Chờ đến hè mới điều trị u quái buồng trứng để con đi học
U quái buồng trứng hay còn gọi là u bì buồng trứng, u nang bì buồng trứng hay teratoma buồng trứng, có nguồn gốc phát triển từ tế bào mầm nguyên thủy của buồng trứng. Chúng có thể lành tính hoặc ác tính.
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, u quái buồng trứng có liên quan đến bệnh viêm não tự miễn, nhất là ở những phụ nữ trẻ. Bác sĩ Hùng cho biết, trong 18 tháng qua, bệnh viện đã tiếp nhận 6 ca là nữ mắc viêm não tự miễn có u quái buồng trứng. Một trong những ca bệnh phức tạp mà bệnh viện đang điều trị là nữ sinh 16 tuổi, tên Tuyết Nhi (ở Bình Dương) bị viêm não tự miễn có khối u ở cả 2 bên buồng trứng.
Bác sĩ đang kiểm tra sức khỏe cho Tuyết Nhi. Ảnh: BVCC.
Trước đó, mẹ nữ sinh cũng bị u buồng trứng, được phẫu thuật thành công tại Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) và có sức khỏe bình thường. Tuyết Nhi cũng có các biểu hiện giống mẹ trước đó nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Hùng Vương khám. Từ các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện nữ sinh có u quái buồng trứng, được khuyến cáo nên làm phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, gia đình xin cho con gái đến hè mới điều trị, vì Tuyết Nhi đang đi học.
Bác sĩ cố gắng bảo tồn trứng cho bệnh nhân có cơ hội làm mẹ nhưng không thể
Bác sĩ Hùng cho biết, bệnh viêm não tự miễn phát triển âm thầm. Thời điểm phát hiện u quái buồng trứng, Tuyết Nhi cũng đã mắc viêm não tự miễn, nhưng vì không phát hiện, điều trị khiến bệnh tiến triển quá nhanh. Khi được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy thì quá trễ, Tuyết Nhi đã rơi vào tình trạng rối loạn vận động, hôn mê, co giật… Các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cho thấy, nữ sinh 16 tuổi bị u quái hai bên buồng trứng, viêm não tự miễn do kháng thể kháng NMDAR.
TS.BS Lê Quốc Hùng rất đáng tiếc cho trường hợp của Tuyết Nhi. Ảnh: BVCC.
“Sau khi hội chẩn với bác sĩ tại Bệnh viện Hùng Vương, chúng tôi quyết định phẫu thuật xử lý khối u cho bệnh nhân. Khi mở ổ bụng thăm dò, nhận thấy cả hai bên buồng trứng của bệnh nhân đã tổn thương khá lớn, chúng tôi cố gắng bóc tách giữ lại buồng trứng một bên cho bệnh nhân nhưng không thể.
Chúng tôi cũng tìm đến phương án chọn lọc các trứng non còn sót lại gửi đi lưu trữ để giúp em làm mẹ sau này. Tuy nhiên, khối u phát triển quá nhanh, chỉ còn lại 8 mẫu mô buồng trứng, đây là điều rất đáng tiếc”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Bác sĩ Hùng cho biết, trải qua 3 lần phẫu thuật xử lý khối u, thực hiện kỹ thuật thay huyết tương hơn 20 lần, lọc máu, dùng kháng thể đơn dòng… chi phí điều trị cho Tuyết Nhi đã lên đến hơn 1,3 tỷ đồng. Hiện nữ bệnh nhân vẫn đang được theo dõi, điều trị tích cực nhưng trong tương lai, em phải đối mặt với 2 vấn đề là không thể có con và phải điều trị hormone sinh dục cả đời do bị rối loạn hormone.
U quái buồng trứng sinh kháng thể NMDAR còn mới với bác sĩ Sản khoa
Theo BS.CKII Huỳnh Thị Thúy Mai, Trưởng khoa Hậu sản, Bệnh viện Hùng Vương, phẫu thuật bóc u buồng trứng khá đơn giản, hầu như bác sĩ nào cũng làm được. Thông thường, u quái buồng trứng trên 5cm mới phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u. Còn với u dưới 5cm sẽ được chỉ định theo dõi theo phác đồ của Bộ Y tế trong 1 năm, nếu có biến chứng như xoắn, có yếu tố nguy cơ ung thư mới phẫu thuật cắt bỏ. “Việc mổ u quái buồng trứng sớm quá sẽ ảnh hưởng đến sinh sản, dự trữ buồng trứng và nội tiết tố nữ. Vì thế mổ hay không chúng tôi phải cân nhắc kỹ”, bác sĩ Mai chia sẻ.
Bác sĩ Mai cho biết, đối với bác sĩ sản, bệnh viêm não tự miễn còn rất mới, nhất là liên quan đến u quái buồng trứng sinh kháng thể NMDAR của bệnh viêm não tự miễn. “Khi phát hiện ca u buồng trứng, chúng tôi chỉ quan tâm u đó lành hay ác, chỉ định phẫu thuật dựa trên kích thước của khối u. Còn u buồng trứng phát sinh ra kháng thể tạo viêm não tự miễn đối với chúng tôi rất mới và hiếm. Khi phát hiện ca bệnh trên, chúng tôi đã đeo bám tìm hiểu nguyên nhân từ phía người nhà bệnh nhân, thông tin từ các đồng nghiệp. Chúng tôi cũng kiểm tra lại hồ sơ của 4.000 ca đến bệnh viện khám, can thiệp u quái buồng trứng. Trong đó, có 98% ca là u quái trưởng thành lành tính, có khoảng 600 ca u quái trưởng thành và chưa trưởng thành ác tính cao, cần điều trị tiếp”, bác sĩ Mai thông tin.
Theo các bác sĩ, viêm não tự miễn là căn bệnh nguy hiểm, nguy cơ tư vong cao, chi phí điều trị rất lớn. Ảnh: BVCC.
Qua trường hợp của Tuyết Nhi, bác sĩ Mai cho rằng, nó là hồi chuông cảnh báo, cần có những nghiên cứu chuyên sâu để xem xét thêm về vấn đề theo dõi khả năng phát triển thành bệnh viêm não tự miễn từ u quái buồng trứng do kháng thể kháng NMDAR ở mảng Phụ khoa.
Dấu hiệu của bệnh viêm não tự miễn
Theo bác sĩ Hùng, viêm não có thể gặp ở tất cả mọi người, có thể liên quan tế bào thần kinh, một loại virus nào đó, giống như virus cảm cúm cũng có thể kích hoạt kháng thể NMDAR. “Trong quá trình tiếp nhận và điều trị cho người bệnh, chúng tôi nhận thấy có 50% bệnh nhân nữ có u quái buồng trứng, còn lại là phát hiện khi khám bệnh định kỳ, tầm soát các khối u”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Trước sự nguy hiểm của căn bệnh viêm não tự miễn, bác sĩ Hùng khuyến cáo, bệnh thường gặp ở phụ nữ trẻ, đặc biệt ở người có u quái buồng trứng và tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Ngoài ra, việc điều trị rất khó khăn, phức tạp, chi phí cũng sẽ rất cao nếu bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nặng. Để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, bác sĩ Hùng khuyến cáo người dân cần:
- Phụ nữ tầm soát kháng thể NMDA khi phát hiện có u buồng trứng để loại trừ nguy cơ hoặc được điều trị sớm.
- Khi có các dấu hiệu thay đổi thói quen, tinh thần, giảm trí nhớ hay có vận động bất thường không chủ ý, lên cơn co giật không rõ lý do… cần nhanh chóng đến bệnh viện, tránh bỏ qua “thời gian vàng” điều trị.
- Đối với trẻ tuổi dậy thì, nhất là các bé gái, nếu bé có các câu nói, việc làm bất thường, thay đổi tâm sinh lý… ngoài nghĩ đó là do tâm sinh lý tuổi dậy thì, cha mẹ cũng nên đưa đi kiểm tra các vấn đề về não.
* Tên bệnh nhân đã thay đổi.