Chị Huyền Trân (27 tuổi, Sài Gòn) đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc bên ông xã Thomas David Selvey (31 tuổi) và 2 con, bé gái 4 tuổi, bé trai 3 tháng tuổi tại Anh. Trải qua 2 lần sinh nở, lần đầu tủi thân khi đi sinh một mình ở Việt Nam và lần thứ 2 nguy kịch chỉ còn 5% cơ hội sống khi sinh ở Anh, chị Huyền Trân đến bây giờ vẫn còn nhớ như in.
Tổ ấm nhỏ của chị Huyền Trân hiện tại.
Chị Huyền Trân và anh Thomas quen nhau qua một ứng dụng hẹn hò vào năm 2015. Khi ấy, chị 22 tuổi làm kế toán ở TP. HCM còn anh Thomas 26 tuổi làm xây dựng ở Anh. Ngày đầu gặp nhau của anh chị cũng là ngày cuối cùng anh Thomas ở lại Việt Nam sau một tháng du lịch. Dù có cuộc gặp ngắn ngủi nhưng sự hồn nhiên của chị đã khiến anh rung động và quyết định đặt vé quay lại Việt Nam sau 1 tháng về nước.
Lần gặp thứ 2 này, sự lãng mạn, ga lăng của anh Thomas đã chinh phục hoàn toàn trái tim chị Huyền Trân. Tuy nhiên, một tháng sau, khi hay tin có bầu thông báo cho anh, chị Huyền Trân chết lặng vì anh Thomas không xác định gì cả, anh nói mình còn quá trẻ, chưa sẵn sàng lập gia đình và không dám nói chuyện với bố mẹ. Hơn nữa, cả 2 lại quá xa nên không thể cưới được và thu nhập của anh chỉ đủ đáp ứng cuộc sống một mình với đam mê du lịch. Anh đã mất tích và cắt đứt mọi liên lạc với chị sau đó.
Không muốn con sinh ra không có một gia đình hoàn hảo nên chị Huyền Trân đã nghĩ đến việc bỏ con khi tuyệt vọng. Vậy nhưng cứ đến cổng viện chị lại khóc quay về và rồi cuối cùng chị quyết định làm mẹ đơn thân.
Chị từng nghĩ sẽ làm mẹ đơn thân khi ông xã cắt mọi liên lạc.
Mang bầu 12 tuần, chị Huyền Trân khá lo lắng khi nghe bác sĩ thông báo có khối u một bên buồng trứng, khối u lành tính sẽ không ảnh hưởng gì khi mang thai nhưng cần phẫu thuật nội soi cắt bỏ. Tuy nhiên vì sợ ảnh hưởng đến thai còn quá bé cũng như lo sau này sẽ khó có con nên chị quyết định giữ khối u chờ sau sinh rồi mới mổ. Chưa hết lo lắng này đến lo lắng khác, cùng lúc đó chị bị tiểu đường thai kỳ, thai to khi 38 tuần nặng 3,8kg.
Bao khó khăn khi mang bầu ập tới tưởng như nhấn chìm chị Huyền Trân nhưng may mắn chị được bố mẹ không trách mắng khi trót dại mà luôn an ủi động viên cùng chị nuôi con, nuôi cháu. Không những vậy, tháng thứ 6 thai kỳ, anh Thomas và mẹ anh đã liên lạc trở lại với chị. Anh bù đắp bằng vật chất và hàng tháng gửi phí sinh hoạt về, còn mẹ chồng cũng thường xuyên liên lạc, gửi quà về cho 2 mẹ con chị.
“Bé đầu mình bị tiểu đường thai kỳ phải mổ cấp cứu vì sợ tim thai ngừng đập, nguy hiểm cả mẹ cả con. Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ, ca mổ kéo dài khoảng 30 phút mẹ tròn con vuông, cùng lúc họ lấy khối u ra với em bé ra. Sau khi sinh, ông xã và cả gia đình chồng mình sang thăm bé và đón mình sang Anh sống cuối năm 2017”, chị Trân nhớ lại ngày đi sinh bé đầu khi không có ông xã ở bên.
Bé đầu sinh tháng 6/2016 ở BV Từ Dũ khiến ai cũng trầm trồ vì tóc vàng hoe.
Sau khi sang Anh được 2 năm, chị Huyền Trân mang bầu bé thứ 2. Để bù đắp cho lần đầu chưa trọn vẹn trách nhiệm làm bố, anh Thomas chăm sóc chị chu đáo, mỗi lần đi khám thai anh đều xin nghỉ ở nhà để đi cùng chị. Thấy vợ có thai mệt mỏi anh cũng chủ động làm hết việc nhà, nấu ăn, giặt giũ, lo cho con gái lớn. Còn mẹ chồng chị, sửa sang lại phòng ốc, mua thêm giường mới để cháu gái lớn có thể dùng. Bà còn sắm tất cả mọi thứ cho em bé đến lúc một tuổi khiến chị không phải tốn tiền mua đồ cho các con từ quần áo, xe đẩy, thuốc, ghế ăn dặm, đồ chơi, giường, cũi, ghế tập ngồi, thuốc, tã,...
Chia sẻ về chế độ chăm sóc thai kỳ ở Anh, chị Huyền Trân cho biết, ở đây ngoại trừ những trường hợp đặc biệt nếu không có vấn đề gì, cả thai kỳ chỉ cần siêu âm 2 lần vào 12 tuần tuổi và 20 tuần tuổi. Sau đó, mẹ bầu chỉ cần gặp bà mụ. Do chị sinh mổ trước đó nên quá trình mang thai được siêu âm 4 lần. Mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ và lần nào bác sĩ cũng nói chị hoàn toàn có thể sinh thường sau 4 năm sinh mổ dù buổi cuối cùng siêu âm thai nặng 3,2kg.
Mặc dù yên tâm với nền y khoa phát triển ở Anh nhưng chị vẫn rất lo, chị sợ đau 2 lần, sợ không đẻ thường được vẫn phải mổ và đã xin bác sĩ sinh mổ. Vì bản thân không có kiến thức y khoa nên khi bác sĩ nói khả năng sơ xuất chỉ có một triệu ca có một nên chị đặt niềm tin tuyệt đối vào bác sĩ.
Ông xã chăm sóc chị chu đáo khi mang bầu bé thứ 2 để bù đắp cho chị.
Sinh mổ lần đầu nhưng khi sang Anh sinh bé thứ 2 sau 4 năm chị Trân vẫn được bác sĩ cho sinh thường.
Mang bầu bé thứ 2 đến 40 tuần chưa có dấu hiệu sinh, chị Huyền Trân vẫn không được mổ mà được bác sĩ đặt lịch kích sản ở tuần 41. Sau 4 tiếng đau bụng dữ dội từ 1h-5h sáng, tử cung mở 5 phân, chị cũng được đẩy vào phòng sinh và bắt đầu chọc ối.
Chị được gây tê tủy sống khoảng 3h sau đó nhưng đến 3h chiều mới mở được 6 phân. Mặc dù lúc này đã cạn ối nhưng chị vẫn được chỉ định dùng kích sản cuối cùng để mở 10 phân sinh thường mà không được sinh mổ.
Chị Huyền Trân kể: “Lúc đấy mình bắt đầu khó thở, mình nói liên tục với họ là “I can’t breath, I can’t breath”( tôi không thở được) và bảo họ đưa cho ống thở nhưng chẳng ai quan tâm. Họ chỉ bảo mình cố rặn đi. Không thở được và tức giận vì không ai nghe mình nói nhưng mình vẫn phải cố rặn vì sợ em bé sẽ bị ngạt. Mình đuối quá, cố nhưng không rặn nổi, họ phải dùng kẹp để lôi em bé ra, lúc lôi ra được thì em bé không có tim thai phải đưa vào lồng kính, cũng may là sau đấy tim đập trở lại. Em bé chào đời nặng 3,8kg”.
Vợ con nguy kịch, anh Thomas khóc nức nở.
Trong lúc mọi người hoảng loạn lo lấy lại tim thai cho con trai, cùng lúc đó chị Huyền Trân bắt đầu có cơn đau dữ dội. Chị bị xuất huyết do vết mổ cũ bị rách và được đưa vào phòng cấp cứu, gây mê tiến hành mổ cấp cứu gấp.
Chứng kiến con không có tim thai, vợ nguy kịch, anh Thomas hoảng loạn gọi điện khắp nơi cho mọi người và khóc. Đặc biệt, khi anh nghe bác sĩ thông báo gia đình chuẩn bị cho tình huống xấu nhất bởi chị Huyền Trân chỉ có 5% cơ hội sống. 4h trôi qua vẫn chưa nghe tin tức gì của chị, anh càng cuống hơn. Mẹ chồng chị ở xa biết chuyện cũng khóc rất nhiều, bà còn gọi điện lên bệnh viện mắng và đòi kiện.
“11h đêm hôm đó mình mở mắt có tiếng cô y tá hô lên “Cô ấy tỉnh rồi” và tiếng mọi người vỗ tay rất to. Cô y tá đến nói với mình “cô đã qua cơn nguy kịch rồi, hãy nghỉ ngơi đi, sáng mai bác sĩ sẽ kiểm tra và chắc chắn rằng cô có thể tự thở được sẽ rút ống thở ra”
Suốt đêm hôm đấy đến sáng mình được kiểm tra và đo huyết áp liên tục, đến khoảng 9h sáng, bác sĩ vào rút ống thở và cho thở oxy. Sau đó, chồng và con mình vào gặp, anh nghẹn ngào khóc nức nở “nếu em có chuyện gì thật sự anh không thể sống tiếp nữa”.
Sau 1 ngày thì họ cho mình xuống phòng hồi sức. Bác sĩ xuống thăm khám và nói xin lỗi mình. Khi về nhà và gặp mẹ chồng, bà ôm mình rất chặt rồi nói “con rất quan trọng đối với mẹ, với gia đình này”, chị Huyền Trân kể lại.
Ca sinh của chị ở Anh chi phí khoảng £10000-£15000 (khoảng 300-450 triệu) nhưng y tế ở Anh được miễn phí hoàn toàn.
2 tháng sau sinh, chị Huyền Trân phải uống thuốc thay cơm liên tục 4 tiếng/lần để kiềm chế đơn đau. Hiện tại, sau 3 tháng vượt qua cửa tử khi sinh, chị Huyền Trân đã ổn định trở lại, con trai chị cũng khỏe mạnh. Mặc dù gặp nguy hiểm khi đi sinh nhưng nhìn thấy sự quan tâm chăm sóc của chồng và mẹ chồng Tây, chị Huyền Trân cảm thấy hạnh phúc, may mắn, mọi hy sinh của mình đều xứng đáng.