Rất nhiều người vẫn luôn mặc định chuyện bếp núc là chuyện dành riêng phụ nữ, thế nhưng xã hội ngày càng phát triển và suy nghĩ của con người cũng ngày càng tiến bộ hơn, và dĩ nhiên “muốn ăn thì phải lăn vào bếp”, dù là nam hay nữ.
Hiện nay nhiều bậc phụ huynh đã cho con làm việc với bếp núc từ nhỏ để con có thể tự lập kể cả là bé trai, bởi một trong những định nghĩa của việc trưởng thành là con có thể tự chăm sóc cho bản thân. Ngoài những kỹ năng trong học tập và công việc thì trẻ cần được trang bị những kỹ năng sống cần thiết, việc dạy con nấu ăn cũng là cách trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cần thiết nếu phải sống tự lập một mình.
Cậu bé Việt - Hàn học nấu ăn bắt nguồn từ đam mê ẩm thực
Nấu ăn là một kết nối với thế giới thực, hoạt động này giúp trẻ có cơ hội để đóng góp cho gia đình và tạo được tính tự lập. Điều này ngược lại với việc học ở trường trong đó đứa trẻ thụ động tiếp nhận kiến thức từ giáo viên, hoặc các hoạt động vui chơi giải trí không tạo ra bất kỳ giá trị thực tế nào.
Hiểu được vấn đề này, chị Phạm Tư đã cho con trai mình là MyungWon tiếp xúc với nấu ăn từ nhỏ, bắt đầu từ việc chị nhận thấy con mình có niềm đam mê với ẩm thực và cậu bé cũng rất có hứng thú với các nguyên liệu món ăn.
MyungWon (15 tuổi) là một cậu bé con lai Việt – Hàn, do đó cậu bé có điều kiện để tiếp xúc với văn hóa ẩm thực của cả Việt Nam và Hàn Quốc.
MyungWon cùng mẹ trong một chuyến giã ngoại về quê.
Theo chị Tư, từ nhỏ MyungWon đã rất thích ăn những món ngon, hễ mà đồ ăn ngon thì bé sẽ ăn còn không ngon là bé sẽ không ăn. Vậy là sau đó chị gợi ý cho con có thể tự nấu những món mình thích để tiết kiệm, cũng là cách để con biết giá trị của những món mình được ăn.
Chị Phạm Tư chia sẻ: “MyungWon nhà mình có niềm đam mê ẩm thực từ nhỏ, mỗi lần bé cầm điện thoại là sẽ xem review thức ăn, các món ăn, quán ăn bên Hàn thì đều rất hứng thú.
Do công việc của mình khá bận nên cũng không nấu thường xuyên các món bé thích, do đó cậu bé đã tự mình tìm tòi công thức nấu ăn nếu điều gì không biết hay không rõ khâu nào thì bé hỏi lại mẹ và mẹ sẽ sẵn lòng hướng dẫn cho con. Con cũng vui vẻ làm theo để nấu càng ngon hơn.”
Thực tế rất nhiều phụ huynh thích dạy con nấu ăn nhưng lại sợ chuyện bát đĩa đổ vỡ, dao kéo nên lại phớt lờ cho qua. Khi MyungWo mới bắt đầu nấu ăn thì chị Tư cũng hay lo lắng về những nguy hiểm do lửa, dao kéo... Nhưng tập dần dần thì bây giờ bé đã có thể tự đi siêu thị mua đồ về, tự chế biến, tự nấu, tự thưởng thức. Đến thời điểm hiện tại thì chị cũng không thấy có bất kỳ trở ngại nào khi con tự nấu ăn.
Cậu bé MyungWon hào hứng chia sẻ thành quả của mình.
"Con trai nên biết tự lo mọi thứ từ việc nhỏ nhất"
Biết nấu ăn không chỉ giúp con tự lo được cho bản thân mà còn là “bí kíp” cần có khi con phải chăm sóc người khác. Hơn hết, hiểu được những vất vả khi nấu ăn, trẻ cũng sẽ biết trân trọng sự chăm sóc của cha mẹ.
Vì thế, chị Phạm Tư đã dạy con mình nấu ăn từ nhỏ và dạy con rằng đã là đàn ông thì "nên biết tự lo mọi thứ từ việc nhỏ nhất". Tự nấu ăn để lo cho bản thân, sau đó là lập gia đình và biết phụ giúp người phụ nữ của mình.
“Khi MyungWon bắt đầu nấu ăn, mình cảm nhận bé thấu hiểu hơn nỗi vất vả của người làm bếp và thương mẹ hơn. Vì ngày xưa đi làm về là mẹ phải chạy vội vào bếp để nấu nướng, giờ bé chia sẻ được nên hay chủ động giúp hoặc tự nấu cho gia đình luôn.
Thật sự thì bản thân mình thấy, việc nấu ăn giúp cha mẹ và con cái gần gũi nhau hơn rất nhiều. Khi nấu ăn, chúng ta có thể chia sẻ với con về những vấn đề cuộc sống một cách thoải mái và cả hai mẹ con đều cảm thấy rất vui vẻ.” Chị Tư cho biết thêm.
MyungWon cũng ghi lại quá trình chế biến các món ăn rất chi tiết.
Ngoài việc tự chủ cuộc sống, tìm hiểu về thực phẩm và các cách chế biến cũng giúp con có ý thức hơn về việc giữ gìn sức khoẻ, trẻ sẽ học được đâu là các thực phẩm cần tránh, đâu là cách chế biến thức ăn tốt cho sức khỏe. Khi là một chàng trai, con biết bắt đầu để ý tới ngoại hình của bản thân, đây còn là một điểm cộng lớn.
Chị Phạm Tư cho biết: Gần đây do sắp chụp hình kỷ yếu của trường nên con nấu món cá để giảm cân. Sau khi tìm hiểu thì con quyết định nấu món cá kho kim chi củ cải. Bài viết của con chia sẻ về công thức món ăn khi được đăng tải trên mạng xã hội đã được rất nhiều phụ huynh khác vào khen ngợi, hỏi thăm về công thức món ăn. Con rất vui và cảm thấy hạnh phúc vì thành quả của mình, gia đình tôi cũng vui vì điều đó.
Dạy nấu ăn trên tinh thần tôn trọng con
Theo chị Tư: "Tôi dạy con nấu ăn nhưng không ép buộc hay yêu cầu con làm theo ý mình mà để cho con tự chế biến món ăn theo cách mình muốn, con tự ăn và cảm nhận và tự điều chỉnh cho hợp khẩu vị của mình, như vậy thì về sau con sẽ biết mình nên làm gì."
Nhờ phương pháp nuôi dạy con tự lập của chị Tư mà cho đến nay cậu bé MyungWon đã biết tự mình nấu những món ăn ngon cho bản thân và gia đình.
Với các bạn sắp tốt nghiệp cấp 2 và đang sửa soạn vào cấp 3 việc học cách nấu ăn sẽ là bí kíp không thể thiếu để tiết kiệm chi phí và đảm bảo sinh hoạt lành mạnh khi tần suất học tập gia tăng, khi ít ở cạnh gia đình. Trẻ tự biết nấu ăn có thể tìm thấy cảm giác thư giãn và ấm áp khi vào bếp.
Cậu bé cũng vui vẻ chia sẻ đam mê nấu ăn của mình trên các diễn đàn và dành được nhiều lời khen ngợi.
Do đó nếu như thương con, không cho con làm việc nhà thì vô tình cha mẹ đã tước đi cơ hội xây dựng nền móng để con trở thành người có trách nhiệm trong tương lai. Thay vào đó cha mẹ có thể khéo léo hỗ trợ, đồng hành cùng con, chỉ dạy con những gì con đang thiếu sót.
Đồng thời, cha mẹ cũng không nên ép con làm những việc mà con không hề muốn, bởi chỉ khi yêu thích thì con mới có thể tiếp thu và phát triển nhanh chóng.