Tất cả những gì cần là sự sẵn lòng bắt đầu và tin rằng con mình hiểu và thực hành được, tùy theo lứa tuổi mà lựa chọn các kỹ năng phù hợp để dạy trẻ. Chương trình giáo dục cộng đồng “Sinh Con, Sinh Cha” khuyên các phụ huynh nên bắt đầu dạy con những kỹ năng an toàn thiết yếu ngay tại nhà từ khi con còn rất nhỏ, giúp con xây dựng sự tự tin, khả năng ứng biến và bảo đảm an toàn trong nhiều tình huống khác nhau, cha mẹ sẽ không thể ở bên con 24/7 để bảo vệ con mãi được.
Dạy con an toàn khi ở nhà để hạn chế những thương tích không mong muốn
Nếu nghĩ “nhà là an toàn”, hẳn nhiều cha mẹ sẽ suy nghĩ lại khi biết được theo thống kê của Bộ Y tế, trong số hơn 370.000 trẻ bị tai nạn mỗi năm ở nước ta, có nhiều tai nạn xảy ra ngay tại nhà. Nguyên nhân đến từ sự tò mò, hiếu động của bé và cả sự bất cẩn, chủ quan của người lớn.
Nếu người lớn dễ dàng phân biệt được điều gì nguy hiểm, vật nào không thể đụng vào thì trong mắt các con, chúng đều là những món đồ mới mẻ có sức hấp dẫn lạ kỳ, thôi thúc các con chạm vào, cầm nắm để khám phá. Bên cạnh đó, với cơ thể nhỏ xinh của con, tất cả những vật dụng dù ít nguy hiểm nhưng nếu đặt ở trên cao đều trở nên có tính sát thương.
Vì con đang trong độ tuổi khám phá, cha mẹ không thể ngăn cản hoặc la mắng các nhà “thám hiểm” nhí. Ngược lại, bố mẹ càng phải khuyến khích con tìm hiểu mọi điều xung quanh để tận dụng được thời kỳ vàng trong giai đoạn phát triển não của bé - giai đoạn từ 0 - 6 tuổi. Việc bố mẹ có thể làm là chủ động tạo nên một môi trường an toàn cho con, đồng thời trang bị cho con kỹ năng an toàn cơ bản nhưng cần thiết.
Nhiều cha mẹ tập trung cho con học những kỹ năng nâng cao mà quên đi những kỹ năng cơ bản nhưng quan trọng như cách xử trí khi bị lạc tại nơi công cộng, kỹ năng qua đường, kỹ năng an toàn với nước…
Làm sao để tạo môi trường an toàn cho con? Bí quyết chính là nhìn theo cách nhìn của con để hình dung con sẽ tiếp cận những đồ vật thế nào và “ra tay” “xử lý” những mặt nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho con, chẳng hạn như: Giảm thiểu tai nạn về điện bằng cách che các ổ điện, buộc dây điện và cất các thiết bị xa khỏi tầm với của con; Trang bị kỹ năng bơi cho con từ nhỏ để hạn chế nguy cơ đuối nước; Luôn để con tránh xa khu vực làm bếp và cất các thiết bị bếp, dao kéo sắc nhọn ngoài tầm với của trẻ nhỏ, dạy trẻ lớn hơn cách sử dụng dao kéo an toàn…; Áp dụng các biện pháp chống trơn trượt trong nhà, trong buồng tắm, rào chắn kỹ khu vực cầu thang, lan can, cửa ra vào…; Bao bọc các đồ vật, góc cạnh sắc nhọn bằng đầu mút an toàn…
Song song đó, tùy theo độ tuổi của con, cha mẹ có thể dạy con hiểu rõ cách sử dụng một số vật dụng trong nhà. Khi được hướng dẫn đúng, con có thể phụ cha mẹ làm việc nhà, giúp bé tăng tính tự lập từ sớm. Chẳng hạn như ở nước ngoài, nhiều trẻ 4 - 5 tuổi đã vào bếp phụ mẹ hoặc có thể chuẩn bị thức ăn cho cả nhà.
Cha mẹ cũng có thể thiết lập với con những nguyên tắc khi ở nhà một mình đối với trẻ lớn hơn một chút như: Không mở cửa cho bất cứ ai; Luôn khóa tất cả các cửa; Không ra khỏi nhà; Chỉ trả lời điện thoại của người nhà; Học thuộc số điện thoại của cha mẹ, người thân và số điện thoại khẩn cấp.
Không bao giờ quá sớm để dạy con kỹ năng an toàn
Video ngắn mới đây của chương trình “Sinh Con, Sinh Cha” như một lời cảnh tỉnh cha mẹ rằng cuộc sống có thể xảy ra muôn vạn tình huống khác nhau, bố mẹ không thể nào theo sát con mãi, cách bảo vệ con tốt nhất là dạy con bảo vệ chính mình.
“Sinh Con, Sinh Cha” (mùa 2) – Tập 2 – Trẻ nhỏ có cần học những kỹ năng an toàn?
Cha mẹ có thể dạy con những nguyên tắc an toàn cá nhân: Tin tưởng vào cảm xúc của con và phân biệt giữa "có" và "không" an toàn; Mạnh mẽ nói “không” với người lớn khi con cảm thấy không an toàn và không chắc chắn. Cơ thể của con thuộc quyền sở hữu của con và không ai có quyền chạm vào kể cả họ hàng người quen. Con luôn có thể nói chuyện với người mà con tin cậy đặc biệt là cha mẹ, kể cả khi điều đó có đáng sợ hoặc khủng khiếp thì con cần hiểu rằng con sẽ an toàn và không bị la mắng khi nói ra.
Bên cạnh đó, việc dạy trẻ kỹ năng xử lý tình huống là một việc cực kỳ cấp thiết. Đó có thể là những tình huống thường thấy như khi tham gia giao thông trên đường, gặp người lạ, cho đến những trường hợp nguy cấp hơn như khi lạc cha mẹ, gặp hỏa hoạn, bị bắt cóc. Cha mẹ cần thường xuyên lặp đi lặp lại để con ghi nhớ vào đầu, có thể bằng hình thức trò chuyện hoặc những trò chơi giả định tình huống để con nhớ lâu hơn.
Học qua lao động “thực chiến” là cách học hiệu quả nhất: Những công việc nhà hàng ngày như nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, làm vườn… sẽ giúp trẻ trẻ phát triển trí tuệ và các kỹ năng vận động tinh, thô, đồng thời phát triển các hành vi, đức tính tốt đẹp của con, con sẽ học được những kỹ năng sống quan trọng cũng như những kỹ năng giữ an toàn cho bản thân.
“Sinh Con, Sinh Cha” gợi ý cha mẹ có thể hướng dẫn con giúp việc nhà như chuẩn bị thức ăn, rửa bát… và theo đó con cũng có thể học những kỹ năng giữ an toàn cho bản thân như sử dụng những vật sắc nhọn, thao tác với vật dễ rơi vỡ…
Không khó để dạy con kỹ năng an toàn. Tất cả những gì bố mẹ cần là sự sẵn lòng bắt đầu, thời gian bên con và một số trợ giúp về nội dung. Bố mẹ có thể theo dõi fanpage The Human Safety Việt Nam hoặc tham gia các chương trình “Sinh Con, Sinh Cha” để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức bổ ích về chăm sóc, nuôi dạy con. “Sinh Con, Sinh Cha” là chương trình giáo dục cộng đồng về làm cha mẹ được biên soạn và xây dựng bởi Generali Việt Nam và Quỹ BTTEVN với tài liệu tham khảo từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).