Tốc độ phát triển của mỗi em bé sơ sinh là khác nhau, phụ thuộc phần lớn vào cơ địa, việc trẻ hấp thụ dinh dưỡng từ sữa mẹ và cách bố mẹ chăm sóc. Có nhiều đứa trẻ mới sinh được vài tháng, nhưng đã “trộm vía” rất cứng cáp, lộ rõ sự thông minh, lanh lợi. Được như vậy cũng là điều mà nhiều mẹ bỉm mong muốn, hạnh phúc khi được nhìn thấy con khoẻ mạnh lớn lên, bao nhiêu thời gian, công sức vất vả chăm bẵm con mỗi ngày đều đã tạo ra thành quả xứng đáng.
>>XEM VIDEO: Con gái Lan Phương "trộm vía" cứng cáp, tự ngồi dù mới 5 tháng tuổi.
Sau khi hạ sinh cô con gái lai Tây thứ hai, Lan Phương đã tạm gác lại sự nghiệp nghệ thuật để tập trung làm mẹ bỉm sữa. Đến nay, bé Mia đã tròn 5 tháng tuổi, nữ diễn viên tự hào khoe ái nữ trên trang cá nhân: “Mia bé bỏng của mẹ tròn 5 tháng. 5 tháng ngập tràn tình yêu và hạnh phúc khi mẹ nhìn con lớn lên từng ngày. Bao nhiêu khoảnh khắc đầu tiên, từ lúc con cười, con nhìn dõi theo mẹ ở khoảng cách xa, con ê a nói chuyện, con bám tay mẹ ngồi dậy, con lẫy, con nâng đầu và chân cùng lúc, con tóm được chân, con mút tay, con thích ngồi dậy, con háo hức nhìn chị Lina chơi, con say sưa ngắm nhìn thế giới quanh mình, con biết nhớ mẹ, con mếu khi mẹ đi làm lâu mới về, con tự ngủ… còn nụ cười của con thì lúc nào cũng làm tim mẹ tan chảy. Kẹo bông mềm thơm của mẹ ơi, mẹ yêu con rất nhiều”.
Dù chỉ mới 5 tháng tuổi, nhưng con gái Lan Phương đã có sự phát triển vượt bậc hơn so với nhiều em bé sơ sinh cùng độ tuổi. Mia khá cứng cáp khi đã biết co bụng ngồi dậy, thích bám mẹ để đứng lên. Nhóc tỳ là một em bé hoạt bát, lanh lợi khi suốt ngày bi bô nói chuyện. Lan Phương cho biết, lúc con gái được 3 tháng tuổi đã biết tự lấy tay cầm bình sữa để uống.
Ái nữ nhà Lan Phương và chồng Tây càng lớn càng được khen xinh gái giống mẹ diễn viên. Trong bức ảnh mới nhất được mẹ bỉm sữa Lan Phương đăng tải trên trang cá nhân, ai cũng nhận xét Mia có nụ cười y đúc mẹ. Bên dưới những bài chia sẻ của Lan Phương, nhiều người dành lời khen cho cách chăm con khéo léo của nữ diễn viên.
Tuy nhiên bên cạnh đó, một số phụ huynh lại lên tiếng chỉ trích, cho rằng cô đang cố gắng ép con tập ngồi, tập đứng dù bé chỉ mới 5 tháng tuổi, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến cột sống, xương của đứa trẻ. Trước phản ứng gay gắt của một số bố mẹ bỉm, Lan Phương đã lên tiếng giải thích: “Các bố mẹ ơi, Phương ngạc nhiên vì lần đầu tiên thả tay ra và thấy bé ngồi được trong ghế nệm thì mẹ ngạc nhiên và hạnh phúc, sự thay đổi nào của con cũng mang đến hạnh phúc cho mẹ Phương vậy đó.
Chứ Phương không có ép bé ngồi hay đứng, hay làm gì không phù hợp với bé cả. Bé chưa đủ cứng cáp, chưa làm được thì Phương không thể bắt bé làm gì cả. Còn khi bé đủ cứng cáp, muốn chơi trò đứng lên ngồi xuống với mẹ thì Phương chơi với bé. Làm mẹ quan trọng nhất luôn là quan sát con, hiểu con đang thế nào để chơi với con và hỗ trợ con tốt nhất, phải không các mẹ”.
Vì sao bố mẹ không nên tập cho con sơ sinh ngồi sớm?
- Sự phát triển của cột sống: Cột sống của trẻ sơ sinh còn non yếu, chưa đủ cứng chắc để chịu đựng trọng lượng cơ thể khi ngồi. Ép buộc trẻ ngồi quá sớm có thể làm ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển bình thường của cột sống.
- Sự phát triển của cơ bắp: Các cơ ở vùng lưng và cổ của trẻ sơ sinh còn yếu, chưa đủ sức để giữ vững đầu và thân mình khi ngồi. Tập ngồi quá sớm có thể làm căng, mỏi các cơ này.
- Rủi ro về an toàn: Khi ngồi, trẻ sơ sinh dễ mất thăng bằng và ngã về phía trước, sau hoặc sang hai bên, gây nguy hiểm cho sự an toàn của bé.
- Ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên: Trẻ sơ sinh cần được nằm, nghỉ ngơi, vặn vẹo và khám phá các tư thế một cách tự nhiên để tăng cường sự phát triển toàn diện.
Lưu ý khi tập ngồi cho trẻ:
- Khuyến khích thực hành thường xuyên: Khi con bạn đang học cách ngồi, hãy tránh giúp đỡ quá nhiều. Thay vào đó, hãy tạo một không gian riêng biệt và an toàn để bé có thể tự do khám phá và thử các chuyển động của cơ thể. Khi con có thể nâng đầu và thân trên lên, con sẽ học cách dùng phần mông và chân để tự ngồi dậy.
- Tập nằm sấp: Dành 2-3 buổi tập nằm sấp mỗi ngày. Hoạt động này sẽ tăng cường cơ cổ và cơ lõi, qua đó xây dựng nền tảng cho việc ngồi, lăn và bò. Nếu con bạn không thích tập nằm sấp, hãy bắt đầu với những khoảng thời gian ngắn và dần dần tăng thời lượng.
- Khuyến khích ngồi: Đặt các đồ chơi hấp dẫn xung quanh con bạn để khuyến khích bé ngồi lên và với lấy. Đừng quá gấp gáp trong việc thúc đẩy con ngồi - mỗi trẻ em phát triển theo nhịp độ riêng. Ép buộc ngồi quá sớm có thể cản trở sự phát triển của các kỹ năng quan trọng khác. Hãy đợi đến khi con bạn sẵn sàng.
- Hỗ trợ tập ngồi: Bạn có thể ôm con trong lòng để hỗ trợ bé tập ngồi. Chỉ cần chú ý duy trì đường cột sống thẳng. Trong thời gian này, hãy kết nối với con thông qua các hoạt động như nghe nhạc, đọc sách hoặc chơi trò chơi tương tác.
- Tạo môi trường an toàn: Khi cho phép con ngồi độc lập, đảm bảo không gian an toàn, không có nguy hiểm như ổ cắm điện, cạnh sắc hoặc những vật nhỏ có thể gây nghẹt thở. Bạn cũng có thể đặt gối hoặc đệm xung quanh con để hỗ trợ khi bé ngã.
- Không quá phụ thuộc vào dụng cụ hỗ trợ: Tránh quá phụ thuộc vào các thiết bị hỗ trợ ngồi đặc biệt. Thay vào đó, hãy khuyến khích con bạn xây dựng sức mạnh cơ lõi và cân bằng thông qua các hoạt động tập luyện tự nhiên, không cần hỗ trợ.