Thuyên tắc ối là một biến chứng đáng sợ nhất trong sản khoa, bởi nó diễn tiến nhanh, rất bất ngờ, không thể dự phòng và tỉ lệ tử vong cực cao. Nhiều trường hợp, mẹ sinh con khỏe mạnh nhưng chỉ vài phút sau có thể vĩnh viễn không gặp được con do bị thuyên tắc ối. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến biến chứng sản khoa đáng sợ này và cách đề phòng thuyên tắc ối?
Thuyên tắc ối là gì?
Thuyên tắc ối là biến chứng sản khoa thể hiện tình trạng xâm nhập của nước ối những tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác đi vào vào tuần hoàn của người mẹ và gây ra phản ứng dị ứng. Thuyên tắc ối thường xảy ra trong lúc chuyển dạ, cũng có thể xảy ra khi mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, chọc nước ối, sau sinh hoặc sau mổ lấy thai.
Thuyên tắc ối xảy ra do các mảnh tế bào của thai nhi đi vào hệ thống tuần hoàn của mẹ. (Ảnh minh họa)
Thời điểm mạch ối bị tắc nghẽn xảy ra khác nhau tùy trường hợp, thống kê cho thấy:
- 10% trường hợp xảy ra khi màng ối còn nguyên.
- 70% trường hợp xảy ra trong chuyển dạ.
- 11% trường hợp xảy ra sau sinh qua đường âm đạo.
- 9% trường hợp xảy ra khi mổ lấy thai đã chuyển dạ hoặc chưa chuyển dạ.
Mặc dù rất hiếm gặp nhưng thuyên tắc ối lại có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng, là nỗi kinh hoàng cho cả thai phụ và những người làm trong ngành sản khoa. Theo chuyên trang sức khỏe nổi tiếng MSD, tỉ lệ tử vong ở sản phụ bị thuyên tắc ối là 20%-90% tùy tình trạng nhưng khoảng 85% sản phụ sống sót gặp phải di chứng về thần kinh sau này.
Nguyên nhân gây thuyên tắc ối là gì?
Ở trạng thái bình thường, nước ối sẽ hoàn toàn nằm trong buồng ối, không đi vào hệ tuần hoàn của thai phụ. Khi hàng rào giữa khoang ối và tuần hoàn của thai phụ bị phá vỡ, nước ối sẽ đi vào máu của thai phụ thông qua các tĩnh mạch ống cổ tử cung, qua vị trí rau bám đã bong, qua nội mạc tử cung hoặc tử cung bị chấn thương dẫn đến tắc mạch ối. Tuy nhiên, không phải trường hợp nước ối đi vào tuần hoàn của thai phụ nào cũng gây tắc nghẽn.
Theo Webmd, tất cả các độ tuổi đều có thể mắc chứng mạch ối bị tắc nghẽn xảy ra trước, trong hoặc ngay sau khi sinh. Y khoa ghi nhận các trường hợp tắc mạch ối ở thai phụ có chung đặc điểm như thai nhi lớn, thai quá ngày, thai phụ lo lắng, hốt hoảng, khó thở và nôn mửa. Thêm vào đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:
Thuyên tắc ối là biến chứng sản khoa diễn biến rất nhanh, tỉ lệ tử vong cao. (Ảnh minh họa)
- Thai phụ tuổi cao: Những thai phụ trên 35 tuổi;
- Thai phụ mang đa thai hoặc sinh con nhiều lần;
- Nhau thai bất thường: Khi mang thai nếu cấu trúc trong tử cung phát triển bất thường;
- Thai phụ mắc chứng tiền sản giật: Những thai phụ mắc chứng tiền sản giật, huyết áp tăng cao và protein niệu sau tuần 20 của thai kỳ;
- Mổ lấy thai, hoặc đẻ đường dưới có sự can thiệp của thủ thuật Forceps, giác kéo, chọc hút nước ối: Việc dùng kẹp hoặc các thủ thuật giác hút lấy thai có thể phá vỡ hàng rào vật lý giữa thai phụ và thai nhi.
Dấu hiệu sản phụ bị thuyên tắc ối
Thông thường, biến chứng thuyên tắc ối thường xảy ra ở giai đoạn cuối của cuộc chuyển dạ, khiến cho sản phụ khó thở đột ngột, da xanh tái, tụt huyết áp, phù phổi và có những biểu hiện của thần kinh như mất ý thức, lú lẫn, hôn mê, co giật. Sản phụ bị thuyên tắc ối sẽ trải qua 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Theo thống kê, có đến 80% sản phụ bị thuyên tắc ối bị ngưng tim phổi trong vòng những phút đầu tiên.
- Giai đoạn 2: Mặc dù thực tế có nhiều sản phụ sẽ không sống sót qua được giai đoạn 1. Tuy nhiên, cũng có khoảng 50% vượt qua được giai đoạn 1 khi bị tắc mạch ối và sẽ bước vào giai đoạn 2, lúc này sản phụ sẽ bị chảy máu kèm theo rét run nặng, ho, khó chịu trong miệng, nôn ói. Do bị chảy máu quá mức nên sản phụ sẽ có biểu hiện rối loạn đông máu, bệnh lý đông máu nội mạch lan tỏa, đờ tử cung, suy sụp tuần hoàn và mẹ có nguy cơ cao tử vong mẹ cao. Ngoài ra,, sự suy sụp tuần hoàn có thể dẫn đến suy thai và tử vong thai nhi nếu không được mổ lấy thai kịp thời.
Phòng tránh thuyên tắc ối bằng cách nào?
Hiện tại chưa có cách phòng thuyên tắc ối hoàn toàn, mẹ chỉ có thể quản lý tốt thai kỳ bằng cách thăm khám đầy đủ. (Ảnh minh họa)
Một đặc điểm nguy hiểm khác của thuyên tắc ối là căn bệnh không thể dự báo và không có cách để dự phòng. Do vậy, trong quá trình chuyển dạ, ekip mổ sẽ nhanh chóng ghi nhận các triệu chứng, dấu hiệu và tiến hành hồi sức tích cực cho bệnh nhân với hy vọng sẽ cứu sống được cả sản phụ và thai nhi.
Về phần sản phụ, tất cả mẹ bầu nói chung và mẹ bầu nằm trong nhóm nguy cơ cao nói riêng cần thực hiện thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện sớm các thai kỳ nguy cơ, có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.