Từng có một câu hỏi xuất hiện trong show truyền hình của đài iQiyi (Trung Quốc): "Có nên nói với con rằng: "Nhà mình không có tiền" để ngăn cản con tiêu tiền hay không?" nhận về nhiều ý kiến khác nhau. Một là nói với con một cách trung thực, để con hiểu và đồng hành với bố mẹ và hai là, không nên nói để con có một tuổi thơ hồn nhiên, đơn giản, không vướng bận những lo âu vì tiền.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, tụi nhỏ ngày nay rất nhạy cảm, dù cha mẹ nói hay không nói, trong nhiều trường hợp, chúng vẫn dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa gia đình mình và bạn bè xung quanh.
Với những đứa trẻ nhỏ hơn, thắc mắc "tại sao nhà mình nghèo" cũng là điều dễ hiểu.
Nhà văn, người dẫn chương trình Phó Thủ Nhĩ kể: "Con tôi 14 tuổi nhưng "như ông cụ non". Nhà có tiền hay không, nó còn biết rõ hơn cả bố nó. Khi tôi nói với con: Con ơi, nhà ta không giàu đâu, con đã trả lời rất chững chạc: Mẹ đừng lo, con sẽ tiết kiệm tiền cùng với mẹ". Cô cho rằng đứa trẻ thực ra không mong manh như bố mẹ vẫn tưởng, thậm chí còn hiểu chuyện, biết thích nghi hơn cả người lớn".
Với những đứa trẻ nhỏ hơn, thắc mắc "tại sao nhà mình nghèo" cũng là điều dễ hiểu, bởi chúng chưa có nhận thức như các anh chị lớn hơn. Trả lời làm sao để con hiểu và sự phát triển tâm lý của trẻ không bị ảnh hưởng bởi môi trường vật chất bên ngoài là điều không hề dễ dàng.
Đứa trẻ hỏi: "Bố đã làm việc rất chăm chỉ, tại sao chúng ta vẫn nghèo?" và câu trả lời tinh tế của người mẹ
Một câu chuyện được chia sẻ trên diễn đàn Trung Quốc thu hút sự thảo luận của nhiều người, được nhiều trang tin đăng tải lại. Một người mẹ kể, trong bữa ăn tối, cậu con trai 8 tuổi của chị bất ngờ chỉ tay vào những vết chai sần trên tay bố và hỏi: "Bố làm việc vất vả rồi mà sao nhà mình vẫn nghèo?". Nghe đến đây, người bố sững sờ không nói nên lời.
Theo thông thường, đứa nhỏ nhất định sẽ bị mắng vì câu nói này. Tuy nhiên người mẹ đã không làm như vậy, cô nhân cơ hội trả lời đứa trẻ như sau: "Vậy con có biết ai là người tiêu tiền nhiều nhất trong gia đình không?". Đứa trẻ suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu.
Nghèo không đáng sợ, đáng sợ nhất là khi nghĩ rằng mình sẽ luôn nghèo.
Người mẹ chậm rãi nói: "Con thấy không, đồ chơi, đồ ăn vặt, sách tranh ở nhà đều mua cho con. Không phải công việc nào cũng kiếm được thật nhiều tiền nhưng tất cả các bậc cha mẹ làm việc chăm chỉ để con cái có cuộc đời vui vẻ, hạnh phúc, bình an. Điều quan trọng nhất không phải là bố mẹ mua gì cho mình, mà là tình yêu thương vô bờ và sự đồng hành của bố mẹ".
Đứa trẻ có vẻ hiểu chuyện, bà mẹ nói tiếp: "Nhà mình không nghèo, chỉ là bố mẹ chỉ chi tiêu những thứ thật cần thiết và đảm bảo đầy đủ nhất mọi nhu cầu của con. Và làm việc kiếm tiền lo cho gia đình, cho con cái là hạnh phúc của người làm cha mẹ. Chúng ta cố gắng hết sức nhưng không cần phải so sánh với người khác. Mẹ tin chỉ cần làm việc chăm chỉ, chúng ta sẽ sớm có cuộc sống tốt hơn và dọn vào một ngôi nhà lớn như mơ ước... Con yêu. Con có điều gì muốn nói với bố không?".
Trước ánh mắt động viên của mẹ, đứa trẻ chạy đến bên bố và hôn ông.
Thực tế, không ít những trường hợp như vậy. Một người dùng mạng xã hội kể, khi đứa cháu học lớp 1 của trường tiểu học nói từ "thu nhập hàng năm" khi trò chuyện với bạn bè, anh đã rất sốc. Hồi nhỏ, chúng ta làm gì biết về những khái niệm xa xỉ đó?
Trẻ em ngày nay dù ở lứa tuổi nào cũng hiểu hết mọi chuyện, chính vì nghĩ nhiều nên càng bị ảnh hưởng nhiều. Nếu không nhận được sự hướng dẫn chính xác từ cha mẹ, theo thời gian, chúng rất dễ đi chệch hướng. Không nói dối con để ra vẻ mình giàu nhưng cũng không than nghèo kể khổ. Cần để trẻ chủ động nhìn nhận và thấu hiểu các thành viên trong gia đình, đó mới là cách giáo dục tốt nhất.
Kinh tế không khá giả làm sao để trẻ không mặc cảm, biết cầu tiến?
1. Nói rõ với đứa trẻ rằng cha mẹ đang làm việc rất chăm chỉ
Cho con biết, điều đáng quý nhất trong cuộc sống không phải là hiện tại bạn tài giỏi ra sao mà bạn chăm chỉ mỗi ngày và nhờ vậy trở nên tốt hơn. Tốt nhất cha mẹ không nên nói với con rằng nhà mình nghèo, mà chỉ cần cho trẻ thấy rằng việc kiếm tiền không dễ dàng, để trẻ cảm nhận được sự vất vả của việc kiếm tiền, như thế trẻ sẽ biết cách sử dụng đồng tiền cho hợp lý, thay vì vòi vĩnh, đòi hỏi.
2. Nói với con bạn rằng nghèo bây giờ không có nghĩa là nghèo trong tương lai
Bằng ví dụ và so sánh, hãy nói với trẻ rằng gia đình chúng có thể không giàu hiện tại, nhưng tương lai có thể sẽ khác. Bạn có thể so sánh điều kiện gia đình trong quá khứ và hiện tại. Ngay cả khi không có câu chuyện thực tế, tại sao không tạo ra một câu chuyện? Chẳng hạn, một người bạn ngày xưa nghèo lắm, ăn không đủ ăn, sau bao năm làm lụng vất vả giờ đã giàu có. Câu chuyện không quan trọng, miễn là truyền tải được thông điệp. Nghèo không đáng sợ, đáng sợ nhất là khi nghĩ rằng mình sẽ luôn nghèo.
Thực tế cho thấy, dù giàu hay nghèo, bất cứ gia đình nào cũng cần phải dạy con có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc.
3. Khen ngợi trẻ nhiều hơn và nêu gương tốt
Cha mẹ là người thầy quan trọng nhất của con cái. Muốn trẻ luôn tích cực và có động lực thì chính cha mẹ phải làm gương cho con. Đồng thời, cha mẹ phải chú ý khen ngợi, công nhận để phát huy tối đa tinh thần chiến đấu của con mình.
Thực tế cho thấy, dù giàu hay nghèo, bất cứ gia đình nào cũng cần phải dạy con có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc. Theo các chuyên gia, thay vì dễ dãi thỏa mãn các yêu cầu của trẻ khi trẻ đòi mua sắm những thứ chúng thích, nên tập trung bồi dưỡng ý thức về giá trị đồng tiền, để trẻ hiểu cách tiêu tiền. Cần dạy trẻ hình thành dần tư duy tài chính, có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc.
Tuy nhiên, cha mẹ không nên lấy câu cửa miệng "Nhà mình nghèo lắm/Nhà chúng ta không có tiền" để cấm cản con mua những đồ chúng thích hoặc muốn xin tiền từ cha mẹ, bởi điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý đứa trẻ.