Nhiều bậc phụ huynh luôn quan niệm rằng trẻ nhỏ nên tròn trịa, mũm mĩm một chút trông mới đáng yêu. Nhiều ông bà, cha mẹ không ngại tìm mọi cách để “vỗ béo” con cháu nhà mình vì sợ các con sẽ không lớn bằng bạn bè.
Tuy nhiên, điều gì cũng cần có giới hạn. Nếu cha mẹ cho con ăn không kiểm soát, trẻ sẽ rất dễ mắc chứng béo phì. Điều này sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của bé ở không chỉ ở thời điểm hiện tại, mà còn khiến bé chịu hậu quả về lâu về dài.
Câu chuyện của cậu bé người Thái Lan dưới đây sẽ khiến các bậc phụ huynh giật mình.
Ngày 21/4 vừa qua, truyền thông Thái Lan đưa tin về một cậu bé tên Chor Oat sống ở tỉnh Nakhon Sawan nước này với tình cảnh vô cùng đáng thương. Chor mới chỉ 13 tuổi nhưng có cân nặng lên tới hơn 200kg. Không giống những trường hợp béo phì quá độ khác, cậu bé còn mang hàng loạt bệnh và có hoàn cảnh hết sức bi kịch.
Nói về nguyên nhân khiến cậu bé lâm vào tình trạng như hiện tai, anh Uan, một người họ hàng của Chor chia sẻ rằng lúc nhỏ, cậu bé cũng phát triển như bao bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, nghĩ trẻ con "hay ăn mới chóng lớn", gia đình Chor dù nghèo vẫn cố để em ăn uống thoải mái.
Năm Chor lên 3 tuổi, mẹ em đã qua đời vì bệnh ung thư não, cậu bé phải sống chung với bà. Việc ăn uống vốn đã không được kiểm soát, nay càng tệ hơn vì bà em không quá quan tâm đến việc ăn uống và cũng cho rằng "trẻ con phải béo mũm mĩm mới dễ thương". Vì vậy, khi Chor lên 4 tuổi, cậu bé bắt đầu ăn khá nhiều so với mức thông thường, lại còn được gia đình, mọi người xung quanh khích lệ.
Hiện tại, Chor Oat đã mất đi khả năng nghe, mắc chứng tự kỷ và gần như bị liệt nửa người, tất cả đều là hậu quả từ béo phì
Mỗi bữa, Chor đều ăn một đĩa cơm khổng lồ, đi kèm với đó là 4, 5 hộp sữa mỗi ngày và rất nhiều đồ ăn vặt. Nếu người lớn điều chỉnh chế độ của cậu bé, Chor sẽ tỏ ra khó chịu, nên mọi người trong nhà cứ thế để cậu bé ăn uống vô độ vì chiều con.
Hậu quả là khi Chor được 10 tuổi, cậu bé rơi vào tình trạng quá thừa cân béo phì và sức khỏe bị tàn phá khủng khiếp. Không chỉ bị liệt nửa người, cố gắng lắm cũng chỉ đi lại được vài bước, mà cuộc sống của cậu bé còn vô cùng khổ sở bởi chỉ có thể ngủ ngồi, không thể nằm vì sẽ khó thở.
Việc trang phục cho Chor mặc hàng ngày cũng không thể tìm đâu ra vì cỡ lớn nhất cũng không vừa. Đáng buồn hơn, vì ảnh hưởng của thể chất như vậy, cậu bé cũng không được đi học và ra ngoài tiếp xúc với mọi người. Chor còn bị điếc và mắc bệnh tự kỷ nghiêm trọng.
Hơn nữa, việc đưa Chor đi khám bác sĩ cũng vô cùng khó khăn bởi cậu bé không thể ngồi vừa vào bất kỳ chiếc xe hơi nào. Mọi người phải tìm xe tải để đưa cậu bé đi, thế nhưng không ít lần phải bỏ cuộc vì ngay cả việc đưa Chor lên thùng xe tải cũng không dễ dàng gì.
Mọi sinh hoạt của cậu bé đều phải nhờ vào người khác. Ngay cả việc đưa cậu bé đên gặp bác sĩ cũng là một việc khó khăn.
Đầu tháng 4 vừa rồi người bà của Chor vừa qua đời khiến cậu bé rơi vào tình cảnh mồ côi. Và cho đến nay với 200kg cân nặng, cậu bé này vẫn chưa từng nhận được sự điều trị chuyên nghiệp nào cho hàng loạt bệnh tình của mình, khiến họ hàng và hàng xóm vô cùng lo lắng.
May mắn thay, sau khi câu chuyện của em được chia sẻ, hàng loạt người dân Thái Lan đã gửi tiền quyên góp ủng hộ tới cậu bé đặc biệt này.
Có thể thấy, thừa cân, béo phì ở trẻ em ngoài ảnh hưởng đến học tập, tâm lý tự ti còn khiến trẻ phải đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật. Dưới đây là những khuyến nghị của tiến sĩ Mary L. Gavin về cách phòng ngừa bệnh béo phì ở trẻ em theo độ tuổi dành cho các bố mẹ: Với trẻ nhũ nhi: Mẹ cần cho con bú sữa mẹ, sữa mẹ ngoài chứa kháng thể giúp trẻ phòng tránh bệnh vặt còn giúp trẻ không bị béo phì. Với trẻ từ 1 – 5 tuổi: Cho trẻ ăn đủ chất, cân đối và bắt đầu hướng dẫn những trò chơi vận động, đưa trẻ ra ngoài trời tắm nắng tăng vitamin D, tránh còi xương. Với trẻ từ 6 – 12 tuổi: Giai đoạn này trẻ bắt đầu đến trường, vì vậy cha mẹ nên khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn quá nhiều chất ngọt và chất béo. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ chơi các trò chơi vận động có lợi cho sự phát triển chiều cao như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, chơi đá bóng… mỗi ngày. Trẻ từ 13 – 18 tuổi: Dạy trẻ cách ăn uống khoa học, lành mạnh để tránh trẻ béo phì bằng cách nhờ trẻ tìm hiểu, chọn lựa những thực phẩm tốt cho sức khỏe của cả gia đình. Đồng thời giúp trẻ nhận ra tầm quan trọng của việc luyện tập thể dục thể thao hàng ngày. Lưu ý chung cho các lứa tuổi: Để tránh bệnh béo phì ở trẻ em, cha mẹ không nên cho trẻ xem tivi hay chơi game trong bữa ăn; yêu cầu trẻ ngủ sớm; thường xuyên nấu cho trẻ ăn ở nhà, cân đối chế độ ăn cân bằng 4 nhóm dưỡng chất (đạm, béo, bột đường, vitamin & khoáng chất). Cuối cùng, nên khuyến khích trẻ vận động mỗi ngày… |