Mới đây, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, Phú Thọ đã tiến hành phẫu thuật nội soi cấp cứu tháo xoắn vòi trứng, bảo tồn buồng trứng trái cho một thiếu nữ 14 tuổi. Bệnh nhân chưa có kinh nguyệt, 2 tuần nay đau âm ỉ vùng bụng dưới, cơn đau bụng tăng, gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê khám, siêu âm phát hiện khối hỗn âm cạnh tử cung bên trái, nghi ngờ xoắn vòi trứng.
Ngay sau đó bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ có tiêm thuốc cho kết quả "hình ảnh lốc xoáy ở vòi trứng trái”, các bác sĩ kết luận thiếu nữ này bị: "Xoắn vòi trứng bên trái". Xác định đây là trường hợp cấp cứu cần phải phẫu thuật ngay để bảo tồn buồng trứng, rất nhanh chóng các bác sĩ hội chẩn và thực hiện phẫu thuật cấp cứu. Khi quan sát qua camera trong ổ bụng, các bác sĩ quan sát thấy vòi trứng trái xoắn 4 vòng như rắn cuộn, buồng trứng tím nhẹ, nang trứng phù nề do ứ dịch.
Kíp phẫu thuật đã tiến hành tháo xoắn vòi trứng, tiếp đó mở nang trứng hút dịch, đặt dẫn lưu ổ bụng. Sau 01 giờ, ca phẫu thuật được thực hiện thành công, bảo tồn được chức năng sinh sản của người bệnh.
Khi thấy đau bụng bất thường cần đi khám sớm vì đó có thể là nguyên nhân xoắn vòi trứng nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ chuyên khoa II Hà Thị Hải Hường - Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê) cho biết, xoắn phần phụ do u buồng trứng thì không hiếm nhưng xoắn vòi trứng đơn độc như trường hợp bệnh nhân trên là rất hiếm. Đây là một cấp cứu phụ khoa, cần được chẩn đoán và xử trí kịp thời để tránh những tổn thương không hồi phục của buồng trứng, đặc biệt là ở các phụ nữ trẻ, cần bảo tồn chức năng sinh sản.
Các yếu tố nguy cơ của xoắn vòi trứng bao gồm yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Yếu tố nội sinh bao gồm: Viêm nhiễm vùng chậu, ứ dịch tai vòi, thắt ống dẫn trứng và u ống dẫn trứng. Yếu tố ngọai sinh bao gồm: dính, tắc nghẽn tĩnh mạch phần phụ, khối u cạnh buồng trứng, u cửa tử cung, tử cung chứa thai và chấn thương.
Biến chứng của xoắn vòi trứng đơn độc gây hoại tử vòi trứng làm tăng nguy cơ viêm phúc mạc. Những hoại tử tại chỗ có thể gây ra các tổn thương không hồi phục đối với buồng trứng cùng bên.
Bác sĩ Hường khuyến cáo, chị em cần chú ý thực hiện chế độ thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên (6 tháng/lần) hoặc khi có dấu hiệu đau bụng dưới cần đến cơ sở y tế khám để kịp thời phát hiện và xử lý sớm các bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.