Bệnh nhi là bé T.V.M.N, 6 tháng tuổi, quê Đồng Tháp. Theo thông tin từ gia đình, trước khi nhập viện bé bị sốt cao kèm nôn ói liên tục 4 ngày nhưng đến nhiều phòng khám tư tại địa phương vẫn không tìm ra bệnh. Đến ngày 9/4, bé được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết khi nhập viện tình hình sức khỏe của bé đã trở nặng, mạch nhanh trên 200 lần/phút (bình thường 120-140 nhịp/phút). Lúc này, bé bứt rứt, lơ mơ, hai chân yếu dần, có dấu hiệu trào bọt hồng, huyết áp cao và phù phổi.
Bé gái bị bệnh tay chân miệng hiện đang được theo dõi sát tiến trình hồi phục tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Khám lâm sàng, các bác sĩ phát hiện có một nốt hồng ban nhỏ trên ngón chân bệnh nhi. Kết hợp với thông tin người mẹ cung cấp là bé có biểu hiện giật mình khi ngủ và yếu hai chân, các bác sĩ nghi ngờ trẻ mắc bệnh tay chân miệng, độ nặng nhất.
Bệnh nhi nhanh chóng được đặt ống thở hỗ trợ thở máy. Qua xét nghiệm dịch phết họng và phết trực tràng, các bác sĩ tìm thấy virus EV71, một chủng khiến bệnh tay chân miệng dễ chuyển nặng và gây viêm não.
Sau khi hội chẩn, ê-kíp trực quyết sử dụng huyết thanh miễn dịch tiêm mạch, khẩn trương thiết lập đường truyền trung tâm, tiến hành lọc máu khẩn trong ngày… để lọc bớt độc chất và giảm gánh nặng cho tim. Sau 2 ngày tích cực điều trị, tình trạng của bé chuyển biến tốt, mạch giảm còn 140 lần/phút, men tim hồi phục. Hiện bé tỉnh táo và tiếp tục được theo dõi sát tiến trình hồi phục.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của người bệnh. Bệnh thường gặp nhất ở lứa tuổi mẫu giáo vì trẻ có thói quen cho tay vào miệng.
Đáng chú ý bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm. Theo thông tin từ bộ Y tế, 3 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 17.451 ca tay chân miệng, có 4 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân tăng 4 lần, chủ yếu khu vực miền Nam, đặc biệt là TP HCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.
Do đó các phụ huynh cần đặc biệt lưu ý các biểu hiện đặc trưng của bệnh như trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, nôn ói, tiêu chảy vài lần trong ngày. Bé có thể bị loét miệng với các vết loét đỏ hay phỏng nước, đường kính 2 -3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt. Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông sẽ xuất hiện các phát ban dạng phỏng nước, tồn tại trong thời gian ngắn, dưới 7 ngày, sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
Theo chuyên gia y tế, nếu bị nhẹ trẻ có thể được chăm sóc tại nhà nhưng khi có dấu hiệu trở nặng (sốt cao, thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì hoặc ngủ gà, giật mình, hốt hoảng, chới với, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, run tay, chân hoặc co giật, vã mồ hôi, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, yếu tay chân, da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái) thì phải đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Thông thường, trẻ hồi phục hoàn toàn sau 8-10 ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh diễn tiến nặng có thể dẫn đến biến chứng thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn... thậm chí tử vong.
Hiện bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa do đó người lớn cần chủ động cách ly bệnh nhi tại nhà, ít nhất trong 10-14 ngày đầu. Khi chăm sóc bé, cha mẹ nên tuân thủ đầy đủ các biện pháp để phòng tránh việc lây bệnh như mang khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà bông,... Các đồ chơi, vật dụng, tay nắm cửa, sàn nhà... cần được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn.