Sau bố mẹ, ông bà là người gần gũi và thương yêu cháu nhất. Mặc dù quan điểm nuôi dạy của ông bà có phần khác với bố mẹ, nhưng tựu chung họ đều mong muốn có thể mang đến những điều tốt đẹp nhất cho các cháu của mình.
Từ khi sinh cậu quý tử đầu lòng cho đến nay đã có đủ nếp tẻ, bà ngoại vẫn luôn là người hỗ trợ vợ chồng tôi chăm các cháu. Dịp nghỉ hè này tôi đưa 2 con về quê chơi với ông bà, gửi các cháu ở lại cho ông bà chăm sóc còn vợ chồng trở lại thành phố tiếp tục công việc.
Ảnh minh hoạ
Vì được bà ngoại chăm bẵm từ nhỏ nên các con tôi cực kỳ thích ở với bà, chứ không có kiểu suốt ngày bám bố mẹ, không thể xa bố mẹ như một số trẻ khác. Mỗi ngày vợ chồng tôi đều điện thoại hỏi thăm tình hình các con ở quê, có vẻ ông bà đã chăm sóc 2 cháu rất cẩn thận nên mọi chuyện vẫn tốt và không có vấn đề gì xảy ra với các bé cả.
Tuy nhiên 1 tuần sau đó, bà ngoại của tụi nhỏ đã gọi cho tôi và thuật lại một câu chuyện khiến tôi nghe xong không thể nhịn được cười, còn bà thì vẫn chưa hết điếng người. Cụ thể mẹ ruột của tôi đã kể rằng, hôm đó sau khi đưa 2 cháu đi chơi công viên ở gần nhà trở về, trong khi cháu trai vẫn tỏ ra vui vẻ thì cô cháu gái lại thể hiện rõ sự lo lắng trên gương mặt.
Sợ đứa trẻ đang gặp vấn đề gì về sức khoẻ nên bà ngoại đã dỗ dành hỏi chuyện, đến khi nghe cháu gái nói rằng dạo gần đây "luôn có người theo dõi con" thì mới tá hoả. Tưởng cháu gái nói đùa nên bà đã hỏi lại nhiều lần để xác nhận, nhưng câu trả lời vẫn là một, và đứa trẻ còn nói rất chắc nịch nên muốn không tin cũng khó. Nghĩ cháu gái đang bị ai đó có ý đồ xấu nên bà ngoại vô cùng lo lắng, hoảng loạn, nhưng sau khi tìm hiểu nguyên nhân thì mới "dở khóc dở cười".
Ảnh minh hoạ
Hoá ra chẳng có ai ở đây theo dõi con bé cả, thứ đứa trẻ đang nhìn thấy chính là cái bóng của mình. Tuy nhiên vì còn nhỏ nên cháu gái chưa hiểu rõ về điều này, do đó mới dẫn đến tình huống "cười ra nước mắt" như trên. Sau khi sự thật lộ diện, bà ngoại mới vỡ lẽ nhưng cũng được một phen "hú hồn hú vía" với cô cháu gái của mình.
Ngay tối hôm đó sau khi nghe mẹ kể câu chuyện về con gái, tôi đã điện video cho nàng công chúa nhỏ để giải thích, dạy cho con hiểu về hiện tượng cái bóng mà con đã nhìn thấy. Kể từ đó, đứa trẻ không còn sợ hãi nữa.
Không chỉ riêng gia đình tôi mà hẳn các bố mẹ khác cũng đã từng trải qua tình huống hài hước tương tự như này nhỉ, chả có gì lạ vì trẻ nhỏ luôn biết cách tạo ra những "bất ngờ" khiến người lớn không bao giờ ngờ đến, đúng không...
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Cha mẹ nên làm gì khi con sợ hãi?
Chúng ta đều biết mỗi người luôn có những nỗi sợ hãi của riêng mình. Thế nhưng, khi nghe trẻ nói về sự sợ hãi mà con đang trải qua thì có một vài ông bố bà mẹ lại cười phá lên, thậm chí trêu chọc hoặc gạt đi “Có gì mà phải sợ".
Điều này sẽ khiến trẻ càng thêm sợ hãi vì không có ai ở bên cạnh bảo vệ, đồng thời cảm thấy bản thân thật tệ vì "có thế mà cũng sợ". Sự tổn thương về tâm lý này sẽ khiến con ngày càng khép kín và xa cách với cha mẹ. Do đó, thay vì cười nhạo con, các cha mẹ nên:
1. Đồng cảm với nỗi sợ hãi của trẻ
Con người có cảm xúc sợ hãi là điều hết sức bình thường, bởi thực tế không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng cảm thấy sợ hãi trước những điều mình chưa biết. Vì vậy, khi trẻ tỏ ra sợ sệt, muốn được cha mẹ bảo vệ thì bạn hãy kiên nhẫn xoa dịu cảm xúc của con, và từ từ hướng dẫn con nói về nguyên nhân gây nên nỗi sợ này.
Và cho dù nỗi sợ của trẻ bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt, vớ vẫn, viễn vông thì bạn vẫn không nên chê bai con là đứa rụt rè, nhút nhát. Vì nếu bạn nói như thế, trẻ sẽ bất an hơn và sợ hãi hơn.
2. Không hù dọa trẻ
Hù dọa cho con sợ như "không ăn là sẽ gọi chú công an" hay "không ngủ là ông kẹ bắt”... là "đặc sản chung" của các cha mẹ. Song, ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ vẫn chưa phân biệt được đâu là thực tế, đâu là mộng ảo nên bé sẽ xem tất cả những lời nói đó là sự thật. Từ đó, trong tâm trí của con sẽ hình thành nên nỗi sợ hãi. Thế nên, cha mẹ tuyệt đối không nên hù dọa con.
3. Cha mẹ có thể cho con khám phá điều khiến con sợ hãi
Một số trẻ sợ côn trùng, một số trẻ sợ bóng tối,... Điều này chứng tỏ nỗi sợ của mỗi người là khác nhau. Và để có thể đánh tan được sự lo lắng sợ hãi này, cha mẹ có thể cùng con khám phá thứ làm con sợ.
Ví dụ như cả nhà đi ngắm đàn kiến tha mồi về tổ, ngắm ốc sên chậm rãi bò lên cây, chơi trò tắt đèn, hay chơi trò bóng tối để trẻ từng bước từng bước chế ngự được nỗi sợ của bản thân. Vì suy cho cùng, khi đi biết sự vật sự việc đó là gì, hay biết mình hoàn toàn có thể làm chủ được nó thì trẻ sẽ không còn sợ hãi nữa.