Trẻ em thật sự nhạy cảm hơn chúng ta tưởng, chúng ghi nhớ rất lâu những lời nói của bố mẹ, những từ ngữ này không đơn giản là chỉ làm trẻ sợ mà đôi lúc làm con mất tự tin, lo lắng, khiến trẻ mất niềm tin, tự ti về bản thân mình và có nguy cơ hủy hoại mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, hay lâu dần có thể để lại “vết sẹo” trong tâm hồn trẻ.
Dưới đây là một số câu nói “cửa miệng” mà bố mẹ thường buông ra trong lúc nóng giận, vô tình làm tổn thương đến tâm lý và tình cảm của trẻ.
1. So sánh con với người khác
Hầu hết bố mẹ nào cũng đã từng ít nhất một lần so sánh con với người khác, dù là vô tình hay cố ý. Trường hợp phổ biến nhất là bố mẹ thường xuyên so sánh con với bạn bè hay các anh chị em trong gia đình, điều này vô tình khiến con tự ti và mặc định rằng mình là kẻ thất bại.
Việc so sánh này để lại hệ lụy vô cùng lớn. Bị so sánh với các anh chị em khác trong gia đình sẽ khiến trẻ cảm thấy bản thân mình không được yêu thương, không được đối xử công bằng, trong khi đó người còn lại sẽ phải chịu gánh nặng để trở thành một người lý tưởng, và phải làm mọi thứ để duy trì vị trí đó. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể làm rạn nứt tình cảm anh chị em trong gia đình, tệ hơn là trẻ sẽ có xu hướng trầm cảm khi lớn lên.
Hầu hết bố mẹ nào cũng đã từng ít nhất một lần so sánh con với người khác, dù là vô tình hay cố ý.
2. Phớt lờ cảm xúc của con
Một trong những sai lầm khác mà bố mẹ mắc phải là không xem trọng cảm xúc của trẻ, ví dụ trong tình huống món đồ chơi yêu thích của trẻ bị hỏng, việc này có thể khiến trẻ cảm thấy buồn bã cả ngày, nhưng không nhiều bố mẹ quan tâm đến điều này, thậm chí cho rằng suy nghĩ của trẻ quá nông cạn. Trong những tình huống như thế này, trẻ thường có xu hướng kìm nén nỗi buồn, vì không đủ khả năng nhận biết được chính xác cảm xúc của mình là gì, trẻ không hình dung được vấn đề, vậy nên không thể nói ra hay san sẻ với bố mẹ.
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, khi trưởng thành, trẻ thường có xu hướng không tin vào những cảm xúc của mình, cảm thấy xấu hổ hoặc bế tắc, bối rối giữa cảm xúc và lí trí, đồng thời không tìm ra hướng giải quyết những vấn đề khó khăn mà chúng gặp phải, thậm chí trẻ có thể mắc chứng trầm cảm.
Khi bị bố mẹ phớt lờ cảm xúc, trẻ thường có xu hướng kìm nén nỗi buồn.
3. Thất hứa với con
Thực chất trẻ con có trí nhớ rất tuyệt vời, chúng thường ghi nhớ những lời nói của bố mẹ đặc biệt là lời hứa, nhưng người lớn thì ngược lại, đôi khi để tránh nhận trách nhiệm về lời hứa mà bố mẹ thường phớt lờ nó, và cho rằng trẻ sẽ quên đi.
Nếu trẻ phát hiện bố mẹ thất hứa, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng, lòng tin và sự kính trọng bố mẹ trong trẻ sẽ giảm đi, hoặc học theo cách mà bố mẹ đã làm. Điều này lâu dần có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm và trong trường hợp nghiêm trọng là rối loạn tâm thần ở trẻ.
Đôi khi, vì một lý do chính đáng nào đó, bố mẹ không thể giữ lời hứa với con, nhưng hãy cố gắng hạn chế ở mức thấp nhất.
Nếu trẻ phát hiện bố mẹ thất hứa, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng, lòng tin và sự kính trong bố mẹ trong trẻ sẽ giảm đi.
4. Yêu con nhưng có điều kiện
Trong trường hợp này, nguyên nhân chính là do bố mẹ đặt sự kỳ vọng quá cao về con, vì muốn thúc đẩy con tiến về phía trước mà vô tình tạo ra điều kiện rằng nếu con muốn có được sự yêu mến của ai đó thì phải trở nên ưu tú hay “Bố mẹ chỉ yêu con khi con hoàn hảo”.
Điều này sẽ tạo ra hệ quả tiêu cực với trẻ, lâu dần trẻ sẽ hình thành tư tưởng rằng bản thân sẽ không được yêu mến nếu không có thành quả, hay mình luôn thua kém bạn bè, hoặc không xứng đáng để bố mẹ yêu thương.
Nguyên nhân chính trong trường hợp này là do bố mẹ đặt sự kỳ vọng quá cao về con.
5. Không tin tưởng vào năng lực của con
Đối với trường hợp này, bố mẹ thường mong muốn trẻ có thể làm được nhiều điều cùng một lúc và đặt kỳ vọng cao về nó, nhưng sau đó nếu trẻ thất bại bố mẹ lại cho rằng nguyên nhân chính là do trẻ không biết cố gắng. Điều này không giúp một đứa trẻ cố gắng hơn mà có tác dụng ngược lại, bố mẹ càng ép con làm nhiều điều nhưng không đặt niềm tin vào trẻ thì khả năng từ bỏ càng cao.
Những câu nói như “Tại sao con không thể làm tốt hơn” sẽ khiến trẻ mất niềm tin vào chính mình vì không được ai tin tưởng. Khi cha mẹ mất niềm tin vào con sẽ kiến con đánh mất sự tự tin của bản thân. Không những thế, điều này còn khiến trẻ có suy nghĩ rằng con không thể làm được điều gì để bố mẹ tự hào.
Những câu nói như “tại sao con không thể làm tốt hơn” sẽ khiến trẻ mất niềm tin vào chính mình vì không được ai tin tưởng.
6. Chê bai khiếm khuyết của con
Bố mẹ cũng cho rằng chỉ ra mặt xấu của trẻ, sẽ giúp trẻ hiểu được khiếm khuyết và từ đó có ý chí mạnh mẽ để phấn đấu trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng thực chất đây được xem là một hành vi bắt nạt, vì trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, chưa đủ nhận thức để hiểu hết ý nghĩa trong lời nói của bố mẹ, vậy nên những câu nói như “Tại sao điều đó luôn khó khăn với con” không chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, mà còn khiến trẻ trở nên ương bướng, khó chỉ bảo hơn. Những câu nói này cũng có thể dẫn đến các vấn đề về tâm thần hoặc rối loạn ăn uống ở trẻ.
Chê bai và cho rằng con thấp kém là điều bố mẹ không nên làm.
7. Làm cho trẻ cảm thấy như đang mắc nợ bố mẹ
Chắc chắn, bố mẹ thường sẽ từ bỏ sở thích hay một đam mê nào đó của bản thân để dành thời gian chăm sóc con cái, nhưng thực chất đây là sự lựa chọn của bố mẹ, trẻ không đáng phải chịu những cảm xúc tiêu cực từ bố mẹ. Nếu bố mẹ nhắc đi nhắc lại nhiều lần với con về điều này lâu dần trẻ sẽ sinh ra cảm giác tội lỗi, có thể gây ra các chứng rối loạn thần kinh, hay ám ảnh cưỡng chế ở trẻ.
Bố mẹ tạo áp lực hay cố tình đổ lỗi cho trẻ lâu dần sẽ khiến trẻ tạo ra những cảm xúc tiêu cực.
Trẻ con giống như một tờ giấy trắng và nó chính là tấm gương phản chiếu của bố mẹ, vậy nên bố mẹ hãy hạn chế những tình huống nóng giận hay buông những câu nói làm tổn thương đến tâm hồn của trẻ, hãy giúp trẻ sống và phát triển cảm xúc tự nhiên.