Nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Ohio, vào năm 2017 đã phát hiện ra rằng những cái ôm có tác động cực kỳ tích cực đến sự phát triển trí não của trẻ, cả trong giai đoạn sơ sinh và cuộc sống sau này.
Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu với các 125 trẻ sinh đủ tháng và sinh non về cách trẻ phản ứng với hành động âu yếm của cha mẹ và nhân viên y tế, những đứa trẻ nhận được tất cả tình cảm đó sẽ ghi lại những phản ứng của não bộ mạnh mẽ hơn so với khi trẻ không nhận được sự chăm sóc, âu yếm nào.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng những bé sinh thiếu tháng được cha mẹ bế hoặc tiếp xúc thường xuyên cũng có thể phản ứng như những trẻ đủ tháng. Nói cách khác ôm ấp nhiều có thể giúp trẻ thiếu tháng bắt kịp và đạt được tất cả những lợi ích phát triển của sự tiếp xúc từ cha mẹ như những trẻ đủ tháng.
Nathalie Maitre, một trong những nhà nghiên cứu của dự án cho biết: “Việc đảm bảo rằng trẻ sinh non nhận được sự tiếp xúc tích cực, hỗ trợ như chăm sóc có tiếp xúc da thịt là điều cần thiết giúp bộ não của bé phản ứng với sự đụng chạm nhẹ nhàng, giống như những đứa trẻ đã trải qua toàn bộ thai kỳ trong bụng mẹ”.
Vậy tại sao cha mẹ ôm giúp bé thông minh hơn? Các nhà nghiên cứu đã đưa ra những giải thích cụ thể cho vấn đề này.
Ôm giúp trẻ tiết ra oxytocin
Các nhà khoa học cho rằng khi cha mẹ ôm trẻ sẽ sản sinh ra nhiều oxytocin, một loại hormone giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, tạo cảm giác an toàn và thoải mái hơn.
Oxytocin hay còn được gọi là “hormone tình yêu”, là một nội tiết tố quan trọng trong cơ thể, liên quan đến sự đồng cảm, tin tưởng và quá trình xây dựng một mối quan hệ tốt. Nhờ cảm thấy được an tâm, tin tưởng mà những hoóc-môn có lợi cho quá trình phát triển cũng sẽ được tiết ra, giúp trẻ hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, phát triển tốt hơn.
Trẻ sơ sinh trong giai đoạn phát triển ban đầu nhận được nhiều cái ôm sẽ sống với bộ não phát triển hơn sau này trong cuộc sống.
Đồng thời, mức độ tăng hormone oxytocin khi ôm trẻ có thể tăng cường hệ thống miễn dịch, nó làm giảm nồng độ hormone tuyến giáp trong huyết tương khiến vết thương nhanh lành hơn, cơ thể trẻ nhờ đó sẽ tăng sức mạnh, tăng độ dẻo dai hơn.
Khi cha mẹ ôm trẻ sẽ sản sinh ra nhiều oxytocin, một loại hormone giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, tạo cảm giác an toàn và thoải mái hơn.
Tạo sự liên kết với cha mẹ
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng ôm là một cách khác để trẻ cảm nhận được sự liên kết với cha mẹ. Ôm rõ ràng là một việc làm tích cực, có nghĩa là trẻ cũng sẽ hiểu được những tình cảm từ mẹ, thúc đẩy sự phát triển tư duy lý trí của trẻ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cha mẹ càng ôm con càng nhiều thì giúp não bộ của bé càng phát triển. Những cái ôm giúp ngăn cơn giận dữ của trẻ, tăng cường sự gắn kết giữa cha mẹ và trẻ, giúp bé phát triển khỏa mạnh và hạnh phúc hơn. Những cái ôm ấp, vỗ về của cha mẹ còn mang đến cho con cảm giác an toàn, điều mà một đứa trẻ rất cần, nhất là những năm đầu đời.
Ôm là một cách khác để trẻ cảm nhận được sự liên kết với cha mẹ.
Phát triển vận động tay chân
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra ra, yếu tố thể chất cũng tác động cao đến sự phát triển trí não của trẻ. Bởi khi có sự tiếp xúc đụng chạm từ cha mẹ, trẻ sẽ sử dụng những cử động từ tay chân như là cách phản hồi, phối hợp lại với những hành động của cha mẹ, điều này kích thích sự phát triển cơ tay chân và hệ thần kinh của trẻ.
Thêm vào đó, theo phương cách này cũng giúp trẻ dễ dàng giao tiếp, bộc lộ cảm xúc và hiểu được những gì mọi người đang nói. Sự giao tiếp bằng hình thức này cho thấy trẻ nhanh nhạy và dễ tiếp thu hơn.
Do đó, nếu cha mẹ phản hồi một cách dễ chịu và khuyến khích trẻ, sự tương tác này cũng giúp phát triển cảm giác đồng cảm, dựa trên sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, giúp trẻ tạo ra nền tảng tốt phát triển quy tắc đạo đức trong cuộc sống sau này.
Cuối cùng, nhà nghiên cứu Nathan Fox cho biết: “Những cái ôm có thể thực sự tác động đến cách não bộ xử lý, một cảm giác cần thiết cho việc học hỏi và kết nối cảm xúc xã hội của trẻ về sau”.
Những cái ôm của cha mẹ cũng giúp trẻ phát triển vận động chân tay và hệ thần kinh.