Thông tin được UBND TP Long Khánh công bố sáng cùng ngày, trong đó 321 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Long Khánh và đều ổn định sức khỏe, không có ca nặng; 11 ca chuyển viện lên tuyến trên; 19 ca đã xuất viện. Nhiều bệnh nhân được bác sĩ kê đơn thuốc về nhà theo dõi.
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hiện điều trị 12 bệnh nhi, có hai ca phải thở máy, lọc máu. 7 ca còn lại được truyền dịch, sử dụng kháng sinh, thở oxy, điều chỉnh các rối loạn.
Bà Đặng Thị Minh Nguyệt, Bí thư Thành ủy Long Khánh (nữ, áo trắng) thăm hỏi bệnh nhi đang điều trị tại BV Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Thái Hà
Một trong hai trường hợp đang phải lọc máu, thở máy là bé trai 6 tuổi. Theo người nhà, bé ăn bánh mì vào tối 30/4, đến ngày 1/5 thì nôn ói, tiêu lỏng nhưng không nhập viện ngay. Ngày 2/5, bé nôn ói nhiều, tiêu lỏng nhiều, co giật, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Long Khánh trong tình trạng hôn mê, tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Bé được sơ cấp cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, vẫn hôn mê, tổn thương tim, gan, thận.
Trường hợp nặng thứ hai là bé trai 7 tuổi, cũng ăn bánh mì ngày 30/4 sau đó nôn ói, tiêu chảy, đau bụng. Bé được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Long Khánh rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng lừ đừ, tụt huyết áp. Đến sáng nay, tình hình bệnh nhi có cải thiện, huyết áp đã ổn định, tim ổn định, đi tiểu được.
Bác sĩ Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết số ca nghi ngộ độc đang tăng nhưng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định sau khi nhập viện. Bệnh viện Đa khoa Long Khánh đã lập thêm một đơn vị cấp cứu và điều trị ngộ độc với 70 giường bệnh để tập trung tiếp nhận và điều trị các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm từ ngày 2/5, "do đó không quá tải". "Các y bác sĩ của bệnh viện vẫn làm tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho những nạn nhân của vụ việc này", bác sĩ Trung nói.
Trước diễn biến phức tạp của vụ ngộ độc thực phẩm, hôm nay các chuyên gia của Bộ Y tế vào Đồng Nai kiểm tra công tác khám chữa bệnh, điều tra dịch tễ và lên phương án xử lý. Dự kiến đoàn sẽ làm việc với Sở Y tế Đồng Nai, Bệnh viện Nhi Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Long Khánh và UBND TP Long Khánh.
Trước đó ngày 30/4, tiệm bánh mì Băng, ở đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình, bán ra 1.100 ổ bánh mì. Đến ngày 1/5, những người ăn bánh mì có dấu hiệu ngộ độc như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn..., nhập viện cấp cứu, chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, nghi ngộ độc thực phẩm.
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ tiệm bánh mì cho biết nguyên liệu, thực phẩm mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, do tiệm tự chế biến, không có hợp đồng mua bán. Đoàn kiểm tra liên ngành đã niêm phong tủ cấp đông tại cơ sở, trong đó khoảng 15 kg đồ chua, 1 kg thịt heo đã qua chế biến, 1 kg chả lụa, 4 khay pate trọng lượng khoảng 10 kg.
Tiệm bánh mì đã bị đình chỉ hoạt động. Theo UBND TP Long Khánh, tiệm bánh mì Băng thuộc diện bán hàng nhỏ lẻ, không thuộc trường hợp cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Nguyên nhân ngộ độc vẫn đang được điều tra.