Theo bác sĩ Song Yulei, một bác sĩ tại Đơn vị chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Nhi đồng Hồ Nam, cha mẹ của Tiantian đã cho cô bé tập bơi ở nhà với phao bơi quanh cổ. Khi Tiantian vừa bơi xong, trên cổ có những vết hằn nhưng do Tiantian không có phản ứng gì bất thường nên phụ huynh cho rằng con đang ngủ nên không để ý.
Mãi đến 2 tiếng sau, khi cha của bé gái trở về nhà, thấy con tím tái và không quấy khóc, gia đình mới nhận ra sự bất thường và khẩn trương đưa con đi khám. Đứa trẻ sau đó được chuyển đến bệnh viện nhi Hồ Nam để điều trị.
Bé sơ sinh 1 tháng tuổi được mẹ và bà cho tập bơi tại nhà bằng phao đỡ cổ. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Song Yulei cho biết: "Các chỉ số đều bất thường, nội tạng bị tổn thương nghiêm trọng. Khi đứa trẻ được đưa đến thì toàn thân nổi đốm xuất huyết, chân tay lạnh buốt. Điều này cho thấy đó là biểu hiện của DIC, lúc đó huyết áp không duy trì được. DIC là giai đoạn cuối của sốc sau ngạt. Rất khó để thay đổi".
Bác sĩ Song Yulei nói rằng do tình trạng thiếu oxy trong thời gian dài đã gây ra tổn thương não nghiêm trọng và không thể phục hồi. Bé gái không may tử vong sau đó.
Bé gái đã tử vong vì thiếu oxy lên não trong thời gian dài.
Thực tế, tai nạn đau xót như vậy không phải lần đầu tiên. Vào ngày 5/9/2017, Bệnh viện tỉnh Phúc Kiến tiếp nhận một em bé 9 tháng tuổi bị chết đuối. Trước đó, bố mẹ đeo phao bơi cho bé và để con thả nổi trong bể bơi bơm hơi tại nhà. Nhưng khi bố mẹ không để ý, phao bơi bị lật úp khiến bé bị đuối nước. Đứa trẻ sau đó đã được đưa tới viện cấp cứu.
Bác sĩ nhắc nhở đối với trẻ một tháng tuổi thì không nên đeo phao bơi ở cổ khi đi bơi. Vì phao bơi ở cổ không chỉ dễ làm xước da cổ mà còn dễ làm tổn thương cột sống cổ còn non nớt của trẻ. Đồng thời, nếu phao bơi quá chặt có thể chèn ép khí quản gây ngạt thở, chèn ép xoang động mạch cảnh khiến nhịp tim chậm lại, thậm chí sốc, nếu lỏng quá có thể khiến đầu bị trượt ra ngoài gây chết đuối.
Bác sĩ Song Yulei cảnh báo những rủi ro khi dùng phao đỡ cổ cho trẻ tập bơi.
Chuyên gia cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn khi dùng phao bơi đỡ cổ
Tập bơi cho bé ngay từ nhỏ là tốt nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn. Vì vậy, việc lựa chọn nhiều loại thiết bị cần thiết cho bé ở các giai đoạn bơi khác nhau đã trở thành ưu tiên hàng đầu, chẳng hạn như phao bơi. Hiện phao bơi đỡ cổ được không ít cha mẹ sử dụng cho các bé sơ sinh để tập bơi nhưng một số chuyên gia không ủng hộ điều này.
Sarah Denny, bác sĩ nhi khoa tại khoa cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Nationwide, Columbus, Ohio (Mỹ) cho biết: “Phao đỡ cổ có thể mang lại cho cha mẹ cảm giác an toàn sai lầm - trẻ em có thể trượt qua và chết đuối. Đây không phải là thiết bị nổi được Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ chấp thuận.”
Bác sĩ Denny cũng là thành viên của ủy ban điều hành Hội đồng Phòng chống Thương tích, Bạo lực và Chất độc của Học viện Nhi khoa Mỹ cũng cho biết loại phao này cũng có thể gây áp lực vào cổ em bé, có thể gây thương tích.
Hai trong số các cơ quan lớn của Anh liên quan đến việc dạy bơi cho trẻ em, STA và Birthlight cũng đã kêu gọi các bậc cha mẹ nghiêm túc suy nghĩ về những nguy cơ tiềm ẩn của việc sử dụng phao bơi đỡ cổ đối với trẻ sơ sinh. Trong một báo cáo, cả hai tổ chức đều cảnh báo về tác hại mà loại phao này có thể gây ra đối với sự phát triển thể chất, thần kinh và cảm xúc của em bé.
Lisa Zarda, giám đốc điều hành của Hiệp hội các trường học bơi Mỹ cho biết: “Chúng tôi không khuyến nghị bạn sử dụng chúng. Việc bạn xuống nước với bọn trẻ sẽ đúng hơn."
Những lưu ý khi cho trẻ học bơi: - Nên cho trẻ tập bơi dưới sự hướng dẫn và theo dõi của thầy cô giáo, cha mẹ không tự ý cho trẻ học bơi tại nhà. Nếu tự học bơi tại nhà cần phải biết cách xử lý những tình huống cấp bách. - Không cho bé bơi dưới nước quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Bé từ 3-8 tháng duy trì mỗi lần tập từ 7-10 phút. Khi bé hơn 1 tuổi có thể tăng lên từ 15-20 phút. - Trang bị đầy đủ các vật dụng cần thiết khi cho trẻ học bơi như kính, bịt tai... Sau khi bơi cần tắm rửa vệ sinh tai mũi họng kĩ càng và làm biện pháp giữ ấm cơ thể cho bé. |