Trong mắt nhiều cánh mày râu, sinh con là trách nhiệm và bổn phận của người phụ nữ. Tuy quá trình này được so sánh như bước một chân vào quỷ môn quan nhưng không ít ông chồng vẫn coi việc đó nhẹ tựa lông hồng, dù có đau đớn nhưng chẳng phải là vấn đề lớn gì.
Đối với người phụ nữ, họ không chịu phải nỗi đau thể xác khi “vượt cạn” mà còn có nguy cơ bị trầm cảm sau khi sinh. Nếu không được những người thân yêu cảm thông, chăm sóc chu đáo thì quả thật là cực hình. Đối với người phụ nữ Trung Quốc này, chị phải trải qua một tháng đau khổ cả về thể xác lẫn tâm lý sau khi sinh con.
Vào hồi đầu tháng 1, một người đàn ông họ Trần sống ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang đã nhờ phóng viên can thiệp, yêu cầu bệnh viện bồi thường cho người vợ sau sinh của mình. Anh Trần cho biết, vào cuối tháng 11/2020, anh đưa vợ nhập viện vì có dấu hiệu sinh con và tới ngày 1/12/2020, đứa trẻ chào đời khỏe mạnh theo phương pháp sinh mổ.
Vợ anh Trần đã sinh con theo phương pháp sinh mổ.
Tuy nhiên, sau khi sinh con, vợ của anh liên tục kêu đau ngực. Theo lời sản phụ, trong quá trình mổ, dù được các bác sĩ gây mê nửa người, nhưng khi bị ép vào ngực, chị vẫn có cảm giác đau. Anh Trần vô cùng lo lắng cho tình trạng của vợ, lập tức nói lại với bác sĩ.
Vào ngày 4/12, các bác sĩ sắp xếp cho sản phụ đi chụp phim để kiểm tra. Sau khi có kết quả, bác sĩ nói rằng không có vấn đề gì cả, đây chỉ là chấn thương bình thường trong khi sinh nở và sẽ ổn sau một thời gian.
Anh Trần và vợ đều tin lời bác sĩ nên đồng ý xuất viện về nhà. Trong thời gian ở cữ, cơn đau ngực vẫn không hề thuyên giảm, thậm chí nhiều lần sản phụ còn đau tới mức phát khóc. Thế nhưng, người chồng lại không tin điều đó, cho rằng vợ mắc bệnh "tiểu thư", làm quá mọi việc lên, đau một chút cũng không chịu được.
Cuối cùng, thấy vợ ngày càng kêu ca, tới ngày 2/1 (tức 1 tháng sau khi sinh), anh Trần quyết định đưa vợ tới bệnh viện thăm khám. Kết quả cho thấy vợ của anh bị gãy tới 3 cái xương sườn. “Nếu chúng tôi biết cô ấy bị gãy xương sườn, chúng tôi đã không để cô ấy ở nhà như vậy”, người chồng hối hận nói.
Vợ bị gãy 3 cái xương sườn sau sinh, anh Trần tìm tới sự giúp đỡ của phóng viên để yêu cầu bệnh viện bồi thường.
Anh Trần tin rằng việc chẩn đoán sai của bệnh viện khiến việc điều trị của vợ anh bị trì hoãn và khiến anh hiểu lầm vợ. Sau khi tìm hiểu sự việc, phóng viên đã liên hệ với bác sĩ chăm sóc trực tiếp cho sản phụ.
Bác sĩ cho biết, con của anh Trần khá lớn, nặng tới 4kg nên ngay cả khi phẫu thuật cũng đòi hỏi phải dùng lực để ấn vào tử cung. Có lẽ trong quá trình này các nhân viên y tế đã làm gãy xương sườn của sản phụ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp gãy xương sườn ban đầu đều không có dấu hiệu rõ ràng, ngay cả chụp CT cũng rất khó phát hiện. Hầu hết các mô sẹo được hình thành nửa tháng sau khi gãy xương và chỉ có thể được phát hiện sau khi tái khám.
Bệnh viện đã thừa nhận sai lầm và chịu trách nhiệm, sẵn sàng hỗ trợ mọi phương pháp điều trị cho vợ anh Trần. Về việc bồi thường, bệnh viện và gia đình bệnh nhân đang đàm phán.
Những tai biến có thể xảy ra khi sinh mổ
Thực tế, những trường hợp gãy xương khi sinh mổ như bà mẹ trên khá hy hữu. Vậy nhưng trong quá trình sinh mổ, mẹ vẫn có thể phải đối mặt với những tai biến sau:
- Nhiễm trùng: có thể bị nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi.
- Tai biến do phẫu thuật như chạm phải các cơ quan lân cận (bàng quang, ruột), khâu phải niệu quản, rò bàng quang – tử cung/âm đạo.
- Chảy máu nhiều, băng huyết trong hay sau mổ do đờ tử cung; chảy máu do rách đoạn dưới tử cung.
- Liệt ruột.
- Bung vết mổ, thoát vị thành bụng.
- Xuất huyết nội.
- Thuyên tắc tĩnh mạch, huyết khối.
- Các tai biến do gây mê, hồi sức.