Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn đã rất nhạy cảm và thời điểm có bầu, sinh con lại trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Một cô gái trẻ có tên Thanh Thanh (Trung Quốc) khi mang bầu đã rất bất mãn với mẹ chồng mình. Bởi cô đơn giản chỉ muốn chồng chăm sóc mình một cách thoải mái cũng không được, vì vướng phải sự xét nét của mẹ chồng.
Mẹ chồng giám sát từng li từng tí những hành động của Thanh Thanh. Đặc biệt khi thấy con trai bà đi làm về mà không được vợ xoa bóp, chăm sóc cẩn thận đã tỏ ra rất bất mãn, cho rằng Thanh Thanh là một người vợ tồi. Thực tế Thanh Thanh mang thai cũng đủ mệt mỏi, không còn sức để chiều lòng mẹ chồng nữa.
Chồng Thanh Thanh là một người rất biết cách giữ ý tứ giúp vợ. Để tránh xảy ra mâu thuẫn giữa vợ và mẹ, anh cố tình tránh mặt mẹ mỗi khi muốn thể hiện yêu thương với vợ. Khi vào phòng, đóng cửa lại, anh lặng lẽ massage để giúp vợ thoải mái. Nhưng Thanh Thanh lại vẫn thấy khó chịu, không chấp nhận được. Cô tự hỏi vì sao chồng chăm sóc vợ lại không thể ở mọi lúc mọi nơi. Vì sao mẹ chồng cũng là phụ nữ nhưng không hiểu khi mang thai cần được chăm sóc thế nào?
Rất nhiều nàng dâu khác cũng rơi vào tình huống như Thanh Thanh và có nỗi lòng tương tự. Sau cùng, họ đành lòng chấp nhận thực tế mẹ chồng không phải là mẹ ruột, nên mẹ chồng sẽ luôn xót con trai đầu tiên và không muốn con trai phải chăm sóc con dâu.
Vậy một người mẹ chồng tốt sẽ chăm sóc con dâu khi bầu bí và sinh con thế nào? Nếu mẹ chồng làm những điều dưới đây khi bạn mang bầu, xin chúc mừng bạn đã được gả về nhà chồng tuyệt vời và bạn thật sự có phúc:
Chăm sóc tích cực khi mang thai
Khi mang thai, nồng độ hormone sẽ thay đổi, khi cơ thể thay đổi, tâm trạng của phụ nữ mang thai sẽ dao động theo, họ sẽ nhạy cảm và rụt rè. Và khi thai nhi lớn, mẹ bầu sẽ di chuyển bất tiện, nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cần có người túc trực. Nếu mẹ chồng sẵn sàng chăm sóc bạn lúc này và rất tôn trọng bạn thì mẹ là một người mẹ chồng tốt.
Chia sẻ với bạn kinh nghiệm mang thai
Mẹ chồng là người có thể cung cấp rất nhiều kinh nghiệm quý báu cho những cô con dâu lần đầu mang thai. Ví dụ như ăn gì khi mang thai, chăm sóc da như thế nào để thai nhi khỏe mạnh hơn… Nếu mẹ chồng chia sẻ những kinh nghiệm nhỏ này với con dâu một cách nghiêm túc, điều đó có nghĩa là bà thực sự quan tâm đến con dâu, mong con cháu được an toàn và khỏe mạnh.
Vì vậy, ngay cả khi lời khuyên của mẹ chồng khác với hiểu biết của bạn, cũng nên bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm của mẹ, và đừng phủ nhận hay phản bác một cách kiên quyết.
Không ưu ái con trai và để con trai chăm sóc con dâu
Ai cũng biết khi mang thai cơ thể dễ bị mệt mỏi, cộng với áp lực công việc, dễ sinh ra tâm lý bất ổn, dễ cáu gắt, mâu thuẫn với chồng. Nếu mẹ chồng coi con dâu như người thân trong gia đình, bà sẽ thấu hiểu sự khó khăn của con dâu. Mẹ chồng sẽ chỉ bảo con trai tính cách ân cần, bao dung với vợ. Nếu có tranh cãi xảy ra, bà sẽ đứng về phía con dâu và khiến con dâu cảm thấy an toàn. Thật tuyệt vời nếu gặp một người mẹ chồng tốt như vậy.
Chăm sóc thời kỳ ở cữ
Trong thời kỳ hậu sản, phụ nữ vừa sinh xong, cơ thể suy nhược, phải cho con bú, áp lực chi tiêu gia đình tăng đột biến... sẽ dễ rơi vào khủng hoảng. Vì vậy nếu người chồng cần tiếp tục kiếm tiền để nuôi gia đình, bà nội hoặc bà ngoại nên ở bên cạnh để giúp đỡ mẹ bé.
Nếu lúc này mẹ chồng sẵn sàng chăm sóc, lo lắng cho cuộc sống hàng ngày của con dâu và cháu nội thì có nghĩa bà rất coi trọng con dâu. Bà biết con dâu đã hi sinh vất vả và mong con sẽ bình phục càng sớm càng tốt. Nếu có một người mẹ chồng như vậy, con dâu nên cảm kích và ghi nhớ công ơn của mẹ chồng.
Nếu cả con dâu và mẹ chồng đều có thể thấu tình đạt lý, xét trên góc độ của nhau, đối xử chân thành với nhau thì sẽ tránh được rất nhiều phiền phức không đáng có. Đồng thời mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu tốt sẽ giúp người chồng đứng giữa dễ thở hơn rất nhiều và có nhiều năng lượng, thời gian hơn để giải quyết công việc, trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình.