Một trang web về nuôi dạy con cái ở Australia, Tiny Hearts Education mới đây đã chia sẻ câu chuyện về một bà mẹ kịp thời kiểm tra vết ban đỏ như vết bầm trên chân con, nhờ đó mà cứu được tính mạng của con.
Người phụ nữ sau khi nhận thấy trên chân con có vết đỏ như vết bầm tím hay vết đốt đã lập tức ấn thử tay vào để kiểm tra. Thật may mắn khi cô đã làm như vậy bởi vết đỏ đã không chuyển sang màu trắng khi ấn vào - đó là dấu hiệu ban đầu của bệnh do vi khuẩn não mô cầu gây ra có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị nhanh chóng.
Người mẹ đã được học về các triệu chứng bất thường ở trẻ sơ sinh tại lớp sơ cứu nên ngay lập tức nhận ra vấn đề và đưa con tới bệnh viện kịp thời. Dấu vết đỏ nhỏ trên chân của đứa trẻ sơ sinh có thể dễ dàng bị nhầm với vết đốt hoặc vết bầm tím, nhưng đó là triệu chứng của căn bệnh chết người.
Bà mẹ phát hiện vết bầm đỏ trên chân của con nên đã ấn thử và không thấy nó chuyển sang màu trắng.
Nhóm Tiny Hearts Education do một cựu nhân viên y tế tạo ra đã chia sẻ câu chuyện này trên Instagram để cảnh báo các bậc cha mẹ khác về những dấu hiệu ở trẻ đừng nên chủ quan. Tiny Hearts khuyến khích các bậc phụ huynh nếu thấy trên cơ thể trẻ xuất hiện các vết ban đỏ, hãy thử kiểm tra xem nó có bị mờ đi hay chuyển sang màu trắng bằng cách dùng một chiếc cốc trong suốt và lăn nó lên vết ban.
"Nếu phát ban chuyển sang màu trắng có thể không có vấn đề gì. Nhưng nếu vết phát ban không chuyển màu khi ấn vào, điều đó có nghĩa là có máu chảy bên dưới da và cần thực hiện các xét nghiệm để loại trừ bất kỳ nguyên nhân nghiêm trọng nào gây ra tình trạng này", bài đăng của Tiny Hearts viết.
Bệnh viêm não mô cầu chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến biểu hiện này. Các triệu chứng khác của bệnh viêm màng não mô cầu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể bao gồm sốt, buồn nôn, buồn ngủ, khó chịu, cực kỳ mệt mỏi và tiêu chảy.
Người mẹ mau chóng đưa con tới viện và được chẩn đoán bị viêm não mô cầu.
Bài đăng của Tiny Hearts đã nhận được sự đồng tình và cảm ơn của nhiều bà mẹ vì đã chia sẻ thông tin hữu ích giúp họ có thể bảo vệ sức khỏe của các con.
Một bà mẹ viết: "Là một bà mẹ mắc bệnh ban xuất huyết giảm tiểu cầu (rối loạn máu), điều này cực kỳ quan trọng để kiểm tra nhất là khi những đứa trẻ quá nhỏ để có thể nói lên vấn đề của mình".
Một người khác chia sẻ câu chuyện tương tự: "Đứa con sáu tuổi của tôi bị phát ban nhỏ trên cánh tay mà không có triệu chứng nào khác. Sau khi đọc được bài viết này, tôi đã đưa con tới viện và hóa ra cháu bị nhiễm liên cầu khuẩn ở họng".
Hàng năm ở Australia, viêm não mô cầu gây ra 700 đến 800 ca nhập viện và 35-40 ca tử vong (10 ca ở trẻ em từ 0 đến 4 tuổi). Căn bệnh này lây truyền qua tiếp xúc gần gũi, kéo dài trong gia đình và đồng thời có thể lây lan qua dịch tiết đã nhiễm bệnh ở mũi và cổ họng.
Tiêm chủng là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh viêm màng não mô cầu.
Nhóm Tiny Hearts khuyên các bậc cha mẹ nên dùng một chiếc cốc hay lọ thủy tinh trong suốt để kiểm tra xem vết bầm của con có chuyển màu hay không. (Ảnh cắt từ video của Tiny Hearts)
Viêm màng não mô cầu nguy hiểm thế nào?
Bệnh viêm màng não mô cầu là bệnh hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng. Vi khuẩn gây bệnh sẽ làm cho lớp màng bao phủ não và tủy sống bị viêm, thậm chí có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng máu. Bệnh viêm màng não mô cầu nguy hiểm bởi nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại những di chứng lâu dài hoặc gây tử vong.
Viêm màng não có thể dẫn đến tình trạng sốc, hôn mê và tử vong chỉ trong vòng vài giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Cứ 10 người bị bệnh thì có khoảng 1-2 người tử vong vì nhiễm trùng, ngay cả khi được điều trị nhanh chóng và đúng phương pháp.
Có khoảng 1/5 bệnh nhân bị các biến chứng nghiêm trọng. Khoảng 15% bệnh nhân sống sót với các khuyết tật như: điếc, tổn thương não, các vấn đề về thần kinh.
Các triệu chứng của viêm màng não mô cầu là gì?
Vi khuẩn não mô cầu chỉ được truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần gũi thường xuyên, kéo dài hoặc tiếp xúc với dịch tiết bị nhiễm bệnh từ mũi và cổ họng.
Các triệu chứng viêm màng não mô cầu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể bao gồm:
- Sốt
- Không muốn ăn
- Cáu kỉnh, khó chịu
- Rên rỉ
- Cực kỳ mệt mỏi hoặc cơ thể mềm nhũn
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Tiêu chảy
- Sợ ánh sáng
- Lờ đờ
- Co giật
- Xuất hiện vết phát ban nhỏ màu đỏ hoặc tím hoặc vết bầm tím lớn.