer Phạm nói. Đáp lại lời khuyên này của vợ cũ, nam ca sĩ Quang Dũng cũng vui vẻ nói rằng "Sắp rồi, tửu lượng thì không cho phép bằng ba đâu nha".
Quang Dũng và vợ cũ bình luận vui vẻ với nhau về con trai.
Bức ảnh khiến nhiều người khen ngợi hai cha con Quang Dũng đẹp trai như nhau.
Việc trò chuyện qua lại thoải mái của Quang Dũng - Jennifer Phạm về con trai Bảo Nam đã cho thấy thực sự cả hai hoàn toàn bình ổn, vui vẻ. Và có lẽ mối quan hệ bạn bè này giữa hai người đã khiến người hâm mộ và nhiều bạn bè của Jennifer, Quang Dũng sẽ cảm thấy rất vui vì cả hai đã hoàn toàn chung tay vun đắp cho cuộc sống tương lai của con trai Bảo Nam.
Trước đó, chính bản thân Quang Dũng cũng tiết lộ chuyện anh và vợ cũ thường xuyên bàn bạc với nhau những chuyện liên quan đến con trai. "Cái gì chúng tôi cũng gọi cho nhau, ví dụ cần mua sắm gì hay học hành của con cũng trao đổi với nhau” - Quang Dũng nói.
Cặp bố mẹ hòa thuận để cùng nhau nuôi dạy con trai.
Ngoài ra, trong một chương trình truyền hình, khi nhắc đến con trai Bảo Nam, Quang Dũng vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu được bế bé từ phòng sinh ra ngoài, đó là một cảm xúc không thể nào diễn tả được, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời người; rồi tình thương, niềm hạnh phúc đó được nhân lên khi được nhìn con khôn lớn từng ngày.
Anh cũng khẳng định vẫn thường xuyên qua lại và gặp gỡ cậu nhóc. “Bây giờ, tôi sống 6 tháng ở Việt Nam, 6 tháng ở Mỹ. Ở Mỹ, tôi ở cùng con trai. Lúc trước tôi sợ nhất là Bảo Nam không nói được tiếng Việt, tôi sợ điều đó kinh khủng vì con là người Việt mà không nói được tiếng Việt.
Nhưng may thay, tôi đã thuyết phục được con về Việt Nam học tiếng Việt. Học tiếng Việt được hơn 1 năm ở Việt Nam, bé xin cho trở về Mỹ. Có lẽ do không thích nghi được vì sinh ra, lớn lên ở Mỹ”.
Bảo Nam lớn phổng phao tuổi 13 và cực giống bố.
Hai cha con Quang Dũng thường xuyên nhắn tin bằng tiếng Việt với nhau, có những sở thích giống nhau như ăn uống, sở thích, kiểu dáng, điệu bộ, tất cả đều như khuôn đúc.
Con trai đang ở độ tuổi mới lớn, điều này khiến Quang Dũng cũng khá lo lắng. “Con tôi rất hiền, tôi sợ con vào trường bị ăn hiếp. Quan trọng nhất là con rất chịu cởi mở, chia sẻ với tôi. Nhiều khi bé không kể với ai nhưng lại kể với bà ngoại, gần bà ngoại nên hai bà cháu rất hay tâm sự với nhau, tôi rất an lòng”.
Hai cha con thường xuyên gặp nhau ở Mỹ.
Cách chăm sóc, nuôi dạy con sau khi ly hôn Theo GS.TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, Chủ nhiệm bộ môn Công tác xã hội Trường Đại học Thăng Long, hiện nay có rất nhiều cặp vợ chồng ít học kiến thức về văn hóa gia đình, hứng lên thì cưới có con, giận thì ly hôn mà không biết rằng trong hôn nhân ngoài tình còn nghĩa và trách nhiệm, đặc biệt đối với con cái. Sau ly hôn, cần phải hiểu nỗi đau của trẻ và hợp tác trong nuôi dạy chúng để chúng bớt tổn thương. Chính quyền, đoàn thể, nhân viên công tác xã hội cần chú ý giúp đỡ cho các gia đình này. Bố mẹ cần quan tâm, chăm sóc con, giáo dục lối sống lành mạnh cho con giống như lúc vẫn ở với nhau. Bố mẹ đừng giáo dục con thù hằn mà phải giáo dục tình thương yêu, cảm thông với bố mẹ và những người khác. "Theo các nghiên cứu của chúng tôi, ở Việt Nam, ly hôn để lại hậu quả lớn nhất, đau thương nhất cho trẻ em bởi cách mà cặp đôi ly hôn và cách mà Tòa án xử ly hôn. Khi yêu thì anh/em không thể sống thiếu em/anh nhưng khi ly hôn thì họ coi nhau như kẻ thù thậm chí phải triệt hạ làm cho nhau càng đau khổ càng tốt. Hai loại “vũ khí” mà họ thường dùng trong những trường hợp này là con cái và của cải. Tòa án xử ly hôn cũng chưa thật phù hợp, thiếu chất Xã hội học. Chẳng hạn cần phải xem xét các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng của người được nuôi trẻ và sự đóng góp của người còn lại. Rất nhiều vụ án Tòa xử cho mẹ nuôi con, bố đóng góp nhưng hầu hết những người chồng không thi hành án vì họ còn bận lo cho gia đình mới của họ. Hậu quả là mẹ con phải sống trong nghèo khổ, thiếu thốn. Nhiều người mẹ đã trả đũa bằng cách nói xấu và không cho con gặp mặt bố và không thiếu những trường hợp người bố cũng hành xử như vậy với người mẹ khi anh ta được quyền nuôi con. Họ không biết rằng cách hành xử thiếu văn hóa và nhẫn tâm của họ đã làm cho con cái họ vô cùng tổn thương. Trẻ em là giai đoạn non nớt của con người, cần một mái ấm gia đình che chở, cần sự đồng thuận của cha mẹ để được tự do học hành, ăn chơi, ngủ nghỉ, để lớn lên, trưởng thành cả về mặt nhân cách lẫn thân thể. Vì vậy khi Tòa hỏi “Con muốn ở với ai?” thì 100% trẻ đều khóc lóc và nói “Con muốn ở với cả hai”. Đó là nguyện vọng rất chính đáng nhưng chúng đành bất lực trước quyết định ly hôn của bố mẹ. Điều đó có nghĩa là môi trường gia đình hay hệ thống sinh thái cũ của chúng đang tan vỡ" - bà nói. |