Đối với mỗi đứa trẻ, gia đình là bến đỗ tốt nhất và cha mẹ là những người thầy đầu tiên. Muốn con có thể giành lợi thế ngay từ vạch xuất phát, có cơ hội được bộc lộ hết tài năng và trở thành những người có triển vọng trong tương lai thì môi trường gia đình đóng vai trò then chốt.
Là cha mẹ, mong muốn lớn nhất là có thể nuôi dạy nên những đứa con xuất sắc. Vậy gia đình như thế nào thì có thể nuôi dạy được những đứa con hạnh phúc và ưu tú? Câu trả lời nằm ở 7 kiểu gia đình sau:
Gia đình coi trọng giáo dục
Gia đình luôn đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của con cái. Khi gia đình coi trọng giáo dục, bố mẹ sẽ dành thời gian, công sức để tạo ra môi trường học tập và phát triển lành mạnh cho trẻ. Điều này sẽ giúp các con trưởng thành thành những con người ưu tú, có tri thức, kỹ năng và nhân cách tốt.
Trong gia đình chú trọng giáo dục, các bậc phụ huynh thường xuyên trao đổi, động viên, khuyến khích con cái học tập và rèn luyện. Bố mẹ cùng lập kế hoạch, mục tiêu phát triển cho con, từ đó định hướng và hỗ trợ các bé đạt được thành tích tốt. Bên cạnh đó, gia đình còn tạo điều kiện để con tham gia các hoạt động ngoại khóa, phát triển sở thích, năng khiếu, kỹ năng mềm.
Nhờ sự quan tâm, đầu tư chỉn chu từ gia đình, trẻ sẽ trưởng thành có tư duy độc lập, tinh thần trách nhiệm cao, và những phẩm chất tốt đẹp.
Gia đình tích cực và lạc quan
Đại văn hào Charles Dickens từng nói: "Tâm thái tốt có sức mạnh hơn 100 loại trí tuệ". Tinh thần sẽ là sức mạnh cốt lõi của một con người và là liều thuốc chữa lành mọi thứ trong cuộc sống.
Nếu một đứa trẻ có tâm lý tốt, chúng có thể đối mặt với những thất bại trong cuộc sống và những thăng trầm của thời gian một cách bình tĩnh hơn, nhờ đó mà cuộc sống thêm tràn đầy lạc quan và hy vọng.
Trạng thái của một đứa trẻ tốt hay xấu phần lớn đều bị ảnh hưởng bởi gia đình. Nếu cha mẹ suốt ngày chán nản và lười biếng, con cái cũng sẽ bị lan toả, truyền nguồn năng lượng tiêu cực đó.
Nếu cha mẹ tích cực, lạc quan và luôn làm việc với lòng nhiệt huyết thì con cái sẽ rất vui vẻ, hạnh phúc khi được sống và lớn lên lâu dài trong môi trường như vậy, và đương nhiên trẻ sẽ học được cách bình tĩnh trước mọi khó khăn trong cuộc sống.
Gia đình yêu thương
Giữa các thành viên trong gia đình luôn cần có một sự thấu hiểu, sẻ chia. Dù có những sự cãi vã nhưng vẫn không thể chia cắt hay làm vơi đi tình yêu thương dành cho nhau.
Trong một gia đình ngập tràn tình yêu, yêu vợ, yêu chồng, yêu bố mẹ, yêu con, yêu anh chị em, yêu thú cưng... sẽ luôn tồn tại một loại hạnh phúc.
Thích Nhất Hạnh từng nói: "Chúng ta cần phải học những kỹ thuật tạo ra hạnh phúc. Nếu chúng ta bị ảnh hưởng bởi việc cha mẹ tạo ra hạnh phúc ở nhà khi còn nhỏ, thì tự nhiên chúng ta sẽ biết cách thực hiện điều đó".
Tình yêu thương là chất dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ trên hành trình trưởng thành. Trẻ lớn lên trong một gia đình yêu thương sẽ tự nhiên học được cách yêu thương.
Gia đình biết tôn trọng
Tiền đề của sự tôn trọng là tin tưởng. Mỗi người đều có hàng ngàn khả năng trong cuộc sống, và quyền lựa chọn thuộc về chính mình. Điều cha mẹ nên làm là tin rằng, con cái có thể tự giải quyết vấn đề của mình. Cha mẹ nên là người đưa ra ý kiến hỗ trợ con, chứ không phải là người thay con đưa ra quyết định.
Hãy để trẻ lớn lên trong những lựa chọn và học cách gánh chịu hậu quả, thay vì cha mẹ lên sẵn kế hoạch cho cuộc đời và buộc con phải thực hiện theo.
Tôn trọng trẻ có nghĩa là tôn trọng cảm xúc của trẻ, tức là xuất phát từ góc nhìn của trẻ, hiểu cảm xúc của trẻ, tôn trọng sự riêng tư của trẻ, và bảo vệ lòng tự trọng của trẻ. Đây là những điều cha mẹ nên làm.
Cha mẹ không chỉ nên tôn trọng con cái mà còn phải tôn trọng người khác trong cách cư xử của mình. Khi trẻ lớn lên trong môi trường như vậy, trẻ có thể học cách tôn trọng bản thân và tôn trọng mọi người xung quanh.
Gia đình biết cư xử
Tình yêu và luật lệ không đối lập nhau mà thống nhất với nhau. Việc thiết lập các quy tắc trong gia đình trước hết được thúc đẩy bởi tinh thần trách nhiệm. Cha mẹ có nhận thức này để sửa chữa những thói quen xấu của con cái, và con cái có nhận thức này để làm cho gia đình trở nên tốt đẹp hơn nhờ những thói quen tốt.
Những quy tắc trong gia đình không chỉ dành cho trẻ em mà đối với mọi thành viên trong gia đình, cha mẹ cũng nên nghiêm khắc với bản thân, làm gương cho con cái và thiết lập những quy tắc gia đình tốt ngay từ khi còn nhỏ, những quy tắc này sẽ trở thành thói quen của con.
Có một câu nói được sử dụng quá nhiều trong giáo dục gia đình: Cha mẹ là bản gốc, con cái là bản sao. Nếu bản sao có sai sót thì phải sửa bản gốc. Mỗi nhất cử nhất động của bố mẹ đều sẽ in sâu vào trong tiềm thức trẻ. Chính vì thế mà bố mẹ nên cố gắng trở thành tấm gương sáng để con noi theo.
Gia đình gọn gàng, ngăn nắp
Một môi trường sống gọn gàng, ngăn nắp giúp trẻ hình thành thói quen gắn liền với tính kỷ luật, trật tự. Các con sẽ được rèn luyện tính ngăn nắp từ nhỏ, từ đó dần hình thành tính tự giác, chịu trách nhiệm với bản thân và công việc của mình. Đây chính là nền tảng quan trọng để trẻ trở thành những người tự lập, có khả năng quản lý tốt thời gian và công việc.
Bên cạnh đó, một không gian sống gọn gàng, ngăn nắp còn tạo cảm giác bình yên, thoải mái cho tâm hồn trẻ. Điều này giúp trẻ tập trung vào học tập, phát triển các kỹ năng, sở thích một cách hiệu quả hơn. Từ đó, các con sẽ thể hiện được những thành tích ấn tượng, trở thành những đứa trẻ ưu tú.
Chính vì vậy, việc xây dựng và duy trì một gia đình có lối sống gọn gàng, ngăn nắp là yếu tố quan trọng góp phần nuôi dạy nên những đứa con hạnh phúc và thành công trong tương lai.
Gia đình đề cao tính trải nghiệm
Một gia đình coi trọng việc tạo cơ hội trải nghiệm cho các thành viên, đặc biệt là các con, sẽ luôn biết khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất, nghệ thuật hay các chuyến đi khám phá thiên nhiên. Từ đó, con không chỉ phát triển sức khỏe toàn diện mà còn có cơ hội khám phá và phát triển các sở thích, tài năng của bản thân. Điều này rất quan trọng để trẻ tìm ra định hướng phù hợp và phát triển tối đa tiềm năng của mình.
Bên cạnh đó, kiểu gia đình này còn khuyến khích các con tiếp xúc với nhiều môi trường, văn hóa khác nhau thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi. Nhờ thế mà giúp trẻ mở rộng tầm nhìn, tiếp thu được nhiều kiến thức và kỹ năng mới, trở nên linh hoạt và thích ứng hơn với những thay đổi.
Từ việc được trải nghiệm đa dạng, con cái trong những gia đình như vậy sẽ trở thành những người năng động, sáng tạo và có khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả.