Trong thời gian mang thai, bác sĩ luôn khuyến cáo mẹ bầu phải đi khám thai đầy đủ, đúng lịch để theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ. Cùng với đó, mẹ đi khám thai đầy đủ cũng sẽ được bác sĩ xác định ngày dự sinh cũng như tư vấn về phương pháp sinh phù hợp để tránh tình huống đẻ rơi như bà mẹ dưới đây.
Hôm qua (ngày 22/2), bác sĩ chuyên khoa 1 Huỳnh Thị Đào, phó trưởng khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) đã thông tin về một ca sinh nở hy hữu diễn ra tại đây.
Sản phụ tên T.S. (20 tuổi, sống tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) mang song thai khoảng 35 tuần. Trong thai kỳ, chị không đi khám thai thường xuyên và đầy đủ nên không nhớ ngày dự sinh. Ngày 18/2, đang ở nhà thì sản phụ này bị đau bụng, đẻ rơi một bé gái. Người chồng kịp thời phát hiện, gọi xe cấp cứu.
Nhận được thông tin, các y bác sĩ đã lên đường ngay, có mặt ở nhà chị T.S. chỉ sau 10 phút. Lúc này, sản phụ và gia đình khá hoảng loạn. Nhân viên trạm y tế gần nhà sản phụ đã có mặt sơ cứu cho mẹ và cắt dây rốn, giữ ấm cho bé gái chào đời trước. Bé cân nặng 2,3 kg.
Chị T.S. đẻ thường 2 bé ở 2 địa điểm khác nhau.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định thai nhi thứ hai vẫn còn sống trong bụng mẹ. Tim thai đập 134 lần mỗi phút, ngôi thai khó xác định, túi ối còn. Ê kíp cấp cứu vừa cầm máu, lấy băng ca vận chuyển người mẹ lên xe cứu thương, vừa kích hoạt quy trình báo động đỏ tại bệnh viện.
Rất nhanh, chị S. được đưa vào phòng sinh bệnh viện. Hình ảnh siêu âm cho thấy trong bụng mẹ em bé còn sống, lưng quay về phía dưới tử cung, đầu bé ở hông bên trái tử cung.
"Lúc ấy chỉ có cách xoay thai ngoài mới giúp em bé sinh thường qua ngả âm đạo được. Nếu không, bắt buộc phải mổ lấy thai", bác sĩ Đào chia sẻ. Theo bác sĩ Đào, phương pháp ngoại xoay thai là một kỹ thuật khó, đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng và nhanh chóng giữa nhóm ba bác sĩ sản khoa. Cụ thể, một bác sĩ kiểm tra ngôi thai dưới siêu âm, một bác sĩ đỡ sinh, một bác sĩ dùng hai tay trực tiếp xoay lại vị trí thai nhi qua thành bụng sản phụ.
Thủ thuật ngoại xoay thai diễn ra nhanh chóng, đầu thai nhi được xoay đúng hướng về khung chậu và giữ cố định. Lúc này bác sĩ làm vỡ màng ối, để nước ối thoát ra ngoài, cùng với cơn gò tử cung và sức rặn của sản phụ đã sinh thường thành công bé gái thứ hai, nặng 2,4 kg. Bé hồng hào, khóc to.
Ba mẹ con hiện đang được theo dõi sức khỏe ở bệnh viện.
Bác sĩ cho biết trẻ sinh non (khi chưa đủ 39-40 tuần thai) có nguy cơ suy hô hấp khi sinh, xuất huyết não, hạ thân nhiệt, vàng da sớm, dễ nhiễm trùng... Ba mẹ con chị S. hiện đang tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.
Qua trường hợp sinh song thai hy hữu này, bác sĩ Đào khuyên các mẹ bầu trong thai kỳ cần đến bệnh viện thăm khám, theo dõi kỹ. Đặc biệt, ở thai kỳ nguy cơ cao như song thai, sản phụ và gia đình cần chú trọng theo dõi các biểu hiện nguy hiểm hay dấu hiệu sinh non.
Dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu cần biết Đẻ rơi ngoại viện luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả mẹ và thai nhi. Do đó trong thời gian mang bầu, đặc biệt ở tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu phải lưu ý những dấu hiệu sắp sinh dưới đây để kịp thời nhập viện: - Bụng bầu tụt xuống, sa bụng; - Cổ tử cung mở; - Bị chuột rút, đau lưng nhiều hơn; - Tiêu chảy; - Cảm thấy các khớp dãn ra; - Ngừng tăng cân hoặc giảm cân; - Cảm thấy uể oải, chỉ muốn nằm nghỉ; - Dịch nhày âm đạo thay đổi màu sắc, độ kết dính; - Vỡ ối. |