Thời đại công nghệ phát triển, nhiều trẻ em ngày nay được bố mẹ cho tiếp xúc với các thiết bị điện tử sớm. Nếu biết dạy con cách sử dụng đúng thì ai cũng thừa nhận rằng, thiết bị điện tử bổ trợ rất tốt cho quá trình trẻ học tập và phát triển bản thân. Thế nhưng ngược lại, trẻ sẽ dễ rơi vào tình huống bị lạm dụng quá mức thiết bị điện tử, từ đó dẫn đến những hệ luỵ khó lường.
Gần đây, mạng xã hội lan truyền rộng rãi những bức hình chụp cảnh gia đình có 13 đứa cháu về mừng thọ ông 80 tuổi. Tuy nhiên, không phải là khung cảnh ông cùng các cháu quây quần, chơi đùa với nhau mà điều khiến ai nhìn vào cũng trào dâng những cảm xúc khó tả là cả 13 đứa cháu đều chỉ cúi mặt, chăm chăm vào bấm điện thoại.
Nguồn: Báo Dân Trí
Ngay lập tức những hình ảnh này đã tạo nên một làn sóng tranh luận gay gắt trên các nền tảng mạng xã hội. Chứng kiến cảnh tượng này, nhiều người lên tiếng bênh vực, nhưng cũng có không ít phụ huynh lên tiếng chỉ trích về cách giáo dục con của bố mẹ trong gia đình trên.
Một số bình luận bênh vực nổi bật như:
- Ủa rồi nhà mọi người có trẻ con chưa? Nhà mình đất rộng mà 15 đứa cháu đã loạn hết nhà. Nhà ai chật tí rồi lâu lâu mới về, bày trò gì cho chúng nó chơi? Chả không cho nghịch điện thoại thì làm gì?
- Nhiều người cũng buồn cười, giờ chúng nó mà nghịch rồi chạy nhảy cũng quát, nghịch điện thoại cũng chửi, chắc bắt ép phải ngồi im như tượng mới chịu. Mà đứa nào “ngoan” như thế thì thường có vấn đề.
- May mà nhà ông có wifi chứ không khéo chúng nó không thèm về!
- Chụp các bố mẹ đi, các bố mẹ cắm còn ác hơn con!
- Nó là tình hình chung theo sự phát triển của xã hội rồi, không tránh được đâu!
- Thực ra là cũng bình thường thôi! Tại chúng nó cũng không có gì chơi. Không như ngày xưa ra đồng, ra sông, ra hồ chơi, vì lo đuối nước. Quanh đấy cũng không biết có trẻ con để chơi không, mà có thì có lẽ trẻ con hàng xóm cũng đang xem điện thoại rồi! Bọn chúng ngồi không nhìn nhau cũng không ổn, mà chơi với nhau thì biết chơi cái gì. Vì thời 4.0 chúng nó có biết các trò chơi dân gian đâu!
Một số bình luận khác phê bình cách giáo dục từ gia đình:
- Bố mẹ tụi nó không dạy mới thế!
- Thời thế thế thời thôi, giờ ông bà không có lắp wifi xem có đứa cháu nào về không? Càng ngày tình cảm gia đình càng nhạt nhòa!
- Cháu mình về quê thăm ông bà là để cai điện thoại. 1 tháng đó nó không có điên thoại để xài, chỉ có đi bơi, thả diều, đá bóng, học hè thôi! Nhà này có phúc thật!
- Các ông các bà không chịu chơi, không chịu giáo dục các con các cháu lại thích đổ lỗi cho thời đại!
- Với những đứa nhỏ 1-2 tuổi đi ra ngoài, mình chấp nhận đưa điện thoại cho bọn nó xem hoạt hình để nó đỡ nghịch phá, còn trong đây toàn trên 8-9-10 tuổi rồi còn cắm mặt vào điện thoại thế kia, sao không tìm việc gì phụ giúp ông bà, do người lớn thôi!
- Con cháu cũng từ cái nóc mà ra!
- Chắc phụ huynh nghĩ thế là hay, còn đăng lên mạng xã hội khoe! Nhà tôi mỗi lần có cỗ là cắt mạng, trẻ bé thì chơi, lớn hơn thì làm chân sai vặt, tập nấu nướng… chứ ai lại để các cháu thế kia?
- Bố mẹ chiều con quá nên mới hư, nó mà mè nheo một chút là lại đưa điện thoại ngay!
Đa số các bậc phụ huynh khi nhìn thấy hình ảnh này đều bày tỏ sự đồng cảm, bởi không riêng gì gia đình được nhắc đến ở trên mà tình trạng con trẻ thường xuyên sử dụng điện thoại, ipad, máy tính rất phổ biến. Nhiều bố mẹ thừa nhận, vấn đề này đang trở thành xu hướng trong thời đại mới. Chính vì thế mà không thể trách trẻ hoàn toàn, người cần suy xét trách nhiệm đầu tiên nên thuộc về người lớn, những người thân trong gia đình. Cách bố mẹ làm gương, cũng như phương pháp nuôi dạy quyết định rất lớn đến thói quen con trẻ sử dụng thiết bị điện tử.
Theo thống kê nhiều năm trở lại đây, con số trẻ em có dấu hiệu nghiện điện thoại, ipad, tivi, máy tính và hậu quả để lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tính cách, kết quả học tập vẫn không giảm mà ngày càng tăng cao.
Đứng trước sự thật này, bậc phụ huynh nào cũng lo lắng và loay hoay tìm phương pháp dạy con hiệu quả. Để làm được điều đó, đòi hỏi bố mẹ phải khéo léo, kiên trì trong quá trình giáo dục, điều chỉnh hành vi và xây dựng thói quen tốt cho con ngay từ khi bé còn nhỏ.
Các nghiên cứu đã chứng minh, trẻ nghiện thiết bị điện tử sẽ gây ra những ảnh hưởng sau:
- Ảnh hưởng đến sức khỏe: Sử dụng quá mức thiết bị điện tử có thể dẫn đến tình trạng ít vận động và dẫn đến nguy cơ béo phì. Hơn nữa, việc sử dụng thiết bị điện tử vào buổi tối có thể làm gián đoạn giấc ngủ và gây ra các vấn đề về giấc ngủ, như khó ngủ hoặc giảm chất lượng giấc ngủ.
- Ảnh hưởng đến phát triển não: Việc sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài, và không kiểm soát có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển não của trẻ. Nghiên cứu đã chỉ ra, việc dùng quá mức thiết bị điện tử liên quan đến sự suy giảm khả năng tập trung, trí tuệ, và khả năng xử lý thông tin của trẻ.
- Ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tương tác xã hội: Sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều có thể làm giảm khả năng giao tiếp và tương tác xã hội của trẻ. Trẻ có thể trở nên bị động, thiếu kỹ năng giao tiếp và khó thích nghi trong các môi trường xã hội.
- Ảnh hưởng đến việc học tập: Sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều có thể làm giảm khả năng tập trung và ảnh hưởng đến hiệu suất học tập của trẻ. Nghiên cứu đã chứng minh tính liên kết trong việc sử dụng quá mức thiết bị điện tử với sự suy giảm kỹ năng đọc, viết và tính toán.
- Ảnh hưởng đến tâm lý và tình cảm: Sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử có thể gây ra căng thẳng, lo lắng và mất cân bằng tâm lý. Nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm, tự kỷ... đặc biệt là ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Dưới đây là một số cách giúp bố mẹ "đối phó" hiệu quả khi con trẻ có biểu hiện nghiện thiết bị điện tử.
- Thiết lập quy định và giới hạn: Đặt ra quy định rõ ràng về thời gian sử dụng thiết bị điện tử và thiết lập giới hạn hợp lý. Ví dụ, bố mẹ quy định thời gian sử dụng hàng ngày hoặc quy định không sử dụng thiết bị trong các khoảng thời gian nhất định như khi ăn cơm hoặc trước khi đi ngủ.
- Tạo ra môi trường không có thiết bị điện tử: Xác định các khu vực trong nhà không có thiết bị điện tử, như phòng ngủ hay khu vực nơi gia đình tập trung để có thời gian giao tiếp và tương tác với nhau.
- Thúc đẩy hoạt động ngoại khóa: Đưa ra những hoạt động khác để trẻ tham gia như thể dục, thể thao, nghệ thuật, hoặc chơi trò chơi ngoài trời. Tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm và khám phá thế giới xung quanh, thay vì suốt ngày ở nhà "ôm" thiết bị điện tử.
- Tham gia cùng con: Bố mẹ hãy dành thời gian để tham gia và tương tác với con trong các hoạt động không liên quan đến thiết bị điện tử như đọc sách, chơi trò chơi, hoặc nấu ăn cùng nhau. Điều này giúp tăng cường mối quan hệ và tạo ra một môi trường gia đình tích cực.
- Xây dựng sở thích khác: Khuyến khích con tham gia vào các hoạt động khác để phát triển sở thích và kỹ năng mới như đọc sách, viết, vẽ tranh, âm nhạc, thể thao hoặc võ thuật. Sự đa dạng này giúp trẻ phát triển toàn diện, và giảm nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử.
- Làm gương: Là bố mẹ, hãy làm gương cho con bằng cách tự bản thân hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử, đặc biệt là khi ở trước mặt con và tạo ra một môi trường gia đình lành mạnh để trẻ học tập, noi theo những thói quen, lối sống tích cực và khoa học.
- Thảo luận và giáo dục: Hãy thảo luận với con về lợi ích và hạn chế của việc sử dụng thiết bị điện tử. Giúp trẻ hiểu rõ về tác động tiêu cực của việc sử dụng quá mức, và cùng con xây dựng thói quen sử dụng thiết bị điện tử một cách có ý thức và hiệu quả hơn.